Đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán 2022

10:32 | 29/11/2021

644 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tính đến nay, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu trong trường hợp có dịch bệnh, triển khai các biện pháp bình ổn thị trường không để thiếu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Nhiều địa phương triển khai kế hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán

Đến nay, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã kích hoạt các phương án cung ứng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn thành phố. Được biết tổng giá trị hàng Tết năm nay sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho trên 10 triệu người hiện đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội.

Đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán 2022
Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt khoảng 39.000 tỉ đồng, đáp ứng đủ nhu cầu cho trên 10 triệu người

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sở đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất - kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng, triển khai phương án dự trữ hàng hóa, bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ Tết; tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 39.000 tỉ đồng.

Trong đó đáp ứng đầy đủ mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi; các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm: Nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy... Mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch: Khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn.

Theo kế hoạch, các kênh bán hàng truyền thống trên địa bàn Thủ đô sẽ phục vụ tại: 28 hệ thống trung tâm thương mại; 123 hệ thống siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài ra, các kênh bán hàng đa phương tiện: Bán hàng qua website, hotline, app… với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến. Trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng: 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu…

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022 với giá trị hàng hóa tương đương Tết 2021. Để thích ứng với dịch bệnh, doanh nghiệp đã đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến phục vụ khách hàng, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

UBND TP Hải Phòng cũng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo kế hoạch, 8 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tham gia chương trình thực hiện bình ổn thị trường gồm: gạo, gia vị, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản và rau củ.

UBND TP Hải Phòng yêu cầu hàng hóa trong chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào tham gia cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường. Qua chương trình, UBND TP Hải Phòng muốn thúc đẩy hệ thống phân phối, đa dạng hóa mô hình mạng lưới điểm bán; kết nối các cơ sở sản xuất với các điểm phân phối trên địa bàn.

Đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp với các nhóm hàng trong chương trình, có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh, có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện chương trình. Các đơn vị này phải cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa tham gia chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm, niêm yết giá theo quy định.

Đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán 2022
Chiến dịch hàng Tết tại TP Hồ Chí Minh đã được triển khai từ ngày 1/10

Tại TP HCM cho đến thời điểm này, 100% doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm khôi phục với khoảng 80% công suất. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, mọi năm doanh nghiệp có 45 ngày cao điểm sản xuất hàng Tết. Tuy nhiên năm nay, chiến dịch hàng Tết đã được triển khai từ ngày 1/10, tức là kéo dài đến 3 tháng.

“Sau giãn cách, hàng dự trữ của chúng tôi gần như bằng 0. Vì vậy ngay khi TP HCM mở cửa thì chúng tôi đã chuyển trạng thái ngày nào cũng là cao điểm Tết. Có như vậy chúng tôi mới dần dần nâng sản lượng hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu thị trường TP HCM và cả nước. Hiện nay Vissan vừa tổ chức sản xuất 3 ca để tăng công suất, vừa bảo đảm các điều kiện an toàn phòng dịch. Với kinh nghiệm vừa qua thì chắc chắn chúng tôi không để đứt gãy sản xuất dù phát sinh F0 trong nhà máy”, ông Dũng khẳng định.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang ở tâm thế thăm dò thị trường, nghe ngóng diễn biến dịch bệnh. Theo bà Chi, có một số vấn đề khó khăn với các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Thứ nhất là cạn nguồn lực sau nhiều tháng dồn sức phục vụ thị trường giai đoạn dịch bệnh. Thứ hai là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Tại Hậu Giang, Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp, nhà phân phối chủ lực trên địa bàn tỉnh để chốt các phương án cụ thể chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm. Hiện nay, hàng hóa tại Hậu Giang dồi dào, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cho người dân.

Tương tự, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng thông báo, Sở đã rà soát tình hình dự trữ hàng hóa và khả năng cung ứng hàng hóa tại các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ và có kế hoạch nguồn hàng bình ổn thị trường để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu theo từng cấp độ dịch bệnh.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến nhiều mặt, dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm 2021 sẽ giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước có nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cùng với đó, Vụ Thị trường trong nước hợp tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đôn đốc, tạo điều kiện cho các địa phương, các doanh nghiệp triển khai Chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trở lại.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các Sở Công Thương tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu trong trường hợp có dịch bệnh và cho dịp Tết, triển khai các biện pháp bình ổn thị trường; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất dự trữ đầy đủ, có phương án bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm, đồng thời hướng dẫn các chợ dân sinh, chợ đầu mối triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo Cục QLTT các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Ngoài ra, các Cục: Công nghiệp, Điều tiết điện lực, Hóa chất, Dầu khí và Than tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 để duy trì hoạt động sản xuất các mặt hàng cần thiết nhằm đảm bảo cung ứng đủ, ổn định cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản đến thời kỳ thu hoạch trong giai đoạn cuối năm; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

M.C