Cơm Âm phủ - Món ăn bình dân phảng phất vị “cung đình” ở Huế

09:01 | 26/07/2022

402 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cơm Âm phủ là một món ăn nghe tên có vẻ hơi kỳ lạ nhưng đây lại là đặc sản của ẩm thực Huế. Bình thường một đĩa cơm âm phủ bao gồm tôm chấy, thịt nướng, chả lụa thái, trứng, dưa leo, trộn đều ăn kèm với nước mắm chua ngọt cực ngon.
Đến chợ Hội An khám phá thiên đường ẩm thựcĐến chợ Hội An khám phá thiên đường ẩm thực
Vẻ đẹp chùa Tây Phương - Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệtVẻ đẹp chùa Tây Phương - Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt
Cơm Âm phủ - Món ăn bình dân lại phảng phất vị “cung đình”
Cơm Âm phủ - Món ăn bình dân lại phảng phất vị “cung đình” ở Huế.

Còn nguồn gốc của món cơm Âm phủ, được dân gian lưu truyền lại rằng, trong một lần vua Bảo Đại vi hành để xem đời sống dân gian, vua cảm thấy đói bụng và đã ghé vào nhà một bà lão xin cơm ăn. Bà lão tiếp đãi vua một đĩa cơm nóng với những thức ăn sẵn trong ngày hôm đó như dưa leo, rau cải, trứng, thịt… được thái sợi.

Vua được bà lão mời ăn trên cái chõng tre với ánh sáng từ một ngọn đèn dầu. Ánh đèn dầu leo loét tù mù khiến vua cảm thấy hơi lạnh sống lưng, nhưng vì đói, nên vua ăn rất ngon miệng, không nề hà chi cảnh xung quanh. Sau khi ăn xong, vua bèn gọi đó là “cơm Âm phủ” vì nhớ đến khung cảnh ma mị của bữa ăn.

Khi về cung, vì chán ngán sơn hào hải vị, vua nhớ đến món ăn lúc trước trong dân gian. Do đó, vua ra lệnh mở cuộc tuyển chọn các đầu bếp trong kinh thành để vào cung chế biến món ăn này cho vua. Và ông Tống Phước Kỷ đã chế biến thành công món ăn lỳ lạ này và trở thành đầu bếp chuyên chế biến, nấu phục vụ các món ăn của vua.

Sau này, khi tuổi cao ông Tống Phước Kỷ được vua Bảo Đại cho rời hoàng cung nghỉ ngơi. Sau đó, để món này không bị thất truyền, ông quyết định mở một quán ăn bán cho mọi người cùng thưởng thức. Món cơm âm phủ vừa bình dân vừa phảng phất vị “cung đình”.

Ngoài ra nguồn gốc tên gọi “cơm Âm phủ” cũng được lưu truyền là do trong những năm 1914-1918, có một quán ăn ở Huế ở vùng âm u, hoang sơ, trong quán chỉ có duy nhất một chiếc đèn dầu để thắp sáng. Thực đơn của quán có độc nhất một món cơm trộn bình dân và quán thường bán cơm cho công nhân, người lao động làm về khuya. Chính vì khác biệt, sự hiu quạnh, u ám của quán mà người dân gọi cho cái tên “cơm Âm phủ” và lưu truyền đến ngày nay để tạo nên món cơm âm phủ độc đáo ở Huế.

Dù không rõ nguồn gốc chính xác, nhưng món cơm Âm phủ này cũng không bắt buộc phải có những thành phần nào, nó là một kiểu cơm trộn. Ở đó, nhất thiết có đủ cơm trắng, rau xanh, đạm thái chỉ, chan nước mắm, bày trên đĩa, còn lại tùy thuộc vào đầu bếp. Nguyên liệu dân dã thì là cơm âm phủ, mà sang trọng thì thành cơm trộn cung đình.

Ngày nay, Huế đã thay đổi rất nhiều, nhưng quán cơm Âm phủ vẫn còn đó. Nó tồn tại ở ngay chính địa điểm ban đầu và nằm sát Khách sạn Thiên Đường, đường Nguyễn Thái Học, TP Huế. Vì vậy, ở Huế hiện có câu: “Ăn cơm Âm phủ, ngủ khách sạn Thiên Đường”.

Kim Anh (T/h)