Còn nhiều khó khăn trong hoạt động quan trắc môi trường không khí

07:02 | 15/04/2020

540 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong những năm gần đây, hoạt động quan trắc tự động ở Việt Nam đã bước đầu được chú ý, góp phần xác định các thay đổi hoặc diễn biến chất lượng môi trường. Tuy nhiên, lĩnh vực quan trắc vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dữ liệu, chưa phản ánh được đầy đủ, kịp thời bức tranh tổng thể về hiện trạng môi trường không khí.
con nhieu kho khan trong hoat dong quan trac moi truong khong khiPhê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia
con nhieu kho khan trong hoat dong quan trac moi truong khong khiTP HCM sẽ có hệ thống quan trắc môi trường 500 tỷ đồng
con nhieu kho khan trong hoat dong quan trac moi truong khong khiHà Nội sẽ đưa dự báo chất lượng không khí vào bản tin thời tiết

Hiện nay, tình trạng gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh, kéo theo gia tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt chất lượng các phương tiện này còn hạn chế đã làm gia tăng đáng kể nồng độ các chất ô nhiễm, tiếp tục gây áp lực lên môi trường không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thực trạng này đã đặt ra bài toán lớn cho hoạt động quan trắc môi trường, nhất là đối với môi trường không khí.

Trong những năm trở lại đây, hoạt động quan trắc môi trường không khí tự động ở Việt Nam đang được chú ý hơn bao giờ hết, góp phần xác định các thay đổi hoặc diễn biến chất lượng môi trường liên tục theo thời gian và không gian; giúp xác định nhanh, phát hiện sớm các vấn đề về chất lượng môi trường; đề xuất các biện pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ môi trường, hỗ trợ công tác hoạch định chính sách...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hệ thống trạm quan trắc môi trường không khí, nước tự động liên tục ở nước ta vẫn chưa được hoàn thiện, khiến hoạt động quan trắc chưa được đảm bảo; chưa đáp ứng được nhu cầu dữ liệu phục vụ công tác công bố thông tin, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường. Số lượng, quy mô và mật độ các trạm còn thưa, phân bố không đồng đều và chưa tương thích với nhau, khiến việc phản ánh đầy đủ, kịp thời bức tranh về hiện trạng môi trường không khí vẫn là một bài toán khó.

con nhieu kho khan trong hoat dong quan trac moi truong khong khi
Ô nhiễm không khí tại TP HCM.

Đơn cử tại TP HCM, hiện tại, mạng lưới quan trắc môi trường không khí vẫn đang triển khai quan trắc định kỳ bằng phương pháp thủ công gián đoạn tại 30 vị trí, với tần suất 10 ngày/tháng vào 2 thời điểm/ngày. Với tần suất như vậy chưa thể đáp ứng nhu cầu thông tin cũng như cảnh báo cho người dân và chính quyền thành phố về chất lượng môi trường không khí hàng ngày. Việc đầu tư các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục phải có thời gian đầu tư theo Luật Đầu tư nên dự kiến đến năm 2022, TP HCM mới có thể đưa vào vận hành chính thức.

Số lượng khá ít các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục khiến việc đánh giá một cách toàn diện chất lượng không khí xung quanh còn nhiều khó khăn. Việc quan trắc định kỳ hiện mới chỉ được thực hiện ở một số thời điểm nhất định, chưa phản ánh được đầy đủ hiện trạng chất lượng môi trường cho cả năm. Chi phí đầu tư, duy trì và vận hành các trạm quan trắc tự động còn cao nên một số tỉnh khó khăn về kinh phí, nhiều trạm quan trắc tự động đã bị hỏng hóc nghiêm trọng, không thể sử dụng.

Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin dữ liệu quan trắc môi trường giữa Trung ương, địa phương còn nhiều hạn chế. Dữ liệu môi trường chưa được hệ thống hóa, đồng bộ hóa, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nghiên cứu, quản lý bảo vệ môi trường. Việc truyền nhận dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động liên tục địa phương về Bộ TN&MT còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, các hướng dẫn kỹ thuật chưa đầy đủ và thông suốt.

Mặt khác, việc kiểm soát và sử dụng số liệu quan trắc môi trường chưa hiệu quả. Cơ sở dữ liệu môi trường toàn hệ thống hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý môi trường trong việc kiểm soát, theo dõi, cảnh báo diễn biến môi trường; trong khi việc thông tin cảnh báo chất lượng môi trường đầy đủ, kịp thời là điều cấp thiết, đặc biệt khi có sự cố ô nhiễm môi trường lớn xảy ra.

con nhieu kho khan trong hoat dong quan trac moi truong khong khi
Thiết bị quan trắc không khí trên đường Hồng Bàng, quận 5, TP HCM.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường, mở rộng, đưa vào vận hành mạng lưới các trạm tự động một cách hợp lý, duy trì hoạt động ổn định, lâu dài, đồng bộ từ trung ương đến địa phương là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách, nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác và có hệ thống các dữ liệu về chất lượng môi trường, tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí các khu vực. Điều này giúp xác định chính xác hơn các nguồn ô nhiễm, khả năng phát tán ô nhiễm… qua đó cung cấp thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền nhanh chóng đưa ra các phương án kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường và ứng phó với sự cố môi trường không khí.

Về lâu dài, các địa phương, các tỉnh, thành phố cũng cần lựa chọn thiết bị công nghệ đảm bảo hiện đại, đồng bộ, tương thích với hệ thống trạm quan trắc quốc gia tự động. Ngoài ra, cần có khung chính sách, pháp lý để quy định và phân rõ chức năng, nhiệm vụ về việc cung cấp các số liệu quan trắc môi trường không khí giữa trung ương và địa phương; đồng thời, phải có cơ chế tài chính và tổ chức phù hợp để vận hành các trạm quan trắc hiệu quả, tăng tính bền vững của hệ thống.

TP HCM đã xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng. Theo lộ trình đầu tư, đến cuối năm 2021, TP HCM sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 58 trạm quan trắc môi trường tự động, gồm cả không khí, nước mặt, nước dưới đất.

Đồng thời, TP HCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng; xây dựng phần mềm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố.

Trúc Lâm