Chuyện về người thoát chết trong cuộc thảm sát Sơn Mỹ

07:06 | 04/03/2018

2,594 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 16-3-2018 sẽ là 50 năm ngày tưởng nhớ vụ thảm sát Sơn Mỹ (xảy ra ngày 16-3-1968 tại Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Nhắc nhớ lại không phải là để gây thêm oán hận, mà là thế hệ sau cần biết lịch sử đất nước đã trải qua những thời điểm đau thương không thể quên. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi cũng sẽ không nhắc quá chi tiết đến cuộc thảm sát này nữa mà sẽ thông qua hình ảnh một người thoát chết trong vụ thảm sát đó để thấy được sự khốc liệt của chiến tranh và giá trị của cuộc sống hiện tại. Nhân vật đó là Đại tá Võ Cao Lợi, nguyên cán bộ Phòng Khoa học Quân sự Quân khu 5.

Từ thảm sát Sơn Mỹ đến những ngày trong rừng sâu

Ngày 16-3-1968 là ngày không thể quên trong tâm trí của ông Võ Cao Lợi. Thời điểm này, ông Lợi đã tham gia làm giao liên cho cách mạng được 3 năm, cũng chứng kiến một số sự hy sinh, mất mát. Nhưng chưa bao giờ trong tâm trí một thiếu niên 16 tuổi lại tưởng tượng sẽ có những cảnh tượng kinh hoàng như vậy diễn ra trên quê hương mình.

chuyen ve nguoi thoat chet trong cuoc tham sat son my
Đại tá Võ Cao Lợi (bìa phải)

Trước khi vụ thảm sát đẫm máu diễn ra, ông Lợi không trốn vào hầm trú ẩn như thường lệ mà phải tìm chỗ khác để trốn theo lời dặn của mẹ. “Mẹ tôi sợ, nếu ở lại tôi sẽ bị lính Mỹ bắt, đánh đập, thậm chí bị họ giết chết. Tôi chạy đến núp dưới bờ sông Kinh cách đó khoảng 50m cùng với một số người nữa và may mắn thoát chết. Rồi sau đó, tôi nghe tiếng súng nổ và tiếng gào khóc kêu cứu”, ông Lợi nghẹn ngào kể. Ông trốn vào bến dừa nước cùng những thanh niên khác, chiều tối khi lính rút đi, ông và những người dân còn lại trở về chứng kiến cảnh tượng bàng hoàng trên quê hương mình.

Sau vụ thảm sát, 504 người bị giết, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trong đó có mẹ, chị dâu và con của người anh trai ông Lợi, khi đó chưa đầy 6 tháng tuổi. 2 ngày sau vụ thảm sát kinh hoàng, ông Lợi được lực lượng cách mạng cưu mang, đưa lên căn cứ trên núi. Thời điểm đó, ông Lợi mới 16 tuổi nhưng những hình ảnh đau thương nơi quê nhà đã là động lực khiến ông cầm súng để chiến đấu góp phần giải phóng đất nước. Trong suốt cuộc đời chiến đấu của mình, Đại tá Lợi đã chứng kiến nhiều người thân cũng như đồng đội ngã xuống ngay trước mắt, ngay bên cạnh mình. Hai anh trai của ông Lợi đều tham gia cách mạng, một người đã hy sinh trong trận tấn công vào thị xã Quảng Ngãi trong cuộc Tổng tiến công tết Mậu Thân năm 1968, còn một người anh khác cũng đã hy sinh trước đó 6 ngày.

Trong chiến tranh, lằn ranh của sự sống và cái chết luôn chỉ trong một chớp mắt. Sự khốc liệt của chiến tranh là điều mà ai cũng biết, nhưng trong mỗi cuộc chiến, ngoài máu, mồ hôi và nước mắt thì còn có cả những kỷ niệm không thể nào quên. Với ông Lợi thì đó là hai món quà tết thời chiến. Món quà thứ nhất là hai cái kẹo Hải Hà mà ông được thủ trưởng là Thiếu tá Nguyễn Đình Ngật, Phó trưởng phòng Tổ chức, Cục Chính trị Quân khu 5 nhường cho vào giao thừa tết năm 1970. Ông Lợi kể, thời điểm đó, đồng chí Võ Tiến Trình, khi ấy là Phó chính ủy Quân khu 5 vừa đi công tác từ miền Bắc trở về có mang theo quà tết là kẹo Hải Hà và thuốc lá Điện Biên cho anh em trong đơn vị mỗi người một ít. Tuy nhiên, cậu bé Võ Cao Lợi không được đón giao thừa cùng đơn vị mà phải làm nhiệm vụ canh gác.

2 ngày sau vụ thảm sát kinh hoàng, ông Lợi được lực lượng cách mạng cưu mang, đưa lên căn cứ trên núi. Thời điểm đó, ông Lợi mới 16 tuổi nhưng những hình ảnh đau thương nơi quê nhà đã là động lực khiến ông cầm súng để chiến đấu góp phần giải phóng đất nước.

Lần đầu tiên đón giao thừa trong rừng sâu, Lợi nhớ quê, sau phiên gác Lợi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong khi đó, sau khi đón giao thừa cùng đơn vị, Thiếu tá Nguyễn Đình Ngật trở về vị trí đóng quân, vì thương Lợi nhỏ nhất đơn vị nên để dành hai viên kẹo Hải Hà đem về làm quà tết cho Lợi, thấy Lợi ngủ say nên để vào trong túi cóc balô cho cậu. Sáng hôm sau Lợi tỉnh dậy, chiếc túi cóc balô bị chuột cắn thủng một lỗ lớn. Chưa hiểu chuyện gì thì Thiếu tá Ngật đã lên tiếng hỏi Lợi đã ăn kẹo Hải Hà anh cho tối qua chưa. Lúc đó Lợi mới hiểu ra mọi chuyện và kể lại rằng, chuột rừng đã ăn mất hai viên kẹo và còn cắn thủng cả balô nữa… Ông Lợi kể lại, lúc đó cả hai anh em đều nhìn nhau cười, món quà tuy không đến được tay, nhưng Lợi cảm nhận đầy đủ vị ngọt của chiếc kẹo ngày tết trong chiến tranh. Ông Lợi bảo, đó là vị ngọt của tình đồng đội.

Sau tết năm 1970, tình hình chiến trường có nhiều khó khăn, vùng giáp ranh bị địch kiểm soát chặt, mọi đường tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đơn vị bị cắt, đến nỗi không có gạo để ăn. Ông Lợi kể, nhiều hôm phải ăn sắn bù cơm, nhưng vẫn không đủ no. Gần tết Tân Hợi 1971, đồng chí Long Ba - Trưởng phòng Bảo vệ, Cục Chính trị Quân khu 5 đi công tác dưới đồng bằng có mang quà tết về, đó là 3 lon gạo. Trong giấc ngủ mơ màng với cái bụng đói cồn cào giữa đêm gió lạnh, Lợi nghe thấy đồng chí Ba gọi và ra hiệu đi theo. Đến nơi, Lợi hết sức bất ngờ khi thấy chén cơm trắng đang còn bốc khói. Đồng chí Long Ba phải gọi nhỏ vì không đủ gạo cho tất cả mọi người. Ông Lợi bảo, khi ấy ông vừa ăn vừa chảy nước mắt, không phải vì được bữa no mà vì ông cảm nhận được tình thương lớn lao của đồng đội dành cho mình.

Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại những chuyện cũ, Đại tá Võ Cao Lợi đều rất xúc động. Ông bảo, chiến tranh khốc liệt, cái chết và sự sống chỉ tính trong gang tấc, chính vì thế cái tình nghĩa mọi người dành cho nhau đều đáng trân trọng.

Quán cà phê đặc biệt và cuộc hội ngộ với 2 người bạn Mỹ

Sau ngày giải phóng, ông Lợi cùng vợ ra làm việc tại Quân khu 5. Ông và gia đình được cấp một mảnh đất nhỏ để ở và cũng là quán cà phê hiện tại. Việc ông trở thành ông chủ bắt nguồn từ nguyện vọng đặc biệt, ông muốn nhà mình là nơi họp mặt anh em, đồng đội mỗi dịp rảnh rỗi. Sau khi về hưu ông với vợ bàn nhau xây dựng quán cà phê mang tên Cổ Lũy - Cô Thôn. Sở dĩ, ông lấy cái tên này đặt cho quán là để tưởng nhớ đến quê hương, là một thôn trong cuộc thảm sát Sơn Mỹ.

chuyen ve nguoi thoat chet trong cuoc tham sat son my
Lễ truy điệu 504 đồng bào Sơn Mỹ bị địch giết hại

Bằng đôi bàn tay khéo léo, Đại tá Võ Cao Lợi đã tạo nên một không gian quê hương thu nhỏ giữa lòng Đà Nẵng. Thành cổ Châu Sa, tháp Cổ Lũy… đã được ông tái tạo, trở nên rất gần gũi tại quán cà phê của mình. Những vị khách thường xuyên lui đến đây ngoài đồng đội còn có các em học sinh, những người muốn tìm hiểu, muốn nghe ông kể về ký ức một thời hoa lửa.

Cũng chính tại nơi đây, những cuộc gặp gỡ đặc biệt đã diễn ra. Sau khi nghỉ hưu, Đại tá Võ Cao Lợi có viết báo, viết sách lịch sử… cũng chính vì cơ duyên đó mà nhiều nhà báo nước ngoài biết đến. Trong đó có nhà báo nổi tiếng người Mỹ Seymour M. Hersh, người cách đây hơn 48 năm thực hiện phóng sự điều tra và viết cuốn sách My Lai 4: A Report on the Massacre and it’s aftermath (My Lai 4: Báo cáo về các vụ thảm sát và hậu quả của nó). Loạt phóng sự đã tố cáo tội ác kinh hoàng của lính Mỹ khi đã gây ra vụ thảm sát ở Sơn Mỹ. Cuốn sách giúp ông đoạt giải báo chí Pulitzer năm 1970.

Ông Lợi và người dân quê hương sẵn sàng tha thứ nếu những người đã gây ra vụ thảm sát Sơn Mỹ chân thành hối lỗi. Ông rất vui khi ngày càng nhiều người Mỹ tìm hiểu và viết về Sơn Mỹ dù đã gần 50 năm trôi qua.

Cuối năm 2014, ông M. Hersh đến thăm lại Sơn Mỹ năm xưa và ghé thăm gia đình ông Lợi theo dự định từ trước. Cuộc trò chuyện hơn 3 tiếng đồng hồ khiến nhà báo người Mỹ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề tại sao trước sự đánh phá gắt gao của quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân đội Mỹ - một quân đội vào loại hùng mạnh nhất thế giới, mà các cơ quan trọng điểm của cách mạng, trong đó có Cục Chính trị Quân khu 5 lại “bất khả xâm phạm” đến vậy. Họ đã lãnh đạo lực lượng lớn quân giải phóng đánh trả và giành thắng lợi vẻ vang đến như thế nào. Khi trở về Mỹ sau chuyến thăm, nhà báo M. Hersh có viết bài báo “Lá thư từ Việt Nam” trên tờ Tạp chí New Yorker của Mỹ. Trong bài báo, có một đoạn nói về Đại tá Võ Cao Lợi: “Quân giải phóng là gia đình thứ hai của tôi vì đã thương tôi, cưu mang, giúp đỡ tôi, một cậu bé sống sót trong thảm sát Sơn Mỹ”.

Đó là cuộc gặp gỡ đặc biệt của 2 nhân chứng lịch sử, đại diện cho lý tưởng hòa bình nhân loại. Ông Lợi cho biết, người Việt có câu “Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”, ông và người dân quê hương sẵn sàng tha thứ nếu những người đã gây ra vụ thảm sát Sơn Mỹ chân thành hối lỗi. Ông rất vui khi ngày càng nhiều người Mỹ tìm hiểu và viết về Sơn Mỹ dù đã gần 50 năm trôi qua.

Giáo sư Daniel là giảng viên dạy Khoa Điện ảnh của Trường Đại học San Francisco, Mỹ. Trước khi đến Việt Nam, ông đã đi quay ở 30 nước cho dự án làm phim về các cựu chiến binh Mỹ trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, Đại tá Võ Cao Lợi là 1 trong 4 nhân vật của ông. Giáo sư Daniel muốn tìm hiểu về một người từng trải qua nhiều nỗi bi thương trong cuộc đời như ông Lợi đã làm gì để vượt qua những nỗi đau ấy. Sau đó, đoàn làm phim của Giáo sư Daniel đã đến Sơn Mỹ để thắp hương cho những nạn nhân của cuộc thảm sát Sơn Mỹ. Giáo sư Daniel cũng rất ngạc nhiên trước sự vị tha, bao dung của người Việt trước những tội ác mà lính Mỹ gây ra. Ông Lợi kể lại rằng, Giáo sư Daniel nói đã từng nghe rằng, người Việt Nam rất bao dung, nhân hậu, nhưng nói thật, khi đặt chân đến đây ông cũng rất lo sợ. Bây giờ trực tiếp gặp người dân nơi đây thì ông hiểu rằng, điều đó là đúng.

chuyen ve nguoi thoat chet trong cuoc tham sat son my
Một đơn vị quân giải phóng làm lễ xuất quân tại xã Tịnh Khê

Sau khi trải qua nhiều biến cố đau thương của cuộc đời, giờ đây Đại tá Võ Cao Lợi sống một cuộc sống an bình. Ông viết sách, viết sử và đón tiếp đồng đội tại quán cà phê của mình, giữa bối cảnh được phục dựng từ quê hương ông. Từ một cậu bé thoát chết trong một cuộc thảm sát khủng khiếp bậc nhất trong chiến tranh Việt Nam, đến những tháng ngày trưởng thành trong rừng sâu dưới sự lãnh đạo của cách mạng và đến khi về già lại làm những việc hướng đến nguồn cội, quê hương, đồng đội.

Cuộc đời của Đại tá Võ Cao Lợi như một cuốn tiểu thuyết với nhiều cung bậc cảm xúc. Ông bảo, trải qua nhiều biến cố khủng khiếp và những năm tháng chiến tranh mà giờ vẫn khỏe mạnh là mình đã may mắn hơn nhiều người. Bây giờ, ông chỉ mong mình giữ được sức khỏe để tiếp tục kết nối lại những người con của vùng đất Sơn Mỹ từ khắp mọi miền Tổ quốc góp phần xây dựng Sơn Mỹ, biến vùng đất từng có những ký ức kinh hoàng sẽ an bình, trù phú trở lại.

Quốc Diễn