Chuyển đổi số - Chuyện sống còn của doanh nghiệp

07:00 | 06/04/2019

472 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, phụ trách Phòng Thí nghiệm khoa học dữ liệu Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM), Giám đốc Khoa học của Viện John von Neumann thuộc Trường Đại học Quốc gia TP HCM, ở nhiều nơi trên thế giới, chuyển đổi số (digital transformation) đã trở thành chuyện sống còn, thành bại của doanh nghiệp (DN).

PV: Giáo sư có thể phân tích về sức ép của chuyển đổi số ở nước ta hiện nay? Nếu DN không chuyển đổi số thì điều gì sẽ xảy ra?

chuyen doi so chuyen song con cua doanh nghiep

Giáo sư Hồ Tú Bảo: Sức ép về chuyển đổi số ở nước ta hiện nay có thể chưa lớn, nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, chuyển đổi số đã trở thành chuyện sống còn, chi phối sự thành bại của DN. Các DN buộc phải chuyển đổi số nếu muốn tồn tại và phát triển, bởi đây là xu thế của thời đại.

Bài học từ cái chết của Kodak là một ví dụ điển hình. Ở nhiều thập niên trước, Kodak chiếm 80-90% thị trường phim ảnh nhờ mô hình bán máy ảnh rất rẻ nhưng bán phim và thuốc tráng phim, rửa ảnh rất đắt. Từ năm 1975, một kỹ sư của Kodak đã phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số nhưng Kodak “xếp xó” vì sợ nếu tung ra máy ảnh kỹ thuật số sớm sẽ không bán được phim và thuốc rửa nữa, trong khi đây là nguồn lợi nhuận rất lớn. Đến năm 1995, Kodak thấy sai lầm, nhảy vào lĩnh vực máy ảnh kỹ thuật số thì đã quá muộn, trình độ công nghệ của Kodak lúc này đã tụt hậu đến mức không thể theo kịp các đối thủ trên thị trường. Iphone ra đời năm 2007. Năm 2010, Instagram xuất hiện, mọi người chụp ảnh mà không cần phải tráng phim, rửa ảnh nữa. Từ đó, Kodak liên tục thua lỗ và đến đầu năm 2012 buộc phải tuyên bố phá sản.

Hay những thực tế khác gần hơn là chuyện taxi truyền thống bị cạnh tranh khốc liệt bởi Uber, Grab sử dụng công nghệ để kết nối hành khách với chủ xe, tối ưu việc vận chuyển, giá cước rẻ. Hoặc sự ra đời của Skype, Viber cũng khiến các công ty điện thoại bị tác động lớn vì sử dụng các ứng dụng này, người dùng có thể gọi điện thoại di động, nhất là gọi đường dài ra nước ngoài mà không phải mất tiền.

Lãnh đạo DN phải có tầm nhìn, bởi vì chuyển đổi số là một việc rất phức tạp, đó là thay đổi những việc xưa nay đã làm bằng cách làm hoàn toàn mới. Do đó, lãnh đạo DN phải có tầm nhìn vượt hơn những người trong DN để truyền cảm hứng, tạo động lực cho tất cả mọi người cùng tiến lên.

Về ngành bán lẻ, ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều người tiêu dùng không đến siêu thị để mua sắm mà chuyển dần sang mua trực tuyến qua Amazon bởi giá rẻ hơn (do Amazon tiết kiệm được chi phí về mặt bằng, bán hàng…). Nhiều người hiện nay đến siêu thị chỉ để nhìn sản phẩm thật và tham khảo giá, sau đó đặt hàng trên Amazon, khiến nhiều siêu thị lớn trở nên vắng vẻ.

Những ví dụ trên cho thấy, có những DN sẽ vượt lên nhanh chóng, nhưng nhiều DN cũng chết rất nhanh. Do đó, nếu không chuyển đổi số để theo kịp xu thế thời đại sẽ khó cạnh tranh và dễ bị đào thải trong “sân chơi” kinh doanh hiện đại.

PV: Hiểu là như vậy nhưng làm như thế nào lại là câu chuyện khác. Hiện nay rất nhiều DN đã quan tâm nhưng chưa biết cách làm thế nào để chuyển đổi số. Ông có lời khuyên nào cho DN?

Giáo sư Hồ Tú Bảo: Theo một cuộc khảo sát về chuyển đổi số trong DN của CEO Forum vào năm 2018, có đến 53% DN trả lời cực kỳ quan tâm nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu; 27% DN cho biết đang tìm cách áp dụng và gặp nhiều khó khăn; chỉ có 7% DN cho biết đã có ứng dụng và thấy hiệu quả rõ rệt; số còn lại thì có quan tâm nhưng thấy chưa cần thiết. Những con số này cho thấy, phần đông DN đã quan tâm đến chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu và nên đi theo hướng nào?

Theo tôi, chuyển đổi số hiệu quả phải được thực hiện từ cấp cao nhất và lan tỏa đến mọi cấp của hệ thống, mọi khía cạnh của DN. Thực sự DN chỉ có thể chuyển đổi số được nếu người đứng đầu DN nhận ra đó là chuyện sống còn của mình, sau đó là ở tất cả mọi cấp, vì chuyển đổi số ở DN là việc của tất cả mọi người trong DN, nếu chỉ có lãnh đạo thôi mà bên dưới không thực hiện thì lãnh đạo có “hô” cũng không được. Đây là việc mọi người cùng nhận thức và làm.

chuyen doi so chuyen song con cua doanh nghiep
Trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số đang chi phối ngày càng nhiều vào sự thành bại của các DN

PV: Như vậy, vai trò của người lãnh đạo trong chuyển đổi số ở DN rất quan trọng. Theo giáo sư, lãnh đạo DN thời chuyển đổi số cần phải có những kỹ năng gì?

Giáo sư Hồ Tú Bảo: Theo tôi, lãnh đạo DN phải có tầm nhìn, bởi vì chuyển đổi số là một việc rất phức tạp, đó là thay đổi những việc xưa nay đã làm bằng cách làm hoàn toàn mới. Do đó, lãnh đạo DN phải có tầm nhìn vượt hơn những người trong DN để truyền cảm hứng, tạo động lực cho tất cả mọi người cùng tiến lên.

Bên cạnh đó, lãnh đạo DN cần phải có trình độ kỹ thuật số ở mức độ nhất định, phải học thêm về công nghệ số, dĩ nhiên là học chọn lọc, học những cái chung, bao quát chứ không cần đi sâu vào chi tiết. Sau khi có nhận thức, tầm nhìn, trình độ, lãnh đạo DN phải vạch ra được mục tiêu, lộ trình và có kế hoạch thực thi, ứng dụng công nghệ số để đi từ trạng thái hiện tại đến trạng thái mục tiêu.

Tiếp nữa, lãnh đạo DN cần phải đổi mới sáng tạo, phải làm sao cho DN có văn hóa của sự thay đổi. Bởi thực chất chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 là sự thay đổi cho nên tinh thần này phải trở thành văn hóa công ty.

Ngoài ra, một số tố chất khác rất cần của lãnh đạo DN là phải dám chấp nhận rủi ro, có khả năng thích nghi với sự thay đổi. Như Darwin từng nói, “không phải loài mạnh nhất, cũng không phải là loài thông minh nhất là loài tồn tại mà chính là loài có khả năng thích nghi nhiều nhất với sự thay đổi”. Thật sự trong thời chuyển đổi số, mọi sự biến đổi rất nhiều và muốn tồn tại phải thay đổi, thích nghi theo nó.

Một yếu tố khác tôi nghĩ cũng rất quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số trong DN là phải “có lửa”. Những người đứng đầu DN phải làm sao cho DN mình có lửa, có sự khát khao đổi mới. Đây là động lực rất quan trọng, như nhà thơ Nadim Hikmet từng viết “Nếu tôi không cháy lên/ Nếu anh không cháy lên/ Nếu chúng ta không cháy lên/ Thì làm sao/ Bóng tối có thể trở thành ánh sáng”.

PV: Nhiều DN lo lắng chuyển đổi số sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và cuối cùng không thu được kết quả gì. Giáo sư có lời khuyên nào cho DN để có thể chuyển đổi số thành công?

Giáo sư Hồ Tú Bảo: Theo một số nghiên cứu, để chuyển đổi số thành công, DN nên tiếp cận bằng cách tập trung vào lợi ích đầu ra, bắt đầu với một số lĩnh vực có chọn lọc, bằng các dự án ngắn hạn và phải xem đây là một quá trình lâu dài, không ngơi nghỉ. Quá trình này bao gồm thiết lập chiến lược, kế hoạch, tạo sự sẵn sàng trong DN, chuẩn bị chi phí đầu tư, tổ chức đội ngũ và quản lý sự thay đổi, ứng xử với hệ thống cũ, cách làm cũ trong quá trình chuyển đổi sang cách làm mới.

Hàn Quốc đặt mục tiêu đến năm 2022 đào tạo 5.000 chuyên gia về AI, trong đó có 1.400 người về nghiên cứu, còn lại là những người phân tích dữ liệu. Mới đây, ngày 11/2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh thúc đẩy nước Mỹ theo đuổi các nghiên cứu nâng cao năng lực nhằm duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI.

Nghe chuyển đổi số, nhiều người vẫn nghĩ là điều gì đó rất cao siêu, nhưng thật ra nó có những thứ rất phức tạp nhưng có những thứ rất bình thường. Nói cho dễ hiểu, đó là việc sử dụng dữ liệu một cách thông minh và hiệu quả. Như trong kinh doanh, phân tích thị trường, khách hàng là việc quan trọng, phải dựa vào dữ liệu và dùng công nghệ để phân tích dữ liệu đó, tức là dùng dữ liệu và công nghệ để thấu hiểu hoạt động kinh doanh, giúp DN trả lời các câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra? Chuyện gì đang xảy ra? Chính xác vấn đề là gì, hành động gì là cần thiết?... Ở cấp cao hơn, phân tích dữ liệu để hiểu tại sao chuyện đó lại xảy ra, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp?… Mức cao hơn nữa là: Nên làm gì? Tại sao nên làm điều đó? Điều gì sẽ xảy ra? Nếu thử điều này thì sao?... Để DN trả lời được những câu hỏi đó chỉ có con đường duy nhất là dùng dữ liệu. DN phải thu thập được dữ liệu và công nghệ sẽ giúp xử lý dữ liệu và đưa ra câu trả lời. Nếu DN chưa có nhiều dữ liệu thì những mảng dữ liệu đang có vẫn có thể giúp DN phân tích ở mức cơ bản.

PV: Nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Ông có thể cho biết, việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực AI của nước ta hiện nay như thế nào?

Giáo sư Hồ Tú Bảo: Nhân lực cho lĩnh vực AI phải chú trọng cả diện rộng và tinh hoa. Đây là chuyện khó nhưng chúng ta cũng có thể hy vọng vào những chuyển biến tích cực.

Trong chương trình phổ thông, nhóm xây dựng chương trình toán học đã có cái nhìn tích cực về vấn đề này khi từ đầu năm 2018 đã thay đổi chương trình toán, đưa vào dạy ứng dụng, thống kế chiếm đến 21% chương trình.

Một số trường đại học trong nước cũng bắt đầu xây dựng những chương trình đào tạo về khoa học dữ liệu: Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP HCM) vào tháng 10/2018 đã nhận 50 sinh viên vào học. Viện John Von Newman mỗi năm “ra lò” khoảng 40 người. Ở Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên đã xây dựng chương trình đào tạo AI, năm 2018 nhận khoảng 50 người. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang xây dựng chương trình về khoa học dữ liệu, dự kiến bắt đầu triển khai từ tháng 10/2019.

chuyen doi so chuyen song con cua doanh nghiep
Các trường đại học ở Việt Nam đã bước đầu triển khai đào tạo nhân lực AI

Thực tế, AI là vấn đề khá mới với cả thế giới, không chỉ riêng nước ta. Nhân lực về AI hiện nay tất cả mọi nơi đều thiếu. Hàn Quốc đặt mục tiêu đến năm 2022 đào tạo 5.000 chuyên gia về AI, trong đó có 1.400 người về nghiên cứu, còn lại là những người phân tích dữ liệu. Mới đây, ngày 11/2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh thúc đẩy nước Mỹ theo đuổi các nghiên cứu nâng cao năng lực nhằm duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực... Nhân sự, người tài trong lĩnh vực AI là câu chuyện của tất cả các quốc gia, trong đó có cả Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!

TS Nguyễn Hồng Minh - Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI): 6 khuyến nghị với ngành
công nghiệp dầu khí

chuyen doi so chuyen song con cua doanh nghiep

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được các tổ chức, nhà nghiên cứu diễn giải thành nội dung “số”, nội hàm bao gồm nhiều vấn đề hơn: Kinh tế kỹ thuật số (digital economy), chính phủ số (digital government), cách mạng số (digital revolution), công nghệ số (digital technologies), chuyển đổi số (digital transformation), tài sản số (digital assets)...

Trong đó, chuyển đổi số được coi là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của mọi nền kinh tế, mọi DN.

Tháng 1/2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phối hợp cùng Accenture đã công bố sách trắng về “Sáng kiến chuyển đổi số đối với công nghiệp dầu khí”, trong đó cho rằng, số hóa là kỷ nguyên mới đối với công nghiệp dầu khí thế giới. Chuyển đổi số thành công trong 10 năm tới có thể mang lại giá trị gia tăng 1,6-2,5 nghìn tỉ USD, trong đó khoảng 1 nghìn tỉ USD cho các công ty dầu khí.

Trong sáng kiến này, WEF nêu lên 4 chủ đề số quan trọng cho 10 năm tới, đó là quản lý vòng đời của tài sản số, xây dựng hệ sinh thái hợp tác, cung cấp dịch vụ gia tăng (sau sản phẩm là thùng dầu) và tăng khả năng lựa chọn năng lượng cho khách hàng. Từ đó, WEF đưa ra những sáng kiến cụ thể cùng các công nghệ nền tảng phục vụ cho việc triển khai các sáng kiến đó.

Trong sáng kiến của mình, WEF đã đưa ra các khuyến nghị chính sách đối với các cấp quản lý, bao gồm: Phát triển chuẩn dữ liệu toàn cầu; xây dựng hệ sinh thái sáng tạo; xây dựng hành lang pháp lý khuyến khích chuyển đổi.

WEF cũng đưa ra 6 khuyến nghị quan trọng trong chuyển đổi số đối với ngành công nghiệp dầu khí:

1. Đặt chuyển đổi số là ưu tiên đối với lãnh đạo với vai trò trong xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số.

2. Tạo điều kiện cho văn hóa sáng tạo phát triển, tạo kênh khuyến khích ý tưởng và áp dụng công nghệ mới, tạo điều kiện cho nhóm đa chuyên môn, cùng tầm nhìn và có năng lực về công nghệ số hoạt động.

3. Đầu tư cho nguồn nhân lực, thu hút, phát triển nhân tài công nghệ cao, có tư duy và kỹ năng số.

4. Xây dựng năng lực số, trong đó cân bằng giữa tự phát triển và mua, giữa gánh nặng tài chính và lợi ích mang lại.

5. Cải tổ kiến trúc dữ liệu công ty để dữ liệu hài hòa, quy chuẩn, tích hợp và sử dụng chung cho toàn công ty.

6. Đầu tư vào hệ sinh thái hợp tác, sử dụng chuẩn chung, nền tảng chung và hướng tới hợp tác, chia sẻ với các đối tác.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên có thể tham khảo các định hướng lớn, các khuyến nghị mang tính toàn cầu này. Đó là những định hướng lớn mà khi chi tiết hóa sẽ đòi hỏi có một chương trình hoạt động, phối hợp có quy mô của nhiều cấp.

Mai Phương