Cuộc sống muôn màu và bánh xe công lý

14:19 | 01/06/2022

625 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - "Vết dao ngược đêm trăng" của nhà văn Dương Thanh Biểu là một cuốn tiểu thuyết nhân tình thế thái trong ngành tư pháp, không phải người trong ngành thì sẽ không thể có một quán chiếu xác tín như vậy.

Về căn bản, một cuốn tiểu thuyết chuẩn bút pháp phải hội tụ đủ các yếu tố: nội dung cốt truyện; kết cấu chương hồi phần…; cách dẫn truyện; điểm xuất phát theo thời gian từ quá khứ đến hiện tại, hoặc thời gian đảo ngược; cách giải quyết vấn đề; các chi tiết lạ; cách đặt và mô tả cảnh sắc hình ảnh, cách dùng câu chữ để thể hiện tính cách, nội tâm nhân vật, cảnh huống…

"Vết dao ngược đêm trăng" của nhà văn Dương Thanh Biểu là một tiểu thuyết thiên hướng chuyên ngành tư pháp, trong đó tác giả là người trong cuộc. Ví như nhà văn là giáo viên viết về môi trường dạy và học; nhà văn là bác sĩ viết về ngành y, những câu chuyện liên quan cứu chữa bệnh nhân và công việc chuyên môn, đồng nghiệp; nhà văn là họa sĩ, thì câu chữ chứa chất hình ảnh sắc màu cuộc sống.

Cuộc sống muôn màu và bánh xe công lý
Nhà văn Dương Thanh Biểu

Nhà văn Dương Thanh Biểu nguyên là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, suốt mấy chục năm ông là một cán bộ cao cấp của ngành Kiểm sát, phẩm chất nhân văn, ý chí kiên định, ứng phó tình huống với tư duy thông minh, mạch lạc, và sống có trách nhiệm, sống với tình yêu thương trong cuộc đời thấm đẫm trên từng trang viết của ông. Và độc giả được tiếp cận với một cuốn tiểu thuyết chứa đựng những câu chuyện trong ngành tư pháp. Không phải là tiểu thuyết trinh thám, hình sự, vụ án. "Vết dao ngược đêm trăng" của nhà văn Dương Thanh Biểu là một cuốn tiểu thuyết nhân tình thế thái trong ngành tư pháp, không phải người trong ngành thì sẽ không thể có một quán chiếu xác tín như vậy.

Ngay từ những dòng đầu tiên, tiểu thuyết "Vết dao ngược đêm trăng" đã xác lập vị trí của mình: Đây là một cuốn tiểu thuyết hiện thực, nội dung đầy ắp những dữ liệu cuộc sống thường nhật, qua con mắt nhìn và trí cảm của người cán bộ tư pháp, cuộc sống với muôn màu sáng rỡ; nhưng phía sau ẩn chứa biết bao điều nghịch lý, những tội ác, những âm mưu xảo quyệt, những tình huống éo le... Và chính vì vậy, mà độc giả được tiếp xúc với cả một bộ máy thực thi công lý, những cán bộ pháp lý mang trên vai trách nhiệm nặng nề bảo vệ cuộc sống bình yên, bảo vệ niềm tin công lý. Điều mà rất nhiều người vốn luôn muốn tìm hiểu sâu về một ngành đầy gian nguy, đòi hỏi rất nhiều kiến thức và tình yêu thương, để đem đến cho những số phận con người niềm tin công lý mà họ cần được hưởng hoặc những chế tài cần phải áp dụng.

Trong đêm mưa gió, căn nhà người cán bộ pháp lý là Nguyễn Hoàng, nhân vật chính, mưa dột xuống cả giường ngủ. Tình yêu thương vợ con gia đình của nhân vật được tác giả đặt ngay từ những dòng đầu của tiểu thuyết.

“Nguyễn Hoàng giật mình tỉnh giấc khi những cơn gió mạnh thổi sàn sạt ào về. Anh có cảm giác mặt đất như bị chao lắc, nghiêng ngả vì cơn cuống phong dữ dội của thiên nhiên” (trang 9).

Với tên chương đầu: “Cú điện thoại đêm cuồng phong”, và với những dòng đầu tiên, người đọc ngay lập tức định hình trong đầu mình một câu chuyện mở, mang hơi hướng của tội phạm, của cái ác đã hoặc đang xảy ra, và từ đây người đọc bắt đầu đi theo những chi tiết, những biến cố xảy ra, thông qua hình ảnh nhân vật chính, một cán bộ của ngành tư pháp, mà sau này lên đến vị trí quan trọng của ngành: Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Nguyễn Hoàng là một người lính bị thương trong một cuộc chiến đấu, được đơn vị cho về thăm nhà sau nhiều năm ở chiến trường. Nhưng căn nhà thân thương của anh nay là một hố bom trống hoác. Bước chân về nhà, anh mới biết, anh phải chịu cái tang lớn khi bố mẹ và các em bị bom B52 thả trúng căn nhà, tan tác không còn thân hình ai nguyên vẹn, xóm làng đành chôn họ chung một nấm mộ. Anh rơi vào thảm cảnh, với con đường tương lai mịt mù, khi người thân không còn ai.

Nhưng rồi anh có cơ duyên được cho chuyển ngành về làm việc ở Viện kiểm sát tỉnh Hưng Đàn. Ở đây anh gặp được nửa thứ hai của mình, gắn bó son sắt suốt cuộc đời…

Ngay từ những trang đầu, người đọc được nhà văn dẫn dắt, chuẩn bị tâm thế về hình ảnh Nguyễn Hoàng - nhân vật chính, để tin tưởng và cùng anh giải mã tất cả những sự việc xảy ra mà tác giả sẽ dần dần đưa ra, theo lối văn ngữ uyển chuyển, đôi lúc sắc lạnh, đôi lúc như khối rubic, khiến người đọc phải xoay phải ngẫm ngợi phải khóc, phải cười cùng thế sự.

Cách viết này sẽ mang đến dòng năng lượng tích cực cho người đọc, để tham gia vào trận đồ câu chữ của nhà văn. Một niềm tin với nhân vật chính. Để theo chân nhân vật tham dự những tình tiết phức tạp của những vụ án, mà vụ điển hình trong tiểu thuyết này là vụ án xảy ra ở tỉnh Hưng Đàn.

Cuộc sống muôn màu và bánh xe công lý

Ngay chương đầu này, tiểu thuyết đã tái hiện vụ án mạng nghiêm trọng mà các cán bộ thực thi nhiệm vụ như Điều tra viên, Kiểm sát viên phải có trách nhiệm cùng phối hợp để thu thập tài liệu, chứng cứ, tìm ra thủ phạm. Đọc hết tập tiểu thuyết, dễ thấy nhà văn Dương Thanh Biểu có lối viết tả thực; giàu chất lãng mạn với lối sống và suy nghĩ rất tình cảm, phương pháp giải quyết thấu tình đạt lý của dàn nhân vật chính, diện. Phải chăng đây cũng chính là lối sống và đạo lý, nhân tâm của nhà văn. Trong mỗi khoảnh khắc phải đối diện với những cái chết, những tội ác, xấu xa tàn bạo, những âm mưu thâm hiểm, những tình huống éo le… tác giả luôn có những đoạn văn tả cảnh khá phù hợp với tâm lý nhân vật. Cũng phản ảnh tính cách bản chất của từng nhân vật.

Tuyến nhân vật chính diện (gồm cả khối tư pháp từ địa phương tới Trung ương đều rất có tư cách, bản lĩnh trong hoạt động tư pháp. Nguyễn Hoàng được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng tỉnh (nơi xảy ra vụ án ở Hưng Đàn), sau là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cáo. Khi đọc những dòng về nhân vật này, có cảm giác đây chính là tác giả đã hóa thân vào nhân vật. Khi vào việc họp hành, nhận định, nhờ nắm chắc kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn, nên cách trình bày các nguồn chứng cứ buộc tội và gỡ tội, những tài liệu gì cần phải tiếp tục xác mình để khẳng định ai là kẻ phạm tội, ai là người bị oan, của Nguyễn Hoàng rất khoa học. Là một nhà văn có tiểu sử cuộc đời giống nhân vật chính, ông đã sử dụng khá chuẩn xác cách dùng ngôn ngữ nghề của khối tư pháp kết hợp hài hòa với ngôn ngữ văn học nên làm cho câu chuyện kể về vụ án nhưng tránh được sự khô khan xơ cứng.

Dàn nhân vật phản diện cũng được nhà văn xây dựng khá phù hợp với tuyến truyện. Nhân vật phản diện nguy hiểm, tàn độc xuyên suốt tác phẩm là Hoàng Thụy, kẻ vốn là cán bộ tư pháp nhưng đã bị sa thải. Một kẻ như vậy sẽ không có chuyện làm ăn chân chính. Hắn mở Công ty Đại Phát, nhờ nhiều chiêu trò mà công ty này phát đạt nhanh chóng, nổi tiếng trong tỉnh. Hắn đã cho tay chân mua chuộc, nhờ vả, hối lộ những cán bộ tỉnh ở bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là móc nối, hối lộ các cán bộ tư pháp, làm chệch hướng việc giải quyết vụ án, nhằm trục lợi cho công ty, và để hoành hành tác oai tác quái trong tỉnh.

Đau lòng thay, khi lần lượt các gương mặt biến chất lộ rõ hình hài: những người nguyên là cán bộ tiến hành hoạt động điều tra, truy tố và xét xử như Trần Huy (Điều tra viên), Lê Kiên (Kiểm sát viên) và Ngô Quý (Thẩm phán). Những người này đã biến chất, thoái hóa, móc nối và nhận hối lộ của Hoàng Thụy, biến mình thành những kẻ không chỉ tham nhũng, mà còn để làm sai lệch hồ sơ vụ án, bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen nhằm phục vụ cho mưu đồ xảo quyệt, đen tối của Hoàng Thụy.

19 chương được tác giả sắp đặt rất rõ ràng khúc chiết, cấu trúc theo sự việc sự vụ, theo tuyến thời gian, chi tiết, tình huống, ngữ cảnh nhân vật. Chương nào tác giả rất khéo léo, tinh tế khi đặt tên tựa hồ như một cốt truyện vụ án. Nhưng tiểu thuyết này là lấy văn để mô tả án, lấy văn để nói lên nhiều điều thông qua đánh án. Mà nhân văn là thước đo cao nhất. Cho nên mới đọc tên chương đã làm cho người đọc hồi hộp. Cú điện thoại đêm cuồng phong; “Biển Xanh”, nơi lắm mưu nhiều kế, sau song sắt, đầu gấu lộng hành, lãnh đạo viện nghe Lê Kiên báo cáo, đêm trăng rằm đẫm máu, Lê Hoan, kẻ sát nhân? Hoàng Thụy quay cuồng chống đỡ, Phiên tòa phúc thẩm, Cuộc tranh luận đầy kịch tính, Trận đánh quyết định, Mùa xuân đoàn tụ…

Có thể thấy, tác giả đã chọn một đề tài và chủ đề rất phức tạp của một vụ án giết người không tìm ra được thủ phạm, sự cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, án chồng án, để đưa vào tiểu thuyết những điều cần nói cần giải quyết, ít nhất trên những trang sách. Chủ đề cốt truyện mà tác giả đưa ra cho đến nay và có lẽ còn lâu dài, là một vấn đề sẽ luôn hiện hữu cùng cuộc sống, hiện hữu cùng xã hội loài người, khi mà cái ác vẫn chưa thể (hay không thể?) tiêu diệt tận gốc.

Mặc dù vậy, những con người có nhân tâm vẫn không hề chùn bước. Họ có trí tuệ và niềm tin. Truyện giải mã bằng hình ảnh sau đó, các cơ quan tư pháp Trung ương đã vào cuộc kịp thời nên vụ án được giải quyết dứt điểm. Những kẻ phạm tội đã bị truy tố xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bất kể họ là ai đều phải chịu phán quyết của công lý. Những người bị oan được trả lại tự do và khôi phục các quyền lợi hợp pháp.

Chỉ một bức thư của người được giải oan, được trả lại các quyền lợi hợp pháp của công dân, có lẽ đó không chỉ là phúc phận của người cán bộ tư pháp mà còn nói lên tính nhân văn sâu đậm của tác phẩm:

“Thưa chú. Cách đây gần 5 năm, chúng cháu là những doanh nhân đang kinh doanh, xây dựng kinh tế, thì một tai vạ ập đến. Chúng cháu bị vu oan và bị bắt giam về tội giết người…” (trang 315.

Tiểu thuyết là hư cấu. Nhưng người viết lại là một cán bộ cấp cao ngành tư pháp. Những câu chữ mà tác giả tuôn ra là lệ, là máu, là mồ hôi tâm sức của biết bao nạn nhân, bao cán bộ tư pháp âm thầm đấu tranh trong mặt trận không tiếng súng. Tuy không ở trên chiến trường năm xưa nhưng cuộc đấu tránh chống tội phạm, chống cái ác, cái giả dối… ngày nay không kém phần phức tạp, cam go và rất nguy hiểm. Một bức thư hàm ơn của những nhân vật mà tác giả đưa vào tiểu thuyết, hay bài thơ dành riêng tặng con gái vào ngày cưới, những chia vui ấm áp của đồng nghiệp. Đó là Mùa xuân đoàn tụ. Là bánh xe công lý quay đúng vòng quay của nó. Là niềm tin công lý sẽ được gắn liền với cuộc sống xã hội, mà bộ máy tư pháp hiển nhiên không thể không tồn tại một cách trung thực và nhân văn.

Cho dù tiểu thuyết là hư cấu. Nhưng hư cấu dựa trên thực tế suốt mấy chục năm là người cán bộ trực tiếp thực hành quyền công tố, với trái tim của một con người chân chính, nhà văn Dương Thanh Biểu đã thực sự sống và viết bằng tất cả tấm lòng nhân hậu với trái tim và trí tuệ mẫn cảm của mình. Xin chúc mừng nhà văn Dương Thanh Biểu với tiểu thuyết "Vết dao ngược đêm trăng".

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà