Chuyện về những thủy thủ tàu không số (Bài 3)

07:05 | 04/12/2014

1,847 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vinh dự được mang tên người anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh hôm nay luôn phát huy truyền thống vẻ vang của Quân chung Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều năm liền được công nhận “Đơn vị quyết thắng” và hàng chục Bằng khen, Giấy khen do Bộ Quốc phòng và Quân chủng trao tặng...

>> Chuyện về những thủy thủ tàu không số (Bài 2)

>> Chuyện về những thủy thủ tàu không số (Bài 1)

Năng lượng Mới số 378

Bài 3: Bất tử giữa lòng biển xanh

Nhớ mãi tên anh

Trong Phòng Truyền thống Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh, bức chân dung vị thuyền trưởng tàu 235 (Đoàn tàu không số) được treo ở vị trí trang trọng nhất. Ban Giám hiệu nhà trường đã cất công sưu tầm khá đầy đủ những tài liệu, hình ảnh liên quan đến Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh để giới thiệu cho các em học sinh hiểu sâu sắc về chiến công huyền thoại của ông cùng đồng đội trên vùng biển Hòn Hèo năm xưa...

Chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vào giữa giờ giải lao.

Vây quanh cô Lê Thị Thơ là các em học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 5. Những gương mặt trẻ thơ hướng về cô hiệu trưởng háo hức nghe kể về người anh hùng mà trường vinh dự mang tên. Và câu chuyện về người Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh với trận đánh huyền thoại của 46 năm về trước đã được tái hiện...

 Chân dung Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh

“...Đêm 30 rạng ngày mồng Một tết Mậu Thân (tức ngày 3/1/1968 Dương lịch) cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam đồng loạt nổ ra. Để phối hợp với các chiến trường trên bộ, Quân chủng Hải quân nhận lệnh chuẩn bị 4 tàu chở vũ khí xuất phát cùng một đêm ở 4 vị trí khác nhau và sẽ vào 4 bến khác nhau để đánh lạc hướng địch. Tàu nào không vào được bến thì nghi binh thu hút địch cho tàu khác vào. Tàu 235 do Trung úy Nguyễn Phan Vinh làm Thuyền trưởng nhận nhiệm vụ vận chuyển 14 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho quân và dân Khánh Hòa.

Ngày 27/2/1968, tàu 235 bí mật rời bến, thẳng hướng vào phía nam. Sau hai ngày đêm hành quân trên vùng biển quốc tế, đúng 18 giờ ngày 29/2/1968, tàu 235 đến ngang vùng biển Nha Trang thì phát hiện máy bay trinh sát địch lượn vòng quanh tàu rồi mất hút. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh nhận định, tàu ta đã bị lộ nên cho anh em ngụy trang cẩn thận, chờ đêm tối chuyển hướng vào bờ, cả tàu chuẩn bị thả hàng sẵn sàng chiến đấu.

Kim đồng hồ chỉ đúng 23 giờ. Màn đêm đen đặc, tàu 235 đè sóng lướt tới. Khi cách Hòn Hèo khoảng chừng 6 hải lý thì bất ngờ gặp 3 tàu chiến của địch là Ngọc Hồi, HQ12, HQ617 và 4 chiếc khác dàn hàng ngang, triển khai đội hình phục kích thành thế bao vây hòng bắt sống tàu ta. Trước tình hình đó, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã mưu trí chỉ huy các thủy thủ thả khói mù, khôn khéo điều khiển tàu luồn lách qua đội hình tàu địch đến đúng vị trí bến quy định thuộc xã Ninh Phước, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa). Vì không liên lạc với lực lượng bến đón, thuyền trưởng ra lệnh cho tàu thả hàng xuống biển và khẩn trương cho tàu di chuyển sang vùng biển Ninh Văn để không lộ vị trí thả hàng. Lúc này đã là 1 giờ 30 phút ngày 1/3.

Phía bên ngoài, các tàu địch di chuyển khép chặt vòng vây. Trên không, chúng huy động máy bay lên thẳng vũ trang yểm trợ. Cuộc chiến không cân sức diễn ra quyết liệt. Phía trước là núi chắn lối, phía sau là 7 tàu địch ngăn chặn lối ra, tàu 235 ở vào tình thế vô cùng khó khăn. Trên trời, máy bay địch thả pháo sáng. Đèn pha các tàu địch tập trung chiếu sáng để các loại hỏa lực bắn xối xả. Mặc cho lửa đạn, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn bình tĩnh chỉ huy các thủy thủ vừa kiên cường đánh trả địch, vừa cho tàu chạy sát vào gần bờ hơn. Cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt, nhiều đồng chí của ta đã bị thương, máy tàu hỏng nặng, thuyền trưởng bị một mảnh đạn vào đầu. Biết không thể thoát khỏi vòng vây của địch được nữa, Nguyễn Phan Vinh hội ý với anh em và ra quyết định hủy tàu để không lọt vào tay địch. Thuyền trưởng Vinh cho tất cả anh em bơi vào bờ trước, còn anh và thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại chuẩn bị các loại kíp nổ và trực tiếp điểm hỏa khối thuốc nổ hủy tàu rồi bình thản nhảy xuống nước bơi vào bờ....

Sức sống trên đảo Phan Vinh hôm nay

Đúng 2 giờ sáng, một cột lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ dữ dội chấn động cả vùng biển, hất tung một nửa thân tàu 235 lên triền núi Bà Nam. Sau giây phút hoảng loạn, bọn địch điều thêm máy bay và gọi phi pháo bắn phá, dọn đường cho quân đổ bộ lên bờ hòng bao vây bắt sống thủy thủ tàu 235. Cuộc chiến đấu trên bộ giữa thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng thợ máy Ngô Văn Thứ với bộ binh địch diễn ra vô cùng ác liệt. Lợi dụng địa hình, địa vật, các anh đã tiêu diệt nhiều tên địch. Và cuối cùng vết thương ngày càng nặng, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, rồi anh dũng hy sinh...

Trận chiến đấu kiên cường của cán bộ, thủy thủ tàu 235 đã đi vào huyền thoại, là dấu son chói lọi của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng. Với chiến công phi thường ấy, ngày 25/8/1970, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và, nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa, tên người thuyền trưởng tàu 235 quả cảm ấy đã thành tên một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa - đảo Phan Vinh.

Năm 1998, một ngôi trường ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã lấy tên anh đặt tên cho trường - Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh...

Vinh dự được mang tên người anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh hôm nay luôn phát huy truyền thống vẻ vang của Quân chung Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều năm liền được công nhận “Đơn vị quyết thắng” và hàng chục Bằng khen, Giấy khen do Bộ Quốc phòng và Quân chủng trao tặng...

Dẫu rằng, điều kiện trên đảo còn nhiều khó khăn, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ luôn sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống. Tuy ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”, nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của Quân chủng Hải quân, hiện nay hệ thống nhà ở và làm việc của đảo đang được xây dựng khang trang. Toàn bộ đường đi, lối lại trên đảo đã được bê tông hóa. Dự án chiếu sáng và năng lượng đã và đang được triển khai. Từ một hòn đảo trơ trọi bởi cát trắng, những bàn tay người lính đã biến nơi này rợp bóng cây xanh. Hiện đảo có hàng chục loài với hàng trăm cây khác nhau. Nhiều nhất là cây bàng vuông, phong ba và dừa, đời sống anh em đang ngày càng được cải thiện. Hệ thống phong điện, năng lượng mặt trời đã được lắp đặt giúp điều kiện sống trên đảo nhỏ tốt hơn. Các trạm thu tín hiệu vệ tinh, sóng điện thoại được phủ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần lính đảo.

Để góp phần cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội, cán bộ, chiến sĩ trên đảo tích cực tăng gia chăn nuôi, gieo trồng, đánh bắt hải sản. Những vườn rau xanh tốt, những mẻ lưới đầy cá bạc và từng đàn gà, vịt hàng trăm con... là thành quả bao tháng ngày tần tảo, chăm lo của những người lính giữ “phên dậu” giữa trùng khơi. 

Trân trọng thay, tất cả các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đều vinh dự, tự hào với những chiến công đã đạt được. Dù khó khăn, gian khổ, dù mất mát, hy sinh, họ vẫn chắc tay súng, vững niềm tin, hiên ngang giữa nơi sóng cuồng, bão giật, bảo vệ vững chắc biển trời của Tổ quốc thân yêu...

Thi đua với cán bộ, chiến sĩ trên hòn đảo mang tên người anh hùng, ở nơi “thành phố đầu biển, cuối sông”, Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh đã vượt lên chính mình để trở thành ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia. Trong suốt 13 năm qua, các thế hệ thầy giáo, cô giáo và các em học sinh đều ra sức thi đua thực hiện phong trào “Dạy tốt, học tốt” xứng đáng là một trong những trường tiêu biểu, xuất sắc của ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng.

Và hôm nay, mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo Phan Vinh và các thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh lại bồi hồi nhớ về trận chiến đấu kiên cường của cán bộ, thủy thủ tàu 235 năm xưa đã đi vào huyền thoại, mà tiêu biểu là Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh. Anh hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, “ngã vào lòng đất mẹ vẫn con trai”. Sự hy sinh của anh đã hóa thành bất tử để cho muôn đời sau, các thế hệ cháu con đều nhớ mãi tên anh...

Tên anh hóa thành bất tử

Năm 1972, trong chuyến chở vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, “tàu không số” mang số hiệu bí mật là 645, do Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy bị địch phát hiện và tấn công. Trong lúc gian nguy, anh yêu cầu tất cả các chiến sĩ nhảy xuống biển, bơi ra xa, còn mình ở lại, điểm hỏa cho tàu nổ tung cùng với tàu địch. Sự hy sinh cao đẹp, sáng ngời lý tưởng cách mạng của anh đã hóa thành bất tử…

“Các đồng chí về báo cáo với đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ!”. Đó là lời nói cuối cùng của đồng chí Nguyễn Văn Hiệu, Chính trị viên tàu 645 trong trận chiến đấu của chuyến đi ngày 23/4/1972.

Liệt sĩ - Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu sinh năm 1932 tại xã Thắng Phương, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Năm 1954 anh tập kết ra Bắc, công tác ở Đoàn tàu đánh cá Hạ Long, Hải Phòng. Như những người con miền Nam tập kết ra Bắc, Nguyễn Văn Hiệu chỉ mong chờ từng ngày được trở về quê hương chiến đấu. Khát vọng ấy sớm thành hiện thực khi năm 1962 anh trở thành chiến sĩ hải quân, được biên chế vào Đoàn 125 - Bộ Tư lệnh Hải quân và rồi trở thành sĩ quan, giữ chức Chính trị viên, kiêm Bí thư Chi bộ tàu 645. Anh đã cùng đồng đội thực hiện thành công 13 chuyến vượt biển vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Đến chuyến thứ 14, tàu 645 hai lần nhổ neo ra đi, song đều bị tàu địch theo dõi nên đành quay lại.

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu

Ngày 12/4/1972, tàu 645 ra khơi lần thứ 3. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đối mặt với bão tố và sự phong tỏa của địch, các anh đã mưu trí tránh né. Đến ngày 23/4, tàu 645 đến tọa độ chuyển hướng vào bờ, chỉ còn cách đảo Phú Quốc chừng 60 hải lý.

Tất cả đang háo hức nghĩ tới giây phút gặp lại đồng chí, đồng bào tại bến, thì vào lúc 14 giờ, tàu nhận điện từ Sở Chỉ huy thông báo: “Đêm nay sẽ có thuyền đón ở mũi Cà Mau”. Nhưng đến lúc 17 giờ lại có điện: “Bến động, tàu quay ra chờ đợi”. Trong lúc cán bộ, thủy thủ đang chuẩn bị quay ra, thì gặp một tàu khu trục của Mỹ từ Vịnh Thái Lan đi tới. Chúng đánh tín hiệu hỏi: “Tàu từ đâu đến và đi đâu?”. Tàu 645 trả lời: “Tàu từ Trung Quốc xuống, chúng tôi bị lạc!”. Tàu khu trục địch bắn hàng loạt pháo sáng lên trời. Chính trị viên Hiệu quan sát thấy ở phía trước còn có 3 tàu địch nữa. Linh tính mách bảo với anh, địch đã phát hiện ra tàu ta. Để tránh đụng độ, Thuyền trưởng Lê Hà ra lệnh tàu tăng tốc chạy ra vùng biển quốc tế. Lúc này, chiếc khu trục 04 cũng tăng tốc, bám sát tàu 645 với ý đồ bắt sống. Các tàu còn lại của địch thay nhau “vờn” tàu ta. Lúc thì chúng chạy phía trước, lúc lại lùi về phía sau rồi vòng sang mạn trái, mạn phải của tàu ta. Đôi bên giằng co nhau cho đến 5 giờ sáng.

Tàu 645 vừa ngụy trang, vừa bí mật chuẩn bị chiến đấu và giữ nguyên hướng tiến như không có chuyện gì xảy ra. Khoảng 7 giờ 45 phút, sau một thời gian dài quan sát, địch khẳng định: “Đây là tàu Bắc Việt giả dạng”. Chúng dùng loa dụ hàng, anh em trên tàu lờ đi như không biết gì và động viên nhau giữ vững ý chí chiến đấu.

Thấy gọi hàng không có kết quả, lính ngụy trên tàu liền bắn dọa, nhưng tất cả các cỡ đạn chúng bắn đều rơi trước mũi tàu ta. Biết không còn giữ được yếu tố bí mật nữa, Thuyền trưởng Lê Hà chỉ huy tàu 645 bất ngờ cho các loại súng 12,7 ly, B40, B41 đồng loạt nhả đạn về phía tàu địch. Tàu ta vừa đánh trả quyết liệt vừa cơ động vào gần bờ. Lúc này một số đồng chí của ta bị thương nặng. Một quả đạn lớn của địch trúng vào xích lái, tàu không còn điều khiển được nữa, cứ chạy vòng tròn. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đến các vị trí động viên tinh thần anh em. Anh đề nghị Thuyền trưởng Lê Hà tổ chức cho anh em rời tàu, còn anh ở lại điểm hỏa bộc phá hủy tàu rồi sẽ rời tàu sau cùng.

Chiến sĩ lái tàu Thẩm Hồng Lăng cũng nấn ná, đòi ở lại điểm hỏa với Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu. Ánh mắt người chính trị viên vốn bình thường đầy nghiêm khắc, sao lúc này dịu dàng thân thương đến lạ kỳ. Hiệu nói với Lăng, nửa như ra lệnh, nửa như khẩn khoản: “Em còn trẻ, còn cống hiến cho cách mạng dài lâu… Anh đã có vợ con, em chưa có người yêu, hãy sống đến ngày chiến thắng. Thôi, nghe anh! Em nhảy xuống biển bơi cùng đồng đội đi...”.

Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu

Ứa nước mắt thương người anh, người chính trị viên của mình, Lăng nhất quyết không rời tàu, không muốn để anh Hiệu một mình ra đi, Lăng vờ như không nghe thấy, cứ lúi húi ngồi đốt hủy tài liệu trên boong tàu. Nói nhỏ không được, Chính trị viên Hiệu nghiêm giọng: “Đồng chí hãy chấp hành mệnh lệnh!”, rồi bất ngờ anh lao tới đẩy Lăng xuống biển. Khi mọi người đã xuống biển, Nguyễn Văn Hiệu phát tín hiệu giả đánh lừa địch, tranh thủ hủy hết tài liệu. Xong việc, anh định nhảy xuống nước, thì phát hiện tình huống vô cùng nguy hiểm: 16 chiến sĩ ta, phần lớn bị thương, phải cụm lại dìu nhau bơi. Con tàu mất lái, chạy vòng tròn, lúc thì đến gần đồng đội của anh, lúc thì lùi ra xa. Nếu tàu nổ tung, tính mạng của đồng đội sẽ lâm nguy! Chính vì vậy, anh quyết định không rời tàu, thay đổi cách thức điểm hỏa hủy tàu.

Đứng trên mạn tàu, nhìn về hướng đồng đội đang dìu nhau bơi dưới nước, Nguyễn Văn Hiệu dùng tay làm loa gọi lên: “Các đồng chí về báo cáo với đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ rồi!”. Dứt lời, anh quay vào buồng lái, đôi mắt căm hờn khi nhìn thấy tàu địch đang đến gần và biết chắc đồng đội đã ở khoảng cách an toàn, anh điểm nổ. Con tàu phát ra tiếng nổ long trời, tung lên cột nước trắng xóa, cao hàng chục mét… Chính trị viên tàu 645 đã ra đi bình thản như thế đó… Năm ấy anh vừa tròn 40. Anh ra đi, để lại bốn đứa con còn thơ dại cùng người vợ trẻ ở phường Máy Tơ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng…

Với hành động quả cảm, thanh thản chấp nhận hy sinh để bảo toàn tính mạng cho đồng đội, Trung úy Nguyễn Văn Hiệu đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 16 cán bộ, thủy thủ còn lại của tàu 645 đều bị địch bắt, giam tại nhà tù Phú Quốc. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, các anh mới được trao trả tự do.

Tháng 5/2004, tôi được Ban Liên lạc Cựu chiến binh tàu “không số” khu vực miền Bắc mời tham gia cùng đoàn lên thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dự lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tôi đã xuống Hải Phòng thăm gia đình và thắp hương lên bàn thờ Liệt sĩ - Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu. Trong khung cảnh bùi ngùi, xúc động, tôi đã gặp cháu Nguyễn Văn Phương - con trai anh Hiệu - hiện là Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng. Cùng đi với tôi còn có Lê Hà, nguyên Thuyền trưởng tàu 645 - nhân chứng lịch sử. Thấy chị Phạm Thị Vi (vợ anh Hiệu) mạnh khỏe, các con anh trưởng thành, lòng tôi vui mừng, phấn khởi. Anh đã thanh thản ra đi để cho đồng đội của mình được sống trở về đoàn tụ cùng gia đình. Sự hy sinh vô cùng cao thượng của anh đã tiếp thêm sức mạnh cho những người thủy thủ kiên cường vượt biển, góp phần làm nên chiến thắng. Tấm gương sáng ngời lý tưởng cách mạng của anh lại thắp sáng niềm tin cho thế hệ trẻ những người lính biển chắc tay súng, vững tay lái, sẵn sàng ra khơi bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Anh ngã xuống giữa lòng biển xanh, nhưng tên anh đã hóa thành bất tử.

(Xem tiếp kỳ sau)

Vĩnh Lộc

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps