Để có một thị trường "sạch"

11:24 | 14/05/2020

869 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ đang hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để xây dựng được một thị trường thực sự “sạch” luôn cần tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong thương mại quốc tế.

Trong vài năm gần đây, thương mại quốc tế xuất hiện xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ. Đặc biệt, xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt càng góp phần làm chủ nghĩa bảo hộ lan rộng. Các biện pháp bảo hộ ngày càng đa dạng, phong phú, từ nhiều lý do như "an ninh quốc gia", "sở hữu trí tuệ" dẫn đến áp các loại thuế “trừng phạt” các loại sản phẩm từ nhôm thép, dệt may cho đến các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt với lý do "cạnh tranh không lành mạnh", một số quốc gia còn sử dụng các biện pháp “trả đũa trực tiếp” vào các sản phẩm, ngành hàng của các quốc gia khác.

de co mot thi truong sach
Chiến tranh thương mại làm kinh tế thế giới suy giảm.

Tuy nhiên, được sử dụng thường xuyên nhất vẫn là các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Hệ quả phát sinh từ việc áp dụng các biện pháp PVTM cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung đó là sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và làm phát sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm hưởng những ưu đãi về thuế quan.

Tính đến hết tháng 3/2020, đã có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Các nước thường xuyên điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM với hàng hóa của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ...

Trước bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biễn hết sức phức tạp, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều, nhất là đối với một số sản phẩm đang trong tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong WTO và các FTA đã ký kết.

Nhằm cụ thể hóa quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh các biện pháp PVTM của các nước, qua đó bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, hướng tới chủ trương xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

de co mot thi truong sach
Chống gian lận thương mại cần được thực hiện liên tục và kiên quyết.

Ngoài ra, phương thức thực hiện quản lý chống lẩn tránh được mở rộng theo hướng cả ở cấp trung ương và địa phương; các hiệp hội và doanh nghiệp chủ động triển khai phòng tránh, nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ các hoạt động liên quan. Nội dung quản lý chống lẩn tránh mở rộng theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị, đầu tư nhằm theo dõi, giám sát, kiến nghị biện pháp quản lý toàn diện và thường xuyên hơn.

Ngay sau khi Đề án và Nghị quyết được ban hành, Bộ Công Thương đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng và phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bộ Công Thương đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, thành lập các Tổ công tác liên quan, khẳng định quyết tâm trong việc phòng chống, phát hiện, xử lý các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ nhằm phát triển sản xuất, đầu tư, xuất nhập khẩu bền vững, bảo vệ lợi ích của người dân, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Để có căn cứ xác định trọng tâm đấu tranh phòng chống tình trạng lẩn tránh PVTM, sau khi Đề án được ban hành, Bộ Công Thương đã xây dựng và thường xuyên cập nhật Danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp PVTM trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và trang thông tin điện tử của Bộ, gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố phối hợp theo dõi; phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ gán vào Việt Nam để tái xuất Hoa Kỳ và Thông tư số 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.

Bộ Công Thương hiện đang phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về phương án xây dựng văn bản quy định về sản xuất tại Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đang tiến hành sửa đổi dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan trong đó có nội dung về xử phạt các hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.

Đối với công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt các mặt hàng nhạy cảm. Các đơn vị chức năng của Bộ đã thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa tại một số doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu được xác định xuất xứ theo tiêu chỉ cộng gộp.

Tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu các đơn vị hải quan, đặc biệt là hải quan địa phương tăng cường kiểm tra, xác định vi phạm xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có mặt hàng có rủi ro cao; thực hiện kiểm tra ngay doanh nghiệp khi có dấu hiệu giao dịch xuất nhập khẩu tăng đột biến đối với những mặt hàng thuộc đối tượng nghi ngờ; xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ.

de co mot thi truong sach
Bộ Công Thương đang xây dựng hệ thống cảnh báo về các ngành hàng có nguy cơ cao gian lận xuất xứ.

Hiện nay, danh sách đã được cập nhật vào tháng 4/2020 với 12 mặt hàng có nguy cơ cao để các cơ quan quản lý có thể dựa vào đó tiến hành các nhiệm vụ cần thiết để xử lý vấn đề gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan để cập nhật, chỉnh sửa Danh sách theo hướng tập trung hơn nữa vào nhóm sản phẩm có nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Trong quý I/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa bị khởi kiện lẩn tránh biện pháp PVTM một phần là do sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các nghi vấn của nước ngoài, bên cạnh những nỗ lực của chính phủ, cần có sự tích cực, chủ động tham gia, phối hợp của doanh nghiệp - những người hưởng lợi cũng như bị ảnh hưởng trực tiếp từ biện pháp của nước ngoài áp dụng.

Theo đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và PVTM tại một số thị trường nhập khẩu; thận trọng trong việc tăng công suất, tránh đầu tư ồ ạt, đặc biệt là đầu tư để phục vụ xuất khẩu, tránh để tăng trưởng chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu sang một thị trường duy nhất.

Thành Công

de co mot thi truong sach

Việt Nam có 12 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại
de co mot thi truong sach

Bộ Công Thương gia hạn 3 năm áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài
de co mot thi truong sach

Xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại
de co mot thi truong sach

Xơ sợi nhân tạo của Việt Nam bị điều tra vì nghi bán phá giá
de co mot thi truong sach

Việt Nam đã phải đối mặt với 20 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế