Cuộc quyết đấu giữa 2 cơ quan tình báo KGB và CIA (Phần 10)

06:27 | 01/04/2019

1,943 lượt xem
|
(PetroTimes) - Từ đầu mùa xuân 1987, quân đội Liên Xô thay đổi chiến thuật. Mối nguy hiểm bây giờ không phải là chiến đấu cơ mà là xe tăng. CIA đã bỏ nhiều thời giờ nghiên cứu nhưng không biết nhiều về xe tăng Liên Xô và đặc biệt là làm sao tìm ra vũ khí thích hợp để có thể hạ nó từ xa.

Từ Mujahideen đến Taliban

Những viên đạn bạc của Milt Bearden.- Islamabad, Pakistan, tháng 3-1987. Giám đốc CIA William Casey chết một tháng trước khi tuyết bắt đầu tan tại những rặng núi Nam Á. Tuy nhiên, Casey đã kịp thấy những tín hiệu đầu tiên của cục diện thay đổi tại Afghanistan. Quá trình thương lượng với Moscow tại Geneva ngày càng căng thẳng. Tại Washington, hầu hết đều tin rằng hãy còn quá sớm để Mỹ rút khỏi Afghanistan.

cuoc quyet dau giua 2 co quan tinh bao kgb va cia phan 10
Lính gác biên giới Trung Quốc và Pakistan tại cửa khẩu Khunjerab.

Và như vậy, cuộc chiến vẫn tiếp tục. Không bị ảnh hưởng nhiều bởi không khí chính trị Washington, chánh văn phòng CIA tại Pakistan Milt Bearden dành hết thời gian cho cuộc chiến. Bearden tin rằng thành công của tên lửa cầm tay Stinger phải được tiếp nối bằng vũ khí mạnh, hiệu quả và nguy hiểm hơn để có thể duy trì tinh thần lực lượng Mujahideen đồng thời hạn chế sức mạnh quân sự Liên Xô.

Từ đầu mùa xuân 1987, quân đội Liên Xô thay đổi chiến thuật. Mối nguy hiểm bây giờ không phải là chiến đấu cơ mà là xe tăng. CIA đã bỏ nhiều thời giờ nghiên cứu nhưng không biết nhiều về xe tăng Liên Xô và đặc biệt là làm sao tìm ra vũ khí thích hợp để có thể hạ nó từ xa.

Vũ khí chống tăng được Mujahideen sử dụng lúc đó là RPG-7 hoặc súng không giật 75 mm và 82 mm, với tầm bắn hạn chế trong bán kính chừng 275 m – khoảng cách đủ để xạ thủ Liên Xô bắn chết Mujahideen trước khi hắn kịp bóp cò.

Lời giải cho bài toán của Bearden nằm trong kho vũ khí Pháp. Đó là tên lửa Milan do Pháp chế tạo. Khi được bắn vào mục tiêu, Milan kéo theo sợi đồng cực mỏng mà qua đó xạ thủ có thể đưa ra mệnh lệnh điện tử điều khiển hướng bay chính xác. Milan nâng bán kính hủy diệt của nó gấp 10 lần so với RPG-7.

Đèo Kunjerab, tháng 6-1987. Đèo Kunjerab giữa Pakistan và Trung Quốc dường như nằm sát nóc nhà thế giới và không ai có thể lên đây bằng xe Toyota Land Cruiser – phương tiện dùng nhiều tại chiến trường đèo núi Afghanistan.

Ở độ cao gần 5.000 m với không khí loãng và địa hình hiểm trở, Kunjerab trở thành địa điểm lý tưởng cho các chuyến buôn lậu la từ Trung Quốc sang Pakistan. Là sản phẩm giữa lừa đực và ngựa cái, la là giống vật có sức chịu đựng bền bỉ và di chuyển tốt trên địa hình dốc núi.

Khi dấn sâu vào cuộc chiến Afghanistan, Milt Bearden bắt đầu khám phá một “triết lý” rằng Mỹ không chỉ trông cậy vào “viên đạn bạc” mà còn là những con la! Nhu cầu về la của CIA cho chiến trường Afghanistan nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Số trang thiết bị-vũ khí mà CIA cung cấp cho Mujahideen tăng đến 60.000 tấn/năm và tất cả đều được chuyển từ Pakistan vượt “lằn ranh zero” (biên giới Pakistan-Afghanistan) qua hơn 300 con đường bí mật khác nhau để lọt đến các căn cứ Mujahideen.

Khối lượng hàng khổng lồ trên cần nhiều xe tải 5-10 tấn, xe hàng loại nhỏ và đặc biệt là đám la. Nhu cầu “bất tận” về la từng hiện diện trong các bức điện mật mà văn phòng CIA-Pakistan gửi về Langley (trụ sở CIA), đề nghị cung cấp “la Mỹ” cho chiến trường, do nguồn buôn lậu la từ Trung Quốc không ổn định.

Một trong những bức điện như vậy ghi: “Lực lượng phản ứng nhanh CIA tại Afghanistan chỉ cần những con la đáp ứng tiêu chuẩn sau: a/ Không hơn ba tuổi. b/ Còn đầy đủ răng. c/ Được thú y kiểm định sức khỏe tốt (...).

“Cú đòn Ojhri” của Leonid Shebarshin

Tổng hành dinh Ban Giám đốc thứ nhất KGB, Yasenevo, ngày 10-4-1988. Leonid Vladimirovich Shebarshin đánh giá vụ nổ kinh hoàng tại trại Ojhri (Pakistan) là điển hình thành công của mạng tình báo và an ninh Khad (Afghanistan) do KGB xây dựng.

cuoc quyet dau giua 2 co quan tinh bao kgb va cia phan 10

Trung tướng tình báo Nga Leonid Shebarshin

Là phó giám đốc bộ phận phân tích thuộc Ban Giám đốc thứ nhất KGB, Shebarshin có nhiệm vụ điều chỉnh liều lượng thích hợp trong cuộc đọ sức tình báo với CIA tại mặt trận Nam Á. Trong KGB, Shebarshin là viên tướng kinh nghiệm nhất về Nam Á và Trung Á.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Đông phương học Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Moscow năm 1958, Shebarshin làm việc với vị trí viên chức ngoại giao tại Pakistan. Tiếp đó, ông chuyển sang KGB, phụ trách các chiến dịch tại Pakistan, Ấn Độ và Iran. Ông trở về Ban Giám đốc thứ nhất KGB đặc trách Afghanistan đầu thập niên 1980...

Trại Ojhri, ngày 12-4-1988. Chánh văn phòng CIA tại Pakistan Milt Bearden được thiếu tướng Janjua đón tại sân bay. Khói vẫn bốc đen kịt, nồng nặc mùi thuốc súng và hiện trường chỉ còn là đống gạch vụn khổng lồ.

Chuyện xảy ra như thế nào? – Bearden hỏi. “Chúng tôi tiếp tục điều tra” – Janjua trả lời – “Nhưng có lẽ công nhân bốc xếp đã làm rơi một tên lửa Ai Cập, có thể là tên lửa phốt pho trắng. Có một tiếng nổ lớn và lửa bắt đầu cháy mạnh.

Khi công nhân vội vã cứu người bị thương, ngọn lửa lan nhanh không thể kiểm soát. Trong vài phút, tất cả đều nổ tan tành”. “Lại là quân nhu Ai Cập sao?” – “Vâng, đúng là quân nhu Ai Cập”... Quân đội Mỹ chứng kiến nhiều lần sự tắc trách của nguồn cung cấp quân nhu Ai Cập.

Trong những năm đầu cuộc chiến, Ai Cập đã tống đổ tống tháo vũ khí và đạn dược lỗi thời của họ cho các chiến binh Mujahideen Afghanistan. Một năm trước, từng có một vụ nổ nhỏ tại trại Ojhri, cũng bởi bom phốt pho Ai Cập. Tuy nhiên, quân nhu Ai Cập đã bị trách oan lần này...

(Còn tiếp)

Thiên Phú

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc