Cú hích xuất khẩu RCEP

06:52 | 07/12/2020

219 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là dấu mốc quan trọng của nền kinh tế Việt Nam khi chính thức hội nhập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Với những cam kết khác biệt và linh hoạt, RCEP được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tận dụng nhiều cơ hội mới mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Việc tìm kiếm và xây dựng thị trường ổn định cho các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt với các sản phẩm có thế mạnh có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau đại dịch mà còn chuẩn bị sẵn sàng ứng phó những thách thức khó lường trong tương lai. RCEP đã tạo ra một thị trường hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng với quy mô gần 27.000 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP toàn cầu.

Cú hích xuất khẩu RCEP
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang phân tích, RCEP sẽ mang đến giá trị lớn để Việt Nam đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, qua đó tận dụng tốt hơn các thị trường đối tác hiện nay. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong hiệp định, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP, nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

“Hiệp định cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối. Đây được coi là điểm mở rộng hơn so với các FTA ASEAN+1, giúp DN Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đa dạng trong toàn khối RCEP để tăng cường khả năng xuất khẩu sang các nước đối tác trong khối” - bà Nguyễn Cẩm Trang nhấn mạnh.

"RCEP khi đưa vào thực thi sẽ mở thêm cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp. " - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Ở góc độ khác, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá, RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối.

RCEP đồng thời giúp Việt Nam mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam hàng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô.

Gia tăng sức ép cạnh tranh cho hàng nội địa

Với lộ trình cam kết trong Hiệp định RCEP, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan Việt Nam dành cho ASEAN ở mức 90,3%, Australia và New Zealand đạt 89,6%, Nhật Bản và Hàn Quốc 86,7%, Trung Quốc là 85,6%. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, do việc tự do hóa thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua nên cam kết xóa bỏ thuế quan nhập khẩu của Việt Nam trong RCEP dù không tạo cú sốc về giảm thuế nhập khẩu nhưng sẽ gia tăng cạnh tranh đối với các ngành sản xuất, kinh doanh trong nước.

Đáng lưu ý, đặc điểm các nền kinh tế trong khối có nhiều điểm tương đồng, thậm chí có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam. Đơn cử như Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ sẽ là thách thức với những mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, với việc giảm thuế nhập khẩu, hàng hóa các nước trong khối RCEP sẽ dễ dàng tràn vào Việt Nam, khi ấy sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ gia tăng. Các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng tốt, được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài. Đây là thách thức lớn với sân chơi trong nước.

Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cũng lưu ý, hiện nay, chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm xuất khẩu nước ta đều ở mức độ khá khiêm tốn. Điều này dẫn đến khi thực thi hiệp định, hàng Việt phải cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu cùng nhóm từ RCEP. Đó là chưa kể một thực tế là mặc dù nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm xuất khẩu song đến nay, đầu vào của nền sản xuất vẫn phải nhập khẩu. Yếu tố này cũng là rào cản đối với DN Việt trong cuộc cạnh tranh thị phần khốc liệt ngay chính tại sân nhà.

Nâng nội lực cho doanh nghiệp

Giới chuyên gia nhận định, việc cần làm để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực là tăng cường nội lực cho DN. Theo đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương, các DN, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.

DN trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.

Đối với các DN, vấn đề tiên quyết là phải nắm vững các quy định của RCEP để có được tâm thế tốt nhất tham gia cuộc chơi. Theo đó, DN cần tập trung vào vấn đề cốt lõi là tăng cường tính cạnh tranh để tận dụng tốt nhất cơ hội của RCEP. Ngoài các lợi ích, DN trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về tác động bất lợi mà RCEP có khả năng gây ra, trong đó có việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

“Vấn đề đặt ra đối với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa là phải đổi mới để cạnh tranh từ khâu xây dựng chuỗi cung ứng trong sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường đến những hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Đây là điểm yếu của nhiều DN địa phương do gặp khó khăn về nguồn vốn, thiếu tính định hướng trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh” - bà Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, RCEP sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường cao hơn đối với Việt Nam hay áp lực cạnh tranh mới, mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, tham gia vào bất kỳ FTA nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn đều là thách thức lớn với DN Việt Nam. Với các công cụ phòng vệ thương mại trong khuôn khổ RCEP và WTO, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát sao tình hình xuất, nhập khẩu sau khi RCEP có hiệu lực để triển khai biện pháp phòng vệ phù hợp trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đến sản xuất trong nước.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2020, thương mại 2 chiều của Việt Nam với 14 thị trường trong khối thuộc RCEP đạt 240 tỷ USD, chiếm gần 54,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Đứng đầu về giá trị trao đổi thương mại của Việt Nam với các thành viên RCEP là Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 103,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 37,9 tỷ USD và nhập khẩu 65,6 tỷ USD. Đối với 9 thị trường ASEAN đạt 43,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 19 tỷ USD và nhập khẩu 24,4 tỷ USD. Các thị trường còn lại, gồm: Hàn Quốc (53,5 tỷ USD); Nhật Bản (trên 32 tỷ USD); Australia (6,77 tỷ USD); New Zealand (870 triệu USD).

Theo Kinh tế & Đô thị