Đan Trường, “Running man” và chuyện “văn hóa hâm mộ”

11:27 | 03/08/2013

1,524 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay, người ta đã bàn luận quá nhiều về cái gọi là “văn hóa hâm mộ”, song hầu như mọi ý kiến đều mới loay hoay ở việc phê phán những hành động thái quá trong cách biểu lộ tình cảm từ phía công chúng. Trong khi đó, để có được một “văn hóa hâm mộ” đẹp thật sự thì còn phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử của các thần tượng. Và đó cũng chính là ý nghĩa đến từ hai câu chuyện “nóng” gần đây: chuyện chàng “running man” và Đan Trường bị fan nữ tố lừa tình - tiền vừa qua!

Phải thừa nhận rằng, giới trẻ thời nào cũng có và cần có thần tượng cho riêng mình và ở mỗi thời, giới trẻ có những nhân vật thần tượng khác nhau. Ruồi Trâu - chàng thanh niên đã hiến dâng cả cuộc đời, hy sinh tất cả tình cảm riêng tư cho lý tưởng cách mạng trong tiểu thuyết cùng tên; hay phương châm sống của Pavel Corsaghin - nhân vật chính trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” đã từng trở thành lý tưởng sống của thanh niên thế giới... Những nhân vật đó cũng đã từng trở thành thần tượng khi mà tất cả thanh niên nước ta đều sục sôi lý tưởng, mong muốn đất nước giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những con người khoảng 40 năm về trước đến bây giờ họ vẫn trân trọng khi nghĩ đến thần tượng một thời của mình.

Để có văn hóa hâm mộ thì sao và fan phải có một tình yêu đẹp, đủ lớn và thanh cao

Nói riêng về thần tượng âm nhạc, thì vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, những chàng trai trong nhóm The Beatles cũng đã trở thành thần tượng âm nhạc của thế giới. Họ là ban nhạc nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất trong lịch sử âm nhạc đại chúng. Họ là thần tượng không chỉ vì họ hát hay mà âm nhạc của họ phản ánh được tâm trạng của thời đại, là khát vọng tự do, xóa bỏ những ràng buộc của ước lệ xã hội, để quên đi những cuộc chiến tranh phi nghĩa đang lấy đi sinh mạng của bao con người trẻ tuổi. Đến tận bây giờ, The Beatles vẫn còn là thần tượng, là niềm cảm hứng lãng mạn của hàng triệu con người trên khắp thế giới!

Hiện tại, những ngôi sao giải trí, thể thao đang là thần tượng nổi bật nhất của hầu hết công chúng trên khắp thế giới. Ở nước ta càng thấy rõ điều đó! Các nhà văn hóa, đạo đức đang lo ngại rằng, phải chăng lý tưởng của giới trẻ bây giờ chỉ là những hào nhoáng nhất thời?! Song, điều đáng lo ngại không phải chỉ là việc công chúng thần tượng những ai mà là văn hóa thần tượng của công chúng cũng đang có nhiều vấn đề!

 Vài năm trở lại đây, mỗi khi các ngôi sao ngoại sang Việt Nam thì sau đó cái gọi là “văn hóa hâm mộ” lập tức trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi nhất trên các diễn đàn. Những hình ảnh đám đông đội nắng hay dầm mình dưới mưa to, họ hò hét, khóc lóc, té ngã, ngất xỉu… chỉ để được nhìn ngắm thần tượng của mình không quá một phút! Không có từ nào chính xác hơn để gọi những bạn trẻ cuồng nhiệt với thần tượng ấy ngoài tên gọi: Fan cuồng. Lâu nay, nói về văn hóa hâm mộ, dường như mọi ý kiến chỉ tập trung vào việc việc phê phán những hành động thái quá như trên. Song, để có được một văn hóa hâm mộ đẹp thật sự thì còn phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử của các ngôi sao với người hâm mộ của mình.

Khi các cầu thủ của Arsenal đến Việt Nam vừa qua, công chúng đã có dịp chứng kiến một hình ảnh khác trong cách thể hiện tình yêu với thần tượng của mình đến từ chàng “Running man” - sinh viên Vũ Xuân Tiến, đó cũng chính là một hình ảnh tuyệt đẹp về văn hóa hâm mộ. “Running man” - người đàn ông chạy bộ cũng chính là từ mà HLV CLB Arsenal Arsene Wenger dành tặng cho Tiến, một “fan cuồng” đã cởi trần chạy bộ suốt 5km theo xe chở các cầu thủ Arsenal. Kết quả của sự “cuồng” ấy, Tiến được Wenger mời lên xe, được chụp ảnh với các thần tượng, được tặng áo đấu “xịn” với đầy đủ chữ ký của các cầu thủ và đặc biệt nhất là một “vé mời” sang  London.

Hình ảnh đẹp trong văn hóa hâm mộ của “người đàn ông chạy bộ” được thể hiện ở chỗ anh ta không khóc lóc, gào thét, đòi tự tử, không hôn ghế, không đòi từ mặt bố mẹ, không khiến các thần tượng của mình phát hãi… Vũ Xuân Tiến âm thầm chạy bộ theo xe chở thần tượng, đó cũng là một hành động bột phát nhưng đầy đam mê và là một lối ứng xử văn hóa trong cách thể hiện tình yêu của fan với thần tượng.

Nhưng, đặc biệt không kém đó là cách cư xử của các thần tượng, là HLV Wenger và các cầu thủ Arsenal cũng đã tạo ra một hình ảnh, một câu chuyện tuyệt vời về văn hóa hâm mộ. Mời “người đàn ông chạy bộ” lên xe, chụp hình, tặng chữ ký và mời anh ta sang London thăm CLB của mình… Những hành động đó là thể hiện tình cảm, sự trân trọng của thần tượng với người hâm mộ hay là vì ý gì đi chăng nữa thì Arsenal cũng đã chứng tỏ được đẳng cấp ứng xử văn hóa của một đội bóng quốc tế.

Cũng trong thời gian Arsenal sang Việt Nam, ở showbiz Việt xảy ra một scandal bất ngờ, khiến không ít công chúng âm nhạc phải ngỡ ngàng: ca sĩ Đan Trường bị fan nữ tố lừa tiền lẫn tình. Bất ngờ là bởi vì xưa nay Đan Trường là một ca sĩ có danh tiếng sạch, trong khi rất nhiều ca sĩ lần lượt vướng vào những tai tiếng thì sau hơn chục năm đi hát, Đan Trường vẫn giữ được một hình ảnh tuyệt vời trong lòng người hâm mộ; đương nhiên hình ảnh ấy gần như chấm hết cho tới khi chàng ca sĩ điển trai này cùng vợ mới cưới lọ mọ đi gặp báo chí để phân trần chuyện nợ tình - tiền một fan nữ! 

Phía Đan Trường tính rằng tiền mượn tạm và tính luôn cả tiền quà cáp, tiền hỗ trợ mà anh nhận từ fan nữ kia để sản xuất các sản phẩm ca nhạc lúc túng thiếu là 30 nghìn đô, trong khi đó thì cô gái mà chính Đan Trường thừa nhận là có tình yêu ấy tố là số tiền phải lên đến 60 nghìn đô. Sự thật số tiền ấy bao nhiêu thì không biết, nhưng hành động “âm thầm” chuyển khoản trả lại 42 ngàn USD của Đan Trường đã cho thấy xen giữa mối quan hệ người hâm mộ - thần tượng này còn là mối quan hệ tình - tiền.

Thật ra những vụ lùm xùm liên quan đến tình - tiền giữa “sao” và người hâm mộ không phải là ít và vụ Đan Trường cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Thực tế thì showbiz Việt đang tồn tại nhiều mối quan hệ bất thường. Trong cuộc trò chuyện gần đây với vài người nổi tiếng trong giới showbiz, người viết bài này cũng đã nhận được những khẳng định từ họ rằng: chuyện “sao” lợi dụng sự nổi tiếng để lừa dối tình cảm lẫn tiền bạc của người hâm mộ là rất phổ biến! Đó hẳn là điều lý giải vì sao có chuyện “sao” chưa kịp “sáng” đã đưa fan nữ vào nhà nghỉ, còn vừa được nổi tiếng đã bị tố lừa cả tiền cả tình người hâm mộ!

Trở lại chuyện đẳng cấp trong văn hóa ứng xử của thần tượng nhìn từ các cầu thủ Arsenal. Đẳng cấp của họ không chỉ là phong cách bóng đá tấn công đặc trưng mà còn là vì họ biết nuôi dưỡng tình yêu và sự hâm mộ của thần tượng, tình yêu ấy nhiều khi chỉ bằng một lối ứng xử hết sức giản dị nhưng đầy văn hóa, trân trọng, như hành động chạy bộ theo xe thần tượng của chàng “Running man” Vũ Xuân Tiến chẳng hạn. Có lẽ cũng chính vì lẽ đó mà đội bóng này có nhiều cổ động viên suốt đời từ khắp nơi trên thế giới!

Qua câu chuyện của chàng “Running man” và vụ Đan Trường bị tố lừa tình - tiền đã chỉ ra rõ ràng một điều là: muốn có văn hóa hâm mộ đẹp thì cả “sao” và người hâm mộ phải có một tình yêu đẹp. Và tình yêu ấy phải đủ lớn và thanh cao để nó không trở thành một mối quan hệ bị chi phối bởi tình và tiền của nhau. Và nhất định đó không phải là tình yêu nam nữ!

Trúc Vân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps