Đầu tư lưới điện - Nhiều cản ngại

11:03 | 10/09/2019

681 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hàng nghìn MW công suất nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) được đầu tư xây dựng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhưng khi đưa vào vận hành lại không thể huy động hết công suất vì quá tải lưới điện. Trong khi đó, việc đầu tư bổ sung lưới điện gặp rất nhiều cản ngại.    

Mặc dù hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia hiện đã nằm trong top 4 của ASEAN và top 10 châu Á về quy mô, song cùng với việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn N-1 (tức là có dự phòng) vào năm 2020 và đạt tiêu chuẩn hiện đại vào năm 2030, các chỉ tiêu sản lượng điện truyền tải phải đạt được trên lưới điện quốc gia theo kế hoạch đến năm 2020 khoảng 225 tỉ kWh, năm 2025 hơn 350 tỉ kWh, năm 2030 đạt 502 tỉ kWh. Điều đó cũng đồng nghĩa rất nhiều công trình, dự án truyền tải điện đã được tính toán, phê duyệt tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phải được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành.

Có những câu hỏi đặt ra: Lưới truyền tải điện quá tải do đâu? Đầu tư lưới điện gặp những khó khăn gì? Có nên xã hội hóa việc đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện?... Cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Năng lượng Mới với ông Lưu Việt Tiến - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) - nhằm góp phần tìm câu trả lời.

PV: Thưa ông, cao điểm tháng 6, tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, không thể giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Hệ thống lưới điện do EVNNPT quản lý, vận hành có xảy ra tình trạng quá tải không?

dau tu luoi dien nhieu can ngai
Đầu tư lưới điện - Nhiều cản ngại

Ông Lưu Việt Tiến: Hiện nay hệ thống truyền tải điện do EVN quản lý, vận hành chưa bị quá tải do giải tỏa công suất của các nhà máy điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận vì một số nhà máy điện mặt trời phải giảm phát để tránh quá tải đường dây 110 kV thuộc quản lý của các tổng công ty điện lực.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi các tổng công ty điện lực hoàn thành dự án nâng cấp các đường dây 110 kV thì công suất điện mặt trời sẽ dồn lên lưới truyền tải. Cùng với một số nhà máy điện mặt trời thuộc tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hòa lưới từ nay đến năm 2020, dự kiến các trạm biến áp 500 kV Di Linh, Vĩnh Tân, Đắk Nông, các trạm biến áp 220 kV Phan Thiết, Tháp Chàm, các đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm, Đa Nhim - Đức Trọng, Đức Trọng - Di Linh… sẽ bị quá tải.

PV: Theo Tổng sơ đồ Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), đến năm 2020, lưới truyền tải điện đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 (nghĩa là có dự phòng). Vậy, tại sao vẫn có hiện tượng quá tải trên lưới điện quốc gia?

Ông Lưu Việt Tiến: Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), đến năm 2020, lưới truyền tải điện đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 theo đúng tiêu chí quy hoạch ban đầu. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hiện tượng quá tải do 3 nguyên nhân sau:

Một số nguồn điện chậm tiến độ như nhiệt điện than Thái Bình 2, Long Phú, Sông Hậu…

Nhiều nguồn điện bổ sung ngoài Quy hoạch điện VII, trong đó đặc biệt là điện mặt trời tập trung ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), dự kiến đến năm 2020, công suất nguồn điện gió khoảng 800 MW, công suất nguồn điện mặt trời khoảng 850 MW. Trong khi đó, tính đến ngày 30-6-2019 đã có 89 nhà máy điện mặt trời hòa lưới với tổng công suất khoảng 4.400 MW (chưa kể các nhà máy điện mặt trời, điện gió đang đầu tư xây dựng và đã bổ sung quy hoạch). Các quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo chỉ bổ sung các dự án lưới điện trực tiếp đấu nối cho từng dự án cụ thể mà chưa bổ sung quy hoạch các dự án lưới điện trên tổng thể hệ thống điện.

Nguyên nhân cuối cùng là do một số dự án lưới điện chậm tiến độ do khó khăn về thủ tục chuẩn bị đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cùng với một số nhà máy điện mặt trời thuộc tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hòa lưới từ nay đến năm 2020, dự kiến các trạm biến áp 500 kV Di Linh, Vĩnh Tân, Đắk Nông, các trạm biến áp 220 kV Phan Thiết, Tháp Chàm, các đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm, Đa Nhim - Đức Trọng, Đức Trọng - Di Linh… sẽ bị quá tải.

PV: Việc quá tải cục bộ lưới điện ở một số địa phương do các dự án nguồn điện đầu tư lớn dẫn đến nhu cầu phải đầu tư bổ sung lưới điện mới bảo đảm truyền tải hết công suất. Tại sao việc đầu tư bổ sung lưới điện lại không được triển khai đồng thời với các dự án nguồn điện, thưa ông?

Ông Lưu Việt Tiến: Từ năm 2017 đến nay có khoảng 130 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.500 MW và điện gió với tổng công suất 2.000 MW được bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), nhưng đến tháng 12-2018 mới bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) danh mục lưới điện truyền tải 220kV và 500 kV để đấu nối, truyền tải công suất các nhà máy điện mặt trời.

Trong khi đó, nếu đầu tư đồng thời thì thời gian đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải thường chậm hơn các nhà máy điện mặt trời 2-3 năm đối với đường dây 220 kV, chậm 3-5 năm đối với đường dây 500 kV. Do đó việc đầu tư bổ sung lưới điện truyền tải không thể đồng bộ với các nhà máy điện mặt trời.

EVNNPT kiến nghị việc bổ sung quy hoạch các nhà máy điện mặt trời, điện gió phải được xem xét đồng bộ với việc bổ sung quy hoạch lưới điện truyền tải để EVNNPT chủ động trong việc triển khai đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải.

dau tu luoi dien nhieu can ngai
Đường dây 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây

PV: Ông có thể cho biết, những khó khăn của EVNNPT trong quá trình triển khai đầu tư lưới điện 220 kV là gì?

Ông Lưu Việt Tiến: Trước hết là sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch nguồn điện và lưới điện, nhiều nguồn thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió được bổ sung quy hoạch nhưng lưới điện không được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Ví dụ, Dự án trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo phải xin điều chỉnh quy hoạch để tăng khả năng truyền tải điện cho các nhà máy điện gió tại Quảng Trị. Ngoài ra còn có nhiều sai khác giữa Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) với các quy hoạch phát triển điện lực của các tỉnh, thành phố về tiến độ, quy mô, dẫn đến phải xin hiệu chỉnh.

Về thủ tục đầu tư xây dựng, thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài do các thủ tục thỏa thuận pháp lý chính như: Thỏa thuận địa điểm trạm, thỏa thuận hướng tuyến đường dây với các tỉnh, thành phố; thỏa thuận vị trí, chiều cao, biện pháp cảnh báo hàng không với Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng; thủ tục trình, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; thủ tục trình Bộ Công Thương thẩm tra thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật…

Về bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác kiểm kê, xác định nguồn gốc đất, phê duyệt đơn giá và phương án bồi thường, xin chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng… gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, dự án đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm khởi công ngày 25-12-2017 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, trong quá trình thi công, nhiều hộ dân đòi chi phí đền bù thi công quá cao, không cho nhà thầu xây lắp vào thi công, các địa phương không tích cực hỗ trợ bảo vệ thi công dẫn đến tiến độ kéo dài. Ví dụ, dự án trạm biến áp 220 kV Lưu Xá khởi công ngày 25-12-2016 đến nay vẫn chưa đóng điện do 3 hộ dân đòi chi phí đền bù thi công quá cao, không cho nhà thầu xây lắp vào thi công.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Long