Cuộc khủng hoảng tại Ukraine: Thế bí của các “ông lớn”

09:00 | 30/03/2014

4,597 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự kiện xảy ra tại Gruzia năm 2008 đã nhắc nhở cả thế giới rằng, “Gấu Nga” không phải chỉ còn giữ được bộ lông kiêu hãnh mà thực chất, “Gấu Nga” vẫn sở hữu thứ sức mạnh cơ bắp đáng gờm.

 

Sức mạnh này là thứ mà Nga đang muốn phô diễn một lần nữa tại cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Họ đã hiện thực hóa điều đó bằng việc đưa quân đội vào khu vực tự trị Crimea của Ukraine. Tuy nhiên, việc có tiếp tục can thiệp quân sự sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine hay không vẫn còn là một câu hỏi làm đau đầu giới chức lãnh đạo Nga, bởi vị trí địa lý và tiềm lực của Ukraine khác hẳn Gruzia. Nhìn sang phương Tây, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Đánh không được mà không đánh cũng không xong. Có vẻ như họ vẫn chưa sẵn sàng đối đầu với Nga vì Ukraine. Trước mắt, các cường quốc sẽ khó có thể tìm thấy tiếng nói chung trong cuộc khủng hoảng này vì đích đến mà họ muốn hướng tới nằm ở những ngã rẽ hoàn toàn khác nhau.

Ngã rẽ đầu tiên là hướng tới Brussel, Bỉ, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu. Những người muốn điều này là những người theo chủ trương mở rộng EU và cả cường quốc bên kia Đại Tây Dương - Mỹ. Theo tiết lộ từ cựu điệp viên CIA của Mỹ Scott Richard, Mỹ và EU đã chuẩn bị cho cuộc biểu tình tại Kiev từ mấy năm trước. Mục đích không gì khác ngoài việc lôi kéo các nước thân Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ gia nhập NATO. Sự chuẩn bị này có lẽ bắt đầu từ khi bà Yulia Tymoshenko - nguyên Thủ tướng Ukraine có tư tưởng thân phương Tây bị bắt giam. Mọi nỗ lực giải cứu bà Tymoshenko đều thất bại và họ lại bắt đầu “làm thân” với vị Tổng thống thân Nga Victor Yanukovich.

Mọi việc tưởng chừng thành công tại Hội nghị thượng đỉnh “Đối tác phương Đông”, nơi mà ông Yanukovich sẽ đặt bút ký kết “Thỏa thuận liên minh hải quan” với Liên minh châu Âu. Nhưng do sức ép từ phía Nga, Ukraine đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận chỉ vài ngày trước thềm hội nghị. Phương Tây không thể kiên nhẫn hơn bởi họ đã chờ đợi điều này suốt 7 năm. Họ thấy rằng, đã đến lúc đưa bà Tymoshenko trở lại hoặc bất kỳ một nhà lãnh đạo nào khác sẵn sàng “làm mất lòng” Nga.

Nhưng trớ trêu thay, Ukraine chưa đủ hấp dẫn để phương Tây sẵn sàng đối đầu với Nga. Ông Obama dường như đã bẽ mặt khi ông Putin thản nhiên điều quân tới Crimea chỉ vài giờ sau lời cảnh báo của Nhà Trắng về “cái giá phải trả” nếu Nga quyết định can thiệp quân sự vào Ukraine. Vậy là bất chấp hồi ức buồn về những chiếc xe tăng của Nga tràn sang Gruzia năm 2008, phương Tây vẫn đánh giá sai lầm về sức mạnh tuyệt đối trong con người ông Putin cũng như khả năng gây hại của nước Nga. Ông Putin đang đặt cược vào sự suy yếu của Wanshington và sự lệ thuộc của các nước châu Âu vào khí đốt của Nga. Việc phương Tây liên tục tuyên bố “cô lập Nga về chính trị và kinh tế” hay “loại Nga ra khỏi G8” có lẽ chỉ là… lời đe dọa suông bởi điều đó không khác nào “tự lấy dây buộc mình”.

Hiện nay, nội bộ Mỹ cũng đang có những bất đồng xung quanh vấn đề trừng phạt Nga bởi cả hai nước đều có những lợi ích đan xen chằng chịt. Nga là nhà cung cấp động cơ Rocket DF-180 cho các vệ tinh quân sự và do thám vào không gian của Mỹ. Trong khi Nga vẫn chưa chính thức đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp động cơ RD-180 cho Mỹ nhưng viễn cảnh này vẫn thường xuyên được đưa ra bởi các nhà quan sát trong bối cảnh bất đồng giữa hai nước đang ngày càng leo thang. Không chỉ giới chức lãnh đạo Mỹ đau đầu về hậu quả của các lệnh trừng phạt với Nga, người dân Mỹ cũng đã tỏ thái độ phản đối gay gắt với quyết định này của chính phủ.

Ngày 18/3, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã có lời tuyên bố gửi các tỉnh miền Nam và Đông đất nước, trong đó ông cam kết Ukraine sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), duy trì quy chế ngôn ngữ quốc gia cho tiếng Nga và tăng quyền cho các khu vực. Bài phát biểu này cho thấy sự thất vọng của Ukraine đối với phương Tây sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vùng tự trị Crimea vào Nga. Nó cũng khiến cho hình ảnh của phương Tây bị suy giảm đáng kể.

Mục tiêu của phương Tây trong vụ khủng hoảng lần này là lôi kéo Ukraine gia nhập NATO, chưa biết lợi, hại của sự gia nhập này sẽ thế nào nhưng trước mắt những tổn thất mà họ phải chịu là quá lớn trong bối cảnh tàn dư của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu chưa kết thúc và kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều trở ngại sau “vách đá tài chính”. Cố vấn Tổng thống Putin là Sergei Glazev cho biết, nếu lệnh cấm vận chống lại Chính phủ Nga được tuyên bố, Điện Kremlin sẽ phải tuyên bố Nga không trả bất kỳ khoản vay nào cho các ngân hàng Mỹ. Các nhà lập pháp Nga cũng đã tuyên bố rằng, họ sẵn sàng đưa ra một đạo luật nhằm tịch thu tài sản và tài khoản ngân hàng của các công ty châu Âu và Mỹ trong trường hợp lệnh cấm vận chống lại Nga được áp dụng.

 Ngã rẽ thứ hai, ngã rẽ chỉ có một người muốn hướng tới là Điện Kremlin. Nga và Ukraine có chung đường biên giới phía đông, việc Nga muốn giữ gìn một Ukraine thân Nga là điều dễ hiểu, nhất là sau khi một loạt các nước Estonia, Latvia… gia nhập Liên minh châu Âu khiến biên giới phía đông của Nga càng thêm “trống vắng”. Vì lý do này mà tại cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga luôn tỏ ra rất cứng rắn và vô cùng quyết liệt. Họ nhất quyết không để phương Tây cướp đi tấm lá chắn cuối cùng của mình. Nga đã có rất nhiều hành động để đảm bảo cho điều này, trong đó đáng nói nhất là việc Nga lặng lẽ đưa quân vào Crimea bất chấp các lệnh trừng phạt từ  phương Tây. Và họ đã thu được kết quả nhiều hơn dự kiến.

Ngày 17/3, 96% người dân Crimea đã bỏ phiếu tán thành việc sáp nhập Crimea trở thành một phần lãnh thổ của Nga. Sự kiện này có thể coi là lời răn đe của ông Putin với chính quyền tạm thời tại Ukraine nhưng nó cũng đẩy nước Nga đứng trước nguy cơ gây phương hại đến mối quan hệ vốn đã không mấy êm đẹp với phương Tây. Dù biết rằng các lệnh trừng phạt sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của cả phương Tây nhưng điều đó không đảm bảo rằng họ sẽ không áp dụng biện pháp cấm vận với Nga.

Nhà phân tích chính trị Alexei Makarkin nói: “Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của Nga kể từ năm 1991, chưa bao giờ Nga lâm vào tình trạng như thế này”. Theo ông, khác với thời kỳ Xôviết khi đất nước có nền kinh tế khép kín, ngày nay Nga đã hội nhập toàn diện vào thị trường toàn cầu và các biện pháp trừng phạt (nếu bị áp đặt) sẽ gây hậu quả “vô cùng thảm khốc”. Khủng hoảng ở Ukraine, nước được coi là vựa lúa mì ở châu Âu, đã làm tăng 5% giá lương thực ở Nga trong tháng qua. Thêm vào đó nguy cơ ngừng cung cấp lương thực từ Ukraine cũng là một mối lo ngại khác. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Dardanelles khiến thực phẩm không thể cung cấp ra thị trường Nga thì Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng giống như đợt hạn hán năm 2010, khi giá lương thực tăng gấp đôi.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng phản ứng trước cuộc khủng hoảng ngoại giao này bằng việc đồng loạt tháo đồng rup để dự trữ đồng tiền của phương Tây. Nhiều người so sánh sự tương đồng giữa cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay với diễn biến năm 2008, khi đó, cuộc chiến của Nga tại Gruzia đã làm “chất xúc tác” khiến cho lượng vốn lớn chảy khỏi Nga. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến hệ quả đồng rup bị mất giá tới 30%.

Lệnh cấm vận không phải cách duy nhất gây tổn thương cho Nga. EU không thể từ bỏ dầu và khí đốt Nga nhưng họ có thể theo đuổi một chiến lược lâu dài để tìm nguồn tài nguyên thay thế. Iran đã mở cửa dưới thời Tổng thống mới đắc cử Hassan Rouhani và nước này có thể là một lựa chọn thay thế cho năng lượng nhập khẩu từ Nga. “Nga đang trở thành đối tác kém hấp dẫn hơn cho châu Âu, trong khi Iran đang trở nên hấp dẫn hơn”, chuyên gia phân tích thị trường khí đốt Đông Âu Mikhail Korchemkin cho biết.

Ngoài những “ông lớn” đang trực tiếp tham gia vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, vẫn còn một số những “ông lớn” khác - những người có những tính toán riêng và những lợi ích không rõ ràng tại Ukraine. Cho đến nay họ vẫn có thiên hướng trung lập, đó là Đức và Trung Quốc. Hai quốc gia này cho đến nay vẫn chưa để lại dấu ấn gì đặc biệt tại cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy đã có nhiều cuộc tiếp xúc giữa các bên nhưng nhìn chung điều họ ủng hộ chỉ đơn thuần là việc giải quyết bằng con đường ngoại giao, tránh leo thang căng thẳng và tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như quyền tự quyết của mỗi quốc gia.

Ngay từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, Đức đã nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga - Mỹ. Đức đóng vai trò chính trong các cuộc đàm phán ở Kiev về môi giới một thỏa thuận hòa bình giữa phe đối lập thân châu Âu và Chính phủ Ukriane của Tổng thống bị lật đổ Yanoukovych. Để tránh việc Nga bị loại khỏi G8, hôm 2/3, bà Merkel đã có cuộc điện đàm trực tiếp với ông Putin nhằm tìm cách ngăn cản sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine. Bà Merkel hiểu rõ mô hình G8 là cách duy nhất để các nước phương Tây có thể đối thoại trực tiếp với Nga và từ bỏ mô hình này là điều hoàn toàn không nên. Cả Nga và Mỹ đều nhất trí với đề xuất của Đức rằng cần phải thành lập một “phái bộ tìm hiểu sự thật” cũng như một nhóm tiếp xúc để bắt đầu cuộc đối thoại chính trị ở Ukraine. Đứng ở vị trí một người hòa giải nhưng lại thuộc khối EU, dù không muốn nhưng Đức ắt sẽ phải chịu những thiệt hai về kinh tế và ngoại giao với Nga khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt.

Báo Le Soir (Bỉ) số ra ngày 5/3 có bài bình luận với nhan đề “Người ta nói. Người ta công kích. Người ta đe dọa. Nhưng chẳng có gì thay đổi cả”. Đây chính là đặc điểm của cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine. Mọi biện pháp trừng phạt đều là “con dao hai lưỡi” trong bối cảnh giao dịch thương mại toàn cầu. Chỉ có con đường ngoại giao hòa bình, thực lòng vì người dân Ukriane mới có thể giúp các nước thoát khỏi “thế bí” hiện nay.

T.M

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc