Đạo diễn Ái Như: Tôi có những điều ước dang dở

07:08 | 15/06/2011

993 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Tôi muốn có một sân khấu đẹp, một kịch bản hay và những diễn viên tài năng, mẫu mực. Tất nhiên, điều ước này, với tôi, luôn là dang dở" đạo diễn Ái Như chia sẻ.

Là một diễn viên có tài, nhưng Ái Như còn thể hiện được tài năng hơn nữa khi xông pha trong vai trò đạo diễn. Trái ngược với vẻ bề ngoài dìu dịu, rất Huế, Ái Như là một cá tính đạo diễn mạnh mẽ, một “bầu sô” quyết liệt khi tự tin mở cho mình điểm diễn riêng: Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Làm việc tới 14, 15 tiếng một ngày, sống chết với sân khấu Hoàng Thái Thanh, Ái Như cũng không ngoài mục đích: Giúp những học trò mới ra ràng có được sân chơi nghiêm túc và dành chỗ thực thi những ý tưởng nghệ thuật chưa hề mang dấu hiệu cạn kiệt.

Đạo diễn Ái Như.

- Viết và dựng chừng 30 vở kịch, từ “Khúc nhạc lòng của vị mục sư, Đùa với tình yêu, Hợp đồng hôn nhân, Trầu cau, Chuyện của Diễm”, rồi đến “Hồn Trương Ba da hàng thịt, Hãy khóc đi em, Thử yêu lần nữa, Cảm ơn mình đã yêu em, Ba người đàn ông họ Lôi, Sông dài, Cơn mê cuối cùng”…, chị thực sự thấy mình đã có được một gia tài nghệ thuật đầy đặn và phong phú?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình đã làm được những gì ghê gớm quá. Từ khi bắt tay vào dàn dựng vở diễn đầu tiên, “Khúc nhạc lòng của vị mục sư” làm bài tập tốt nghiệp, tôi đã chỉ tâm niệm một điều, giải mã được tâm lý con người. Tại sao trong những tình huống như thế này, con người sẽ hành xử thế kia, hỉ nộ ái ố thế khác. Hơn nữa, sân khấu là công trình tập thể. Ngoài tác giả, đạo diễn, còn có công sức của dàn diễn viên, của những người làm âm thanh, ánh sáng, làm mỹ thuật, và cả kỹ thuật nữa. Cuối cùng là khán giả, những tri âm tri kỷ, cũng chính là những đồng tác giả trong sáng tạo riêng của người nghệ sỹ chúng tôi.

- Ở TP Hồ Chí Minh, chị cũng là một trong những đạo diễn được coi như tiên phong, mạnh dạn đưa các cảnh “nóng” lên sân khấu kịch. Thực hiện điều này, chị có e ngại điều gì không, nhất là khi mình lại thuộc phái “yếu”?

- Tôi không cho rằng mình là người tiên phong. Trước tôi, trong nhiều vở kịch tâm lý ở Sài Gòn, nhiều đạo diễn đã đưa các cảnh “nhạy cảm” vào tác phẩm và rất được tán thưởng. Tôi cũng không có gì phải e ngại. Với tôi, đơn giản, cảnh “nóng”, hay mối quan hệ luyến ái nam nữ, là một tình huống có buộc phải xẩy ra trong suốt đường dây kịch hay không? Đưa “nó” lên sàn diễn có hợp lý không, “nó” liệu có lệch đi so với tông màu chủ đạo của cả vở diễn? Tâm lý nhân vật có cần phải phát triển theo chiều hướng đó hay không? Ví như kịch bản “Nhân danh công lý” đã rất nổi tiếng của NSND Doãn Hoàng Giang và nhà văn Võ Khắc Nghiêm, có lớp cô Quỳnh bị Hoàng Tú cưỡng bức. Đấy chính là cảnh “nóng”. Nếu thiếu đi cảnh đó, diễn tiến câu chuyện chắc chắn sẽ khác. Làm sao có được lớp kịch thể hiện nỗi đau tận cùng của người yêu Quỳnh, và cũng không thể dẫn đến thảm cảnh, Nhân bị Hoàng Tú ra tay hạ sát.

- Sân khấu của chị thường đẹp và rất giàu nữ tính, một nơi mà người xem có thể đến thưởng ngoạn để rồi rơi nước mắt cho số phận các nhân vật?

- Ở đó đâu chỉ có nước mắt, nỗi buồn, sự đau khổ. Ái Như còn biết cười, biết lạc quan trước cuộc sống. Cũng không hề dễ để lấy nước mắt hay nụ cười của khán giả. Tôi quan niệm, sân khấu trước hết phải đẹp, phải là nơi để con người thanh lọc, tẩy rửa tâm hồn mình. Chả có đạo diễn nào lại rắp tâm đưa cái không đẹp tới cho khán giả thưởng ngoạn cả.

- Lý thuyết là thế. Tuy nhiên, có những khi, người xem đã phải rùng mình bởi những cảnh diễn quá tự nhiên chủ nghĩa, tóm lại là đối nghịch với đẹp trên sân khấu. Theo chị, đấy chỉ là tai nạn nghề nghiệp hay đạo diễn đã thất bại khi thể hiện ý tưởng?

- Tôi không nghĩ đó là tai nạn. Có thể, đạo diễn đã xử lý chưa tới. Hay cũng có thể, đấy chính là ý đồ của đạo diễn. Biết đâu, góc nhìn của đạo diễn và người xem lại không trùng hợp nhau, thậm chí quá đối nghịch. Để cho tất cả mọi ý kiến đều đồng nhất với mình, chưa hẳn đã là hay.

Ái Như trong vở "Người điên trong ngôi nhà cổ".

- Cảm thụ nghệ thuật của công chúng cũng phải có mẫu số chung chứ?.

- Là đạo diễn, tôi cũng như các đồng nghiệp của mình, đều muốn đưa một món ăn thật ngon, thật lành mạnh, bổ ích tới công chúng. Còn thực hiện được đến đâu, mong tất cả mọi người đều chia sẻ, tán đồng với mình, lại là điều quá mơ mộng. Tất nhiên, mọi khái niệm đều có tính tương đối. Nhưng, chắc chắn một điều, những người làm nghệ thuật không bao giờ dám có thái độ coi thường công chúng.

- Chị hiện thấy hài lòng nhất với diễn viên nào? Ai hội đủ yếu tố ngoại hình và cả sự biểu cảm để đáp ứng đòi hỏi của chị?

- Nếu là hài lòng nhất thứ nhất thì tôi đang chờ đợi điều này ở tương lai.

- Vậy còn Hồng Ánh, một nữ diễn viên được ưu ái rất nhiều trên sân khấu Hoàng Thái Thanh của chị?

- Hồng Ánh đúng là một nữ diễn viên xinh đẹp, lại có sự biểu cảm và nhạy cảm hiếm có.

- Sân khấu Hoàng Thái Thanh được mở ra, là một cách để chị giúp học trò của mình có chỗ “an cư lạc nghiệp”?

- Ngày tôi mới ra trường, đúng là không dễ để tìm được một chỗ làm ưng ý. Sinh viên của tôi bây giờ lại có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều sàn diễn để các em thử sức mình. Tôi cũng mong sân khấu Hoàng Thái Thanh trở thành nơi chốn để các em vào đời được nhẹ nhàng hơn, thoải mái, thanh thản hơn so với lứa chúng tôi buổi trước.

- Sự thiếu thốn trầm trọng các yếu tố kỹ thuật phù trợ có ảnh hưởng nhiều tới việc thể hiện các ý đồ đạo diễn của chị trên sân khấu?

- Sân khấu của mình thiếu thốn đủ đường. Mấy mươi năm nay vẫn thế. Làm nghề mà so đo điều này, chắc bỏ lửng lâu rồi… Nguyên liệu có thế, vẫn phải cho ra đời món ăn tinh túy, bổ dưỡng nữa. Nếu có phương tiện, chắc chắn, đạo diễn sẽ dễ hướng tới sự chuẩn mực hơn nhiều. Phải liệu cơm gắp mắm, tính toán, chăm chút cẩn thận thôi. Tính toán chăm chút đến cả sự rụt rè, ngần ngại trong tiếp cận cái mới của người Việt mình. Sân khấu mình, có thiếu văn minh hơn so với thế giới, cũng là lẽ thường.

- Vậy, nếu có một điều ước, chị ước gì cho sân khấu?

- Tôi muốn có một sân khấu đẹp, một kịch bản hay và những diễn viên tài năng, mẫu mực. Tất nhiên, điều ước này, với tôi, luôn là dang dở.

- Trân trọng cảm ơn đạo diễn Ái Như.

Là diễn viên cùng lứa với “thế hệ vàng” của kịch TP Hồ Chí Minh như Thành Lộc, Hồng Vân, từng nổi danh với nhiều vai diễn trong các vở diễn đình đám trên sân khấu 5B Võ Văn Tần, Ái Như lại khẳng định được vị thế đạo diễn của mình khi đầu quân cho Idecaf. Sau khi dàn dựng chừng 30 vở diễn tại Idecaf của “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn, đạo diễn Ái Như và người bạn tâm giao trong nghệ thuật của mình, NSƯT Thành Hội đã quyết định tạo dựng nên một điểm diễn riêng, lấy tên sân khấu Hoàng Thái Thanh. Hoàng Thái Thanh chính là bút danh của Ái Như và Thành Hội được ký dưới các kịch bản mà hai người thường viết chung.

PV