'Đâm đụng, ngập nước' - nỗi hoang mang khi mua ôtô cũ

10:14 | 26/08/2018

791 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đâm đụng, ngập nước là hai rủi ro mà người mua xe cũ dễ gặp vì khó phát hiện khi quan sát.

Hoàng Anh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội muốn mua xe cũ khoảng 200 triệu vì vợ mới sinh em bé. Không có hiểu biết về xe nên anh tìm kiếm trên các trang mua bán xe cũ và bắt đầu mông lung vì có quá nhiều lựa chọn, nhưng khó khăn hơn là làm sao xác định chất lượng xe còn tốt bởi nếu chỉ nhìn bề ngoài thì tất cả như nhau.

"Đến 90% các xe tôi xem trên mạng đều kèm theo cụm từ 'không đâm đụng, ngập nước', nhưng thực tế có từng bị thủy kích hay đâm nhau nát đầu thì không thể biết", Hoàng Anh nói.

'Đâm đụng, ngập nước' - nỗi hoang mang khi mua ôtô cũ
Xe Mercedes bị chết máy ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP HCM) hồi tháng 5. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nỗi lo lớn của người mua xe cũ hiện nay là không thể xác định được nguồn gốc, chất lượng, đặc biệt là hai trường hợp nặng nề: đâm đụng và ngập nước. Xe từng bị đâm va mạnh được làm đồng sơn (thân vỏ) lại thường nhìn như chưa từng xây xước. Tuy vậy, chất lượng vật liệu không còn tốt như mới, độ cứng vững, kín khít cũng khó hoàn hảo. Chưa kể, các chi tiết thay mới có thể hoạt động không đầy đủ chức năng như đồ nguyên bản trên xe. Lý do nữa khiến người Việt hay kiêng mua xe đâm đụng là quan niệm xe từng tai nạn mang đến nhiều điềm xấu.

Trong khi đó, ngập nước lại kéo theo những rủi ro sâu hơn - thủy kích. Thủy kích là khi nước theo đường hút gió lọt vào buồng đốt của động cơ, gây chết máy. Hỗn hợp xăng-nước không thể xảy ra phản ứng đốt cháy (nổ) nên động cơ bị gián đoạn hoạt động. Nếu tài xế cố gắng nổ máy tiếp sẽ gây hư hỏng nặng nề hơn như gãy tay biên, thủng lốc máy.

Những hư hại này buộc phải khắc phục bằng cách mở động cơ (bổ máy), thậm chí thay cả cụm với chi phí rất lớn. Bên cạnh đó, thủy kích còn gây hại cho hệ thống điện, ghế, các khớp nối, vặn. Có những chi tiết ở sâu không khắc phục triệt để như điện có thể gâp chập cháy.

Bởi những rủi ro lớn nên khách hàng Việt thường e ngại với xe cũ từng bị đâm đụng, ngập nước. Vài ngày trước, trên diễn đàn lớn về ôtô, nhiều độc giả bất ngờ khi thấy chiếc Toyota Vios được rao bán "xe như mới, không đâm đụng, ngập nước". Nhưng thực tế, biển số xe lại cho thấy đây là mẫu xe từng bị đâm bẹp đầu trong một vụ án mạng mà báo chí từng đăng. Thông thường, những mẫu xe này được các salon mua lại, tút tát như mới rồi bán với cách miêu tả không đúng sự thật.

'Đâm đụng, ngập nước' - nỗi hoang mang khi mua ôtô cũ
Kia Sedona đi qua vùng nước ngập sâu ở đường Vũ Trọng Phụng (Hà Nội), tháng 7/2018. Ảnh: Gia Chính

Con số thống kê của các hãng bảo hiểm cho thấy ngập nước trở thành bệnh phổ biến với ôtô tại Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, TP HCM. Trận lụt lịch sử năm 2008 ở Hà Nội có tới 1.000 xe bị hư hỏng vì ngập, theo số liệu của hiệp hội bảo hiểm Việt Nam. Trong khi đó năm 2016, trận lụt ở TP HCM trong vài ngày khiến một số hãng bảo hiểm tiếp nhận tới hàng trăm ca "cấp cứu".

Nhiều phương pháp kiểm tra xe từng đâm va, ngập nước được chia sẻ trước nay nhưng để phát hiện ngày càng khó. Một thợ kỹ thuật cho biết, tay nghề "mông má" của đội ngũ thợ ở Việt Nam ngày càng cao, có những xe bị đâm nát, không còn nhìn ra hình dáng ôtô nhưng chỉ một tháng sau đã đẹp như mới. Anh kể có xe bị ngập nước tới nửa thân, mang vào garage hai tuần, mọi thứ đã trở lại như vừa xuất xưởng. Những dấu vết như đầu giắc cắm điện, các miếng ốp dưới sàn, sắt dưới ghế bỉ gỉ đều được "phù phép" trở lại sáng bóng.

Anh này khuyên, nếu xác định mua xe cũ, khách nên mang xe tới các xưởng chính hãng hoặc tin cậy để kiểm tra tổng thể. Bên cạnh đó, xe từng tháo máy hay đâm đụng thường khả năng vận hành cũng bị ảnh hưởng. Khi đó, hãy nhờ những người lái xe kinh nghiệm, có cảm nhận tốt về ôtô chạy thử, họ có thể phát hiện giúp các lỗi như hụt ga, thân xe không vững, hệ thống treo có vấn đề... Cũng bởi những điều khó tin tưởng, nhiều người chọn cách mua của người quen để yên tâm hơn.

Sau hai tuần tìm kiếm, tham khảo, Hoàng Anh bỏ ý định mua xe cũ. Anh vay thêm hai bên nội, ngoại và ngân hàng để mua chiếc hatchback cỡ A, tổng lăn bánh hơn 500 triệu.

"Tôi phải cố thêm để trả nợ, nhưng còn hơn là rủi ro hy sinh tiền sữa của cháu để sửa xe".

Theo VnExpress.net

Ngành giao thông không chỉ "tắc đường" mà còn "tắc tư duy, tắc giải pháp"
Nhiều người trả giá cao để mua lại xe cũ
Cách tính giá ôtô cũ để không bị 'hớ' khi mua lại