Công nghiệp có hy vọng sớm phục hồi trong quý IV/2020

11:15 | 02/10/2020

192 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng năm 2020 của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 2,3% so với tháng 8 và tăng 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành khai khoáng giảm 0,1% so với tháng trước và giảm 5,7% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ.

10-su-kien-noi-bat-ngay-13122015-4
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2020 có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.

Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất tháng 9 đã tăng so với tháng 8 như sản xuất ngành dệt tăng 2%, sản xuất trang phục tăng 13,7%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,5%; sản xuất chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 5,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,8%; sản xuất kim loại tăng 6,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 4,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 3,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 1,8%.

Tính chung 9 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; ngành khai khoáng giảm 7,4%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành như khai thác quặng kim loại tăng 14,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,9%; khai thác than cứng và than non tăng 4,9%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như sản xuất xe có động cơ giảm 12,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 8,9%; sản xuất đồ uống giảm 6,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,8%; sản xuất trang phục giảm 4,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,8%; sản xuất kim loại giảm 1,1%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2020 tăng khá so với cùng kỳ năm trước như ti vi tăng 18,3%; phân u rê tăng 10%; thép thanh, thép góc tăng 9,5%; thuốc lá điếu tăng 8,2%; than sạch tăng 4,9%; xăng dầu các loại tăng 4,7%.

Công nghiệp có hy vọng sớm phục hồi trong quý IV/2020
Khai thác dầu thô tháng 9/2020 giảm 13,7% so với cùng kỳ.

Ngược lại, một số sản phẩm công nghiệp giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như khí hóa lỏng LPG giảm 16,7%; bia giảm 14,6%; dầu thô khai thác giảm 13,7%; ô tô giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,5%; xe máy giảm 6,5%; điện thoại di động và thép cán cùng giảm 2,1%...

Đáng lưu ý là chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2020 tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%). Trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,8%.

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm như sản xuất chế biến thực phẩm chỉ tăng 2,8%; sản xuất kim loại tăng 2,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 1,4%; sản xuất thiết bị điện giảm 0,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 1,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 2,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,3%; sản xuất trang phục giảm 5,8%; sản xuất đồ uống giảm 7,8%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 10,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 13,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 16,5%.

Tương ứng với tình hình sản xuất kinh doanh ảm đạm của các ngành công nghiệp chính như dệt may, điện tử... chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2020 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 17,2%). Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 143,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 80,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 59,4%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 56,3%; sản xuất trang phục tăng 34,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 33,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 32,1%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng đạt 75,6% (cùng kỳ năm trước là 72,1%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như dệt 119,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 108,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 104%; sản xuất chế biến thực phẩm 96,5%; sản xuất xe có động cơ 91,9%.

Có thể thấy rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất công nghiệp nước ta là khá rõ nét. Mặc dù sản xuất công nghiệp tháng 9 có sự khởi sắc và đang dần khôi phục tuy nhiên vẫn còn chậm do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ. Dự báo từ tháng 10/2020, nếu đà kiểm soát dịch bệnh được duy trì như hiện nay, sản xuất sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm.

Tùng Dương

Sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế tăng trưởng cao nhất Sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế tăng trưởng cao nhất
Công nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thời cơ Công nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thời cơ