Chuyện "gấu lớn" trong siêu bão

07:00 | 15/02/2021

18,258 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trò chuyện với chúng tôi tại “tổng hành dinh” (TP HCM), Giám đốc Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC) Lê Đức Tuệ nói: “Năm 2020, biến động của giá dầu thô, dịch Covid-19, bão tố dồn dập... khiến tiến độ hủy các giếng 1P, 2P, 3P phải lùi lại, kéo theo chuỗi thời gian đưa giàn Đại Hùng 01 (ĐH-01) đi dock, kết nối khai thác lại bị chậm”. Lời chia sẻ đó tóm tắt cả một hành trình nỗ lực vượt khó, vượt qua những cơn bão tố dồn dập, theo đúng nghĩa đen của từ “bão tố”.
Chuyện

Năm 2020, PVEP POC có 6 nhiệm vụ trọng tâm, 2 trong số đó liên kết chặt chẽ với nhau, đó là công tác hủy giếng và đưa giàn ĐH-01 đi bảo dưỡng sửa chữa (BDSC). Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến việc huy động các chuyên gia nước ngoài, công tác hủy giếng bị chậm so với kế hoạch, tiến độ đưa ĐH-01 đi BDSC cũng chậm theo.

“Gấu Lớn” - giàn ĐH-01 là cỗ máy khổng lồ với hàng nghìn chi tiết cấu tạo phức tạp, trong đợt BDSC, ĐH-01 bảo dưỡng nhiều hạng mục quan trọng, với hàng nghìn đầu mục công việc. Chuỗi dự án liên kết chặt chẽ: Hủy giếng, tháo tách, kết nối.

Sau khi hoàn thành BDSC, trung tuần tháng 10-2020, ĐH-01 đã được kéo và neo đậu tại cảng Hào Hưng, sát bên DQS. Dự kiến ĐH-01 neo đậu tại Hào Hưng trong khoảng 15 ngày.

Hào Hưng - Những đêm không ngủ

Ngày 25-10-2020, theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp đã chuyển thành bão số 9 mang tên Molave, dự kiến ngày 28-10 sẽ vào Quảng Ngãi.

Chuyện
Lãnh đạo PVEP POC họp bàn các phương án

Những thông tin về siêu bão Molave liên tục được cập nhật và cảnh báo, ngày càng mạnh lên. Thật khó nói trước điều gì nếu không kịp đưa ĐH-01 ra khỏi tâm bão. Giám đốc Tuệ trong lòng nóng như lửa đốt, lập tức bay ra Quảng Ngãi. Anh Tuệ kể, trên đường từ sân bay Chu Lai về cảng Hào Hưng chỉ mấy chục kilômét, anh còn hỏi tài xế có phải đi nhầm không, cảm giác đường như dài vô tận.

Ở cảng Hào Hưng, “Gấu Lớn” ĐH-01 khổng lồ, sừng sững. ĐH-01 có kích thước tương đương một sân bóng đá tiêu chuẩn, dài 108,2m, rộng 67,36m, chiều dài boong chính 68,6m, tổng trọng tải 9.880 tấn. Đây là giàn khoan nửa nổi, nửa chìm duy nhất ở Việt Nam. Phần chìm dưới nước bao gồm những chiếc pông tông (phao tạo lực nổi). Thượng tầng tựa lên pông tông bằng các cột chống. Trên thượng tầng là nhiều tầng boong khác nhau, bố trí các thiết bị để khai thác, tầng sinh hoạt, tầng điều hành...

Giám đốc Tuệ cùng anh em PVEP POC họp khẩn với các bên liên quan về phương án kéo ĐH-01 về Cam Ranh. Ngay trong ngày 25-10-2020, PVEP đã huy động tất cả nhân sự thực hiện hàng loạt công việc; điều động 2 tàu kéo từ Vũng Tàu đến cảng Hào Hưng. Một bộ phận khảo sát neo đậu tại cảng Cam Ranh, làm việc với Cảng vụ Nha Trang. Một số người làm việc với các cảng vụ Quảng Ngãi, Hào Hưng, DQS, PTSC Quảng Ngãi về phương án, thủ tục kéo ĐH-01 rời cảng Hào Hưng.

Cẩn tắc vô ưu, Giám đốc Tuệ cho âm thầm chuẩn bị phương án neo đậu tại cảng Hào Hưng, đề phòng trường hợp không thể đưa ĐH-01 đi tránh bão, yêu cầu anh em khảo sát luồng và đáy luồng khu vực cảng, gia cố thêm đệm cao su, chuẩn bị dây thép đủ lớn để nối xích buộc vào cầu cảng.

Ngày 26-10-2020, bão Molave di chuyển theo hướng Tây, tiếp tục mạnh lên. Dự báo đến 7 giờ ngày 28-10, tâm bão vẫn là Quảng Ngãi. Cảng vụ Quảng Ngãi liên tục yêu cầu các phương tiện đang neo đậu tại vịnh Dung Quất lập tức rời đi tránh bão. PVEP POC đã sẵn sàng cho kéo ĐH-01 rời cảng Hào Hưng, chỉ chờ tàu kéo từ Vũng Tàu ra...

19 giờ ngày 26-10, Phó tổng giám đốc PVEP Vũ Minh Đức, Giám đốc PVEP POC Lê Đức Tuệ chủ trì họp ngay tại giàn, rà soát, cắt đặt công việc cho từng người, bộ phận. 21 giờ, PVEP POC nhận thông báo từ PTSC POS về việc 2 tàu kéo HD79 và TC Queen không thể ra Quảng Ngãi, sóng biển quá dữ dội, 2 tàu đang phải tránh bão tại Nha Trang. Không có 2 tàu kéo đó, không một phương tiện nào đủ sức để áp tải ĐH-01 nặng xấp xỉ 10 nghìn tấn trên biển.

Phương án đưa ĐH-01 thoát khỏi tâm bão đã bị phá sản, chỉ còn phương án neo đậu lại vùng biển Quảng Ngãi, nhưng neo ở đâu và liệu “Gấu Lớn” có trụ được trước siêu bão?

Đêm trước bão lớn, biển yên tĩnh lạ thường, đêm đen kịt, đầy đe dọa. Thêm một đêm anh em PVEP không ai chợp mắt được. Lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt.

Ngày 27-10, bão Molave di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và dự báo 7 giờ ngày 28-10, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16, bão vẫn mạnh lên, không có dấu hiệu suy yếu.

Chuyện
Tính toán phương án cho ngồi tại Hào Hưng

8 giờ ngày 27-10, PVEP POC cùng với Cảng vụ Quảng Ngãi, cảng Hào Hưng họp. Lãnh đạo PVEP POC đưa ra phương án neo đậu ĐH-01 gần cảng Hào Hưng để tránh bão. Lãnh đạo cảng Hào Hưng phản đối, vì nếu phương án này thất bại, hậu quả không thể lường được. Thử tưởng tượng con “Gấu Lớn” 10 nghìn tấn mất kiểm soát sẽ là đại họa, không chỉ cho cảng Hào Hưng, còn cho những thiết bị, công trình, tàu thuyền xung quanh. Cảng Hào Hưng yêu cầu ĐH-01 ngay lập tức ra khỏi khu vực cảng, càng xa càng tốt. Việc kéo ĐH-01 ra phao số 01 tại Dung Quất cũng không khả thi do không có tàu kéo đủ công suất hỗ trợ ĐH-01 neo lại trong điều kiện thời tiết bất lợi, đó còn là sự an toàn cho con người trên giàn.

May mắn, Giám đốc Tuệ và cộng sự đã chuẩn bị nhiều kịch bản. Sau nhiều thuyết phục, trình bày một cách cặn kẽ cách thức neo đậu, phân tích và đánh giá diễn biến của bão Molave, các bên đã thống nhất quyết định chọn phương án kéo ĐH-01 cách cầu cảng Hào Hưng 15m và cho “ngồi” trên đáy luồng cảng. Một may mắn nữa, trong số những người tham gia chiến dịch, có một cựu chiến binh từng có kinh nghiệm cho “ngồi” tàu đổ bộ. Với những dữ liệu về ĐH-01 và đáy luồng đã được khảo sát kỹ, anh khẳng định: Phương án khả thi.

Một bản cam kết được trao tận tay Giám đốc Tuệ, nếu để xảy ra các hư hỏng, sự cố mà “Gấu Lớn” mất kiểm soát gây ra trong cơn bão, PVEP POC sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại.

Bản cam kết được chuyển về “tổng hành dinh” để bộ phận pháp lý nghiên cứu. Khi ấy, Giám đốc Tuệ đã xác định, trụ lại cảng là phương án duy nhất để “Gấu Lớn” trụ qua cơn bão, phương án nào khác cũng rất rủi ro, anh sẵn sàng ký cam kết, chịu trách nhiệm, vì anh tin phương án sẽ thành công, tin vào năng lực của đội ngũ tư vấn phương án neo đậu, tin vào sức chịu đựng của “Gấu Lớn”, tin vào báo cáo khảo sát luồng đáy tại khu vực cảng Hào Hưng. Anh và đồng nghiệp đã chọn cho ĐH-01 vị trí “ngồi” núp sau đê chắn sóng, đáy là bãi cát bằng phẳng. Nhưng tất cả vẫn chỉ là niềm tin, chưa từng có tiền lệ. Trước bão tố, chẳng ai dám nói trước điều gì.

Thực tế, ĐH-01 được thiết kế có thể chịu được sức gió vô cấp, duy có sức công phá của sóng dữ trong bão tố không thể định lượng, đặc biệt là thảm họa sóng lừng. Những người sống và làm việc nhiều trên biển như anh Tuệ đã nghe không ít lần 2 từ “sóng lừng” trong đời. Phải nói thêm, về lý thuyết, xác suất xảy ra sóng lừng kinh hoàng rất thấp, song không phải là bằng không. Lịch sử ngành dầu khí thế giới đã ghi nhận, năm 1995, trên biển Bắc của Nga, trong một cơn biển động, sóng dữ đã quét sạch mọi thứ trên một giàn khoan dầu của Hãng Statoil cao 41m so với mặt biển.

Cơn bão còn cách xa đất liền nhưng ở Quảng Ngãi đã có gió mạnh, sóng biển cao 3,5-5m. Ngay sau khi được sự đồng ý của Cảng vụ Quảng Ngãi, cảng Hào Hưng, PVEP POC lập tức dùng tàu lai kéo ĐH-01 ra cách cầu cảng 15m, tiến hành dằn ballast để ĐH-01 chủ động “ngồi” đúng vị trí đã được đo đạc độ sâu và khảo sát đáy trước đó.

Những thao tác như được lập trình sẵn, những sợi dây kéo to bằng bắp tay người lớn cố định ĐH-01 vào các trụ tại cảng Hào Hưng, hạn chế tối đa những tác động của sóng. Sau khi “Gấu Lớn” đã “ngồi” ổn định, lãnh đạo PVEP POC cho dừng toàn bộ hệ thống năng lượng và quyết định di tản toàn bộ nhân viên trên giàn về bờ. Nhưng, có 4 người xin ở lại “sống chết” với giàn. Giám đốc Tuệ hiểu, anh em sẽ lo lắng hơn khi không trực tiếp xử lý nếu sự cố xảy ra với giàn, đó còn là tình cảm nhiều năm gắn bó, xem giàn là ngôi nhà thứ 2 của mình. Bất kể thời tiết thế nào, kể cả trong những cơn bão, ĐH-01 chưa khi nào vắng bóng người. Nhưng lần này, bão Molave được dự báo là “ngoài sức tưởng tượng”, giàn lại không được kết nối với chân đế, quá nguy hiểm. Chiều tối, tiếng gió bắt đầu rít. Ngồi trong giàn, nghe rõ tiếng sóng ầm ầm đánh vào. Dù có niềm tin là ĐH-01 sẽ chịu được bão, nhưng Giám đốc Tuệ quyết định tất cả mọi người phải về đất liền tránh bão, an toàn vẫn là quan trọng nhất.

Chuyện
Giám đốc PVEP POC Lê Đức Tuệ (bìa trái) cùng đồng nghiệp và Giàn ĐH-01 tại Cảng DQS

23 giờ ngày 27-10, sức gió của bão Molave ở đã đạt cấp 10-11, Giám đốc Tuệ và anh em về trú bão tại khách sạn gần đấy, các mái tôn bị gió giật bần bật, phát ra những tiếng kêu răng rắc. Anh em PVEP POC thêm một đêm thao thức, không ai ngủ, mắt dán vào điện thoại, vào PC - những thiết bị được kết nối trực tiếp với CCTV tại cảng Hào Hưng.

6 giờ ngày 28-10, bão tiến sát bờ biển Quảng Ngãi, mưa lớn, gió giật mạnh, sức gió đo được 125km/h. Đến 11 giờ trưa, bão Molave đổ bộ vào Quảng Ngãi, cuồng phong diễn ra trong nhiều giờ, mưa lớn mù trời... Nhiều anh em đặt tay lên ngực cầu nguyện. Từng giờ, từng giờ qua đi. Căng thẳng nhất chính là sự chờ đợi. Giám đốc Tuệ liên tục quan sát ĐH-01 từ CCTV, yên tâm phần nào khi thấy vị trí giàn như lúc ballast trước bão, hai xích neo số 5, số 7 kết nối với cầu cảng bằng cáp thép không dịch chuyển.

Sáng sớm ngày 29-10, khi những cơn cuồng phong qua đi, mọi người thở phào, siết chặt tay nhau chúc mừng khi nhìn qua CCTV, “Gấu Lớn” vẫn ở đó, vững như bàn thạch, dù sóng vẫn đánh trùm lên giàn, tung bọt trắng xóa.

Trên đường từ khách sạn ra cảng Hào Hưng, nhiều ngôi nhà đã thành đống đổ nát. Trên đường, những tấm tôn ngổn ngang, cây ngã hàng loạt, khung cảnh hoang tàn.

Khỏi phải nói, mọi người mừng như thế nào khi gặp lại “Gấu Lớn”. Nhưng Giám đốc Tuệ xác định, đây không phải thời điểm để vui mừng, tất cả tiến hành ngay các công việc tiếp theo, cơn bão số 10 có tên Goni đã xuất hiện, phải ngay lập tức di chuyển ĐH-01 ra khỏi rốn bão miền Trung. PVEP POC cho nổi, đánh giá lại toàn bộ giàn, kiểm tra trang thiết bị, thuê cả thợ lặn để kiểm tra các thiết bị dưới biển, không phát hiện bất thường, hệ thống năng lượng bình thường.

Ngày 1-11-2020, tàu kéo đến, ai vào việc nấy, nhanh nhẹn, khẩn trương, chính xác. Một ngày sau, “Gấu Lớn” đã thong dong ở khu vực đảo Phú Quý, ngoài khu vực ảnh hưởng của bão số 10.

Vĩ thanh

Sau khi chờ hơn 1 tháng tại vùng biển Vũng Tàu, ĐH-01 đã được kết nối thành công và ngày 2-12-2020, Giám đốc PVEP POC Lê Đức Tuệ đã nhấn nút mở, tái khởi động khai thác tại giàn, chính thức hoàn tất việc khai thác trở lại toàn bộ mỏ Đại Hùng.

Chuyện
Giàn DH01 được lai dắt về dock bảo dưỡng

Đối với thành công của chiến dịch, Giám đốc Tuệ chia sẻ, phải cảm ơn phía Cảng vụ Quảng Ngãi, Hào Hưng rất nhiều, vì sau khi “đuổi” giàn đi không được, tất cả đều tập trung hỗ trợ hết mình để ĐH-01 trụ lại chống chọi với siêu bão Molave, từ Cục Hàng hải, Cảng vụ Quảng Ngãi, chính quyền địa phương. Không thể không kể đến vai trò quan trọng, sự kết nối, quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn, cụ thể là Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, lãnh đạo PVEP, sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị trong ngành. Trên cơ sở đó, đơn vị cũng đã xử lý tình huống nhanh và chính xác, chuyên nghiệp, tập trung chủ động trong công tác phòng tránh bão, chủ động xây dựng các kịch bản và tình huống ứng phó, xây dựng kịch bản chi tiết cho mọi tình huống. Không thể không kể đến đội ngũ kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm làm việc trên công trình biển. Từng quyết định, từng hạng mục công việc đã được tính toán, cân nhắc và đánh giá đầy đủ.

Bài viết ngắn ngủi này khó có thể kể hết sự kịch tính, những khó khăn, thách thức, áp lực của anh em PVEP POC khi đối diện với siêu bão Molave. Việc đưa giàn ĐH-01 đi BDSC, kết nối, trở lại và khai thác ổn định, hiệu quả trong năm 2020 đã đóng góp rất quan trọng cho việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch khai thác của PVEP nói riêng, Petrovietnam nói chung.

Mỏ Đại Hùng là một trong những mỏ xa đất liền nhất của Petrovietnam. Ở trên Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, những giàn khoan như ĐH-01 đã trở thành những “vọng gác tiền tiêu” khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển, điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Việc đưa giàn ĐH-01 an toàn vượt qua bão tố, sớm về lại mỏ, vì thế, không đơn giản chỉ được ghi bằng những con số. Phía sau thành quả đáng trân trọng đó không thể không kể đến sự sáng tạo, đoàn kết, quyết đoán, có cả sự táo bạo, nỗ lực vượt bậc của tập thể PVEP POC trong những ngày bão tố dữ dội cuối tháng 10-2020 ấy.

Thuận Thiên

[E-Magazine] Mùa Xuân từ những giếng dầu: Hành trình xúc cảm của người dầu khí [E-Magazine] Mùa Xuân từ những giếng dầu: Hành trình xúc cảm của người dầu khí
[PetroTimesTV] Tập đoàn Dầu khí đã vượt qua được biến cố để phát triển [PetroTimesTV] Tập đoàn Dầu khí đã vượt qua được biến cố để phát triển
[E-Magazine] Nhìn lại năm 2020 của Petrovietnam: Nỗ lực vượt bậc, hoàn thành “mục tiêu kép” trong “khủng hoảng kép” [E-Magazine] Nhìn lại năm 2020 của Petrovietnam: Nỗ lực vượt bậc, hoàn thành “mục tiêu kép” trong “khủng hoảng kép”
[E-magazine] PVN - Công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ [E-magazine] PVN - Công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ
[E-Magazine] Bí quyết vượt [E-Magazine] Bí quyết vượt "khủng hoảng kép" của PVN
[E-magazine] PVN - Tâm thế vượt [E-magazine] PVN - Tâm thế vượt "khủng hoảng kép"