Đào tạo báo chí: Phải vừa dạy người, vừa dạy nghề

17:31 | 11/04/2013

819 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Sáng ngày 11/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức hội thảo “Phối hợp giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền với các cơ quan báo chí trong hoạt động đào tạo”. Hội thảo đã nêu ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm trong việc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực của khối ngành báo chí hiện nay giữa nhà trường và cơ quan báo chí.

Buổi hội thảo có sự tham dự của GS.TS Tạ Ngọc Tấn (Ủy viên TW Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), nhà báo lão thành Hà Đăng, PGS.TS Phạm Văn Linh (Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW), PGS.TS Nguyễn Viết Thảo (Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), PGS.TS Trương Ngọc Nam (Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) … cùng đại diện nhiều cơ quan báo chí TW và địa phương.

Chú trọng phối hợp giữa nhà trường – cơ quan báo chí

Có thể nói, đào tạo báo chí là một hình thức đào tạo đặc thù, không đơn thuần là đào tạo một nghề hay một nguồn nhân lực như đa phần ngành nghề khác trong xã hội mà đòi hỏi trình độ, kỹ năng nhất định để vừa "đào tạo người, vừa đào tạo nghề", đặc biệt là đào tạo về nhận thức về chính trị xã hội.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn (Ủy viên TW Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh).

 

GS.TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định: “Bất kỳ những vấn đề nào của đời sống hoạt động báo chí đều liên quan đến những động thái của chính trị - xã hội và đặc biệt là trách nhiệm của báo chí đối với xã hội cực kỳ lớn. Thông tin chúng ta phát ra sẽ tác động và có thể thay đổi hành vi của toàn xã hội”.

Bên cạnh đó, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cũng cho rằng nghề báo không chỉ đơn thuần là nghề viết lách đầy chất chính trị và trách nhiệm xã hội mà cần chất nghệ thuật để nâng cao hiệu quả tiếp nhận xã hội. Và trong mọi giai đoạn, việc gắn bó giữa cơ sở đào tạo và môi trường tại cơ quan báo chí là điều tất yếu, bởi xét cho cùng, chất lượng đào tạo báo chí cũng phụ thuộc một phần vào thời gian hoạt động thực tiễn tại cơ quan báo chí. 

GS.TS Tạ Ngọc Tấn đã chia sẻ kỉ niệm được học làm báo một cách thực tiễn qua những tiết điểm báo với ông Phạm Chỉnh (Ban Tuyên giáo TW). Theo GS, qua những tiết điểm báo này, kiến thức về báo chí hiện lên rất sinh động, hấp dẫn; học viên được những người có kinh nghiệm phân tích những điều hay và cả những lỗi sai trong quá trình làm báo như lỗi chính trị hay lỗi do chủ quan đơn giản … Bên cạnh những đợt đi thực tế, chính những buổi điểm báo, phân tích báo chí ấy đã góp phần không nhỏ cho các học viên báo chí củng cố thêm kiến thức về nghề.

Từ đó, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, các cơ quan báo chí và cơ sở giáo dục phải gắn bó chặt chẽ  để trao đổi thông tin với nhau, mời các nhà báo có kinh nghiệm giảng dạy, chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho các học viên, sinh viên báo chí hoặc tạo điều kiện cho các giảng viên chuyên ngành được hoạt động báo chí thực tiễn. Ông cũng nhận định: “Giảng viên báo chí mà không có tác phẩm báo chí, không hoạt động báo chí thì không thể đủ sức thuyết phục và không đủ điều kiện giảng dạy cho học viên, sinh viên”.

PGS.TS Phạm Văn Linh (Phó trưởng ban Tuyên giáo TW).

Chia sẻ vấn đề đào tạo báo chí, PGS.TS Phạm Văn Linh (Phó trưởng ban Tuyên giáo TW) cũng khẳng định vai trò của báo chí đối với đời sống xã hội rất lớn, không chỉ nâng cao kiến thức mà còn củng cố, nâng cao giá trị tinh thần của đời sống xã hội.

Với mỗi phóng viên, nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp phải được chú trọng giáo dục ngay từ trong nhà trường. Ông cũng chỉ ra 4 nội dung cần phải có trong hoạt động đào tạo báo chí: bản lĩnh chính trị, phông kiến thức, trách nhiệm công dân và khả năng tác nghiệp, và những yếu tố này cần sự phối hợp của cả nhà trường và cơ quan báo chí. PGS.TS Phạm Văn Linh khẳng định: “Việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo và cơ quan báo chí sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên và cho cả đất nước”.

Khi việc phối hợp có hiệu quả, các cơ sở đào tạo có thể điều chỉnh chương trình, nội dung giảng dạy để có những bài giảng phù hợp với sự phát triển không ngừng của xã hội cũng như nhu cầu của cơ quan báo chí. Cùng với đó, cơ quan báo chí cũng có được nguồn nhân lực dồi dào, cũng như cơ hội phát hiện những “tay bút” có tiềm lực và năng khiếu để bồi dưỡng.

Cần nâng cao chất lượng “dạy nghề”

Chia sẻ về vấn đề thực tập và hành nghề của sinh viên báo chí, ông Nguyễn Quang Hòa (TBT báo Tuổi trẻ Thủ đô) cho biết, có rất nhiều sinh viên thực tập đã chia sẻ với ông về việc chương trình học khó hiểu, nặng về lý thuyết, thiếu thời gian thực hành nên khi bước chân vào làm việc thực tế rất lúng túng và không biết bắt đầu từ đâu. Từ đó, ông gợi ý các thầy cô giáo nên đổi mới cách dạy, cách học, giúp sinh viên tiếp cận và cọ xát với nghề báo ngay từ trong nhà trường.

Cùng chung quan điểm với với ông Nguyễn Quang Hòa, ông Lê Trọng Lập (TBT báo Hà Giang) khẳng định: “Nhà trường nên giúp cho sinh viên có được cái nhìn toàn diện về nghề báo, về trách nhiệm của nhà báo và vị trí của nghề nghiệp trong xã hội. Như vậy, sinh viên mới không bị ngỡ ngàng khi tiếp cận với báo chí thực tiễn, tránh tình trạng tô hồng thực tế hoặc lo lắng quá đà của các sinh viên khi ra trường”.

Đồng thời, nhà trường cần đào tạo đạo đức nghề báo và cung cấp kiến thức đa chiều, đa diện về kinh tế, thị trường, xã hội và những mối quan hệ phong phú, đa dạng cho sinh viên.

Nhà báo Nguyễn Như Phong (TBT báo Năng lượng Mới - Petrotimes).

Là một nhà báo có thâm niên trong làng báo, cũng từng được học tập trong Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhà báo Nguyễn Như Phong (TBT báo Năng lượng Mới - Petrotimes) khẳng định, kiến thức được học trong trường báo chí rất bổ ích đối với những người đã có kinh nghiệm làm báo, thế nhưng với học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12, những kiến thức này tưởng chừng rất “vô bổ”.

Ông cho rằng: “Sau khi ra trường về với cơ quan báo chí, hầu hết sinh viên phải đào tạo lại từ cách viết tin, viết bài phản ánh …”. Theo nhà báo Nguyễn Như Phong, sinh viên báo chí hiện nay ra trường phải “bập” vào việc ngay, trong khi kiến thức quá nhiều nhưng không được thực hành thực tế, vì vậy dễ dẫn đến tình trạng, sau khi ra trường, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành báo chí nhưng không viết nổi một tin đúng mực.

Từ những thực tế đó, nhà báo Nguyễn Như Phong góp ý, nhà trường nên bớt đi những môn học “vô thưởng vô phạt” đối với sinh viên báo chí như xác suất thống kê hay logic học. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo báo chí nên có những lớp dạy nghề báo cho sinh viên ngay từ trong nhà trường để giúp sinh viên không bỡ ngỡ khi bước chân vào thực tế.

Trước những góp ý chân thành và sâu sắc của những nhà quản lý báo chí, cũng như các lãnh đạo cơ quan báo chí, PGS.TS Trương Ngọc Nam đã nghiêm túc tiếp thu và khẳng định đây là những ý kiến đóng góp hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với việc đào tạo sinh viên báo chí.

Ngoài ra, PGS.TS Trương Ngọc Nam cũng khẳng định sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu và tăng cường mời những nhà báo có kinh nghiệm để giảng dạy, hỗ trợ những sinh viên báo chí trước khi bước chân vào nghề báo. 

Nhã Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc