Cộng đồng kinh tế ASEAN và thách thức nguồn nhân lực

07:00 | 08/09/2015

1,723 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo lộ trình, cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được triển khai, ASEAN sẽ trở thành một thị trường thống nhất có tính cạnh tranh cao, đủ khả năng tích hợp vào nền kinh tế toàn cầu… Tuy nhiên, theo những nghiên cứu, đánh giá thời gian gần đây của các cơ quan chức năng, Việt Nam đang tỏ ra rất thụ động trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tận dụng những cơ hội mà AEC mang lại, đặc biệt là nguồn nhân lực.  

van lang phi nguon nhan luc vang

Vẫn lãng phí nguồn nhân lực vàng

Trước hết, chúng ta nhìn lại các kỳ thi tay nghề của 10 nước thành viên ASEAN. Năm nay Việt Nam đăng cai kỳ thi lần thứ 10 tại Hà Nội. Gần 300 thí sinh của 10 nước thi 25 nghề trước sự chứng kiến của hơn 1.000 quan chức, chuyên gia kỹ thuật, quan sát viên trong nước và quốc tế. Đoàn Việt Nam đã giành giải Nhất với 15 Huy chương Vàng. Mà giải Nhất của đoàn ta vượt khá xa đoàn về nhì là Malaysia (9 huy chương).

Nhận diện “điểm nóng”

Cùng với Cộng đồng An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong tầm nhìn ASEAN 2020. Trong đó, AEC sẽ tạo nên một thị trường đơn nhất với thuế suất được cắt giảm dần về 0% gần như với tất cả các mặt hàng. Đồng thời, AEC hình thành cũng khai thác tối đa các ưu đãi thương mại từ các đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN và với mỗi nước thành viên, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...

cong dong kinh te asean va thach thuc nguon nhan luc
Dây chuyền sản xuất điện thoại Samsung ở Thái Nguyên

Tính đến thời điểm này, theo Bộ Tài chính, Việt Nam đã giảm thuế xuống mức 0-5% với hơn 10.000 dòng thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATICA), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Việc tích cực, chủ động tham gia AEC thông qua việc giảm các dòng thuế theo TS Nguyễn Minh Phong sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi ích rất lớn. Đó là vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phân bổ nguồn nhân lực, tăng cường năng lực sản xuất, tính cạnh tranh… Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực khi các doanh nghiệp và bản thân người lao động lại đang tỏ ra thờ ơ, chưa sẵn sàng với câu chuyện này.

Đáng lo ngại hơn, theo bà Nguyễn Nga - một nhà đầu tư nước ngoài - tại Hội thảo “Không gian chính sách còn lại gì sau các hiệp định thương mại” khi đề cập tới câu chuyện này đã thẳng thắn cho rằng: Tỷ trọng lao động trình độ chuyên môn thấp trong cơ cấu lao động của Việt Nam hiện khá cao, những kỹ năng về tư duy phản biện, làm việc theo nhóm… hạn chế khiến Việt Nam hiện vẫn đang là công xưởng gia công. Và nếu không cải thiện được vấn đề này, Việt Nam khó thoát khỏi là “đại công xưởng” gia công cho nhà đầu tư nước ngoài. Người lao động của Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà vì không cạnh tranh được với lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao đến từ các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khi đề cập tới câu chuyện này cũng cho rằng, trong AEC, lao động sẽ được dịch chuyển tự do và điều này có thể dẫn đến chảy chất xám. Người lao động có kỹ năng chuyên môn sẽ đi ra bên ngoài làm việc vì được trả lương cao hoặc hướng tới các doanh đầu tư nước ngoài ngay tại Việt Nam hoặc lao động có kỹ năng của nước ngoài sẽ thâm nhập vào các vị trí trong doanh nghiệp Việt Nam.

Nói như vậy để thấy rằng, mặc dù AEC đã “đến chân” nhưng doanh nghiệp và người lao động Việt Nam lại vẫn “chưa nhảy”. Sự thờ ơ, thụ động với AEC cũng được giới chuyên gia cảnh báo sẽ khiến Việt Nam tiếp tục địa chỉ gia công cho nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ vậy, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) còn khuyến cáo, với một thị trường chung, thống nhất, lực lượng lao động trong AEC có thể lên tới 300 triệu người, tính cạnh tranh về việc làm sẽ vô cùng khốc liệt. Số lượng việc làm có thể tăng lên nhưng chưa chắc người lao động của chính quốc gia đó sẽ được hưởng vì trình độ tay nghề không đảm bảo. Còn theo Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật của Việt Nam hiện thấp hơn 50%.

Chủ động tạo nguồn

Như đã đề cập ở trên, thách thức đặt ra đối với bài toán nguồn nhân lực của Việt Nam là rất lớn. Đó là vấn đề trình độ chuyên môn của người lao động, là sự cạnh tranh của lao động có tay nghề cao và cả tình trạng chảy máu chất xám sang các nước phát triển hơn trong khu vực. Thời gian còn lại trong lộ trình AEC còn quá ít, nếu không muốn nói là đã “ngập đến cổ” và sẽ là không tưởng để Việt Nam giải quyết một lúc tất cả những vấn đề trên. Nhưng AEC là một cộng đồng kinh tế dài hơi và không ít chuyên gia đã khuyến cáo, Việt Nam cần bình tĩnh đón nhận những thách thức này và đề ra chiến lược phát triển nguồn nhân lực sao cho phù hợp, hiệu quả với tình hình thực tế.

Ông Yoshiteru Uramoto - một chuyên gia về lĩnh vực lao động khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khi nghiên cứu về vấn đề nguồn nhân lực của Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra rằng, để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng làm việc của người lao động, Việt Nam cần đẩy mạnh các cơ sở đào tạo nghề và phát triển kỹ năng, tập trung vào đầu tư cải cách giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với khu vực tư nhân để đảm bảo sinh viên có thể phát triển các kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần chú ý tới khung tham chiếu trình độ ASEAN (ARQF) để nắm bắt các quy định về kỹ năng tay nghề, bằng cấp ở từng quốc gia khi áp dụng cho các lao động ở nước khác trong khu vực, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có thể cạnh tranh với lao động nước ngoài ngay tại VN và xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược về lao động để nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh nguồn nhân lực của mình. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư nguồn nhân lực đã được đào tạo, có kỹ năng nghề cao, có trình độ chuyên môn cao, việc nâng cao sức hấp dẫn hình ảnh doanh nghiệp là điều kiện quan trọng để đáp ứng kỳ vọng cho người đến làm việc cũng như cho quá trình xuất khẩu lao động. Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến quy mô cũng như số lượng khi sử dụng nguồn lao động nhập cư từ bên ngoài. Đối với người lao động và chuẩn bị tham gia lực lượng lao động, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, cũng như cải thiện thái độ, tác phong làm việc là những nội dung cấp thiết cần quan tâm và thực hiện ngay trong quá trình đón đầu việc tự do hóa thị trường lao động ASEAN.

Cùng đưa quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Để tận dụng được những cơ hội, vượt thách thức mà AEC mang lại, bên cạnh vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh thì chất lượng nguồn nhân lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Và muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết cần có sự kết hợp giữa nhà trường với các doanh nghiệp, Hiệp hội… để nắm bắt được nhu cầu, qua đó đào tạo chuẩn xác lao động có kỹ năng cao với ngành nghề đáp ứng được nhu cầu của xã hộ, đặc biệt cần hướng tới đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp cũng cần có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường tốt giúp họ phát huy năng lực, qua đó tránh chảy máu chất xám.

Ngọc Lê

Năng lượng Mới 454