Chuyển đổi năng lượng ở châu Á: Trung Quốc dẫn đầu dù không hoàn hảo

06:00 | 21/09/2022

384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dù còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, song với công suất năng lượng tái tạo lớn nhất toàn cầu và đang tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng bằng các chính sách, Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về chuyển đổi năng lượng.
Chuyển đổi năng lượng ở châu Á: Trung Quốc dẫn đầu dù không hoàn hảo
Thập niên trở lại đây Trung Quốc nhanh chóng tăng tốc đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Ảnh: Asia.nikkei

Từ một nước tiêu thụ và sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn và có lượng phát thải cao, thập niên trở lại đây Trung Quốc nhanh chóng tăng tốc đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Nền kinh tế thứ hai thế giới đã có những tiến bộ đáng quan tâm với việc lắp đặt điện gió đạt mức cao nhất mọi thời đại là 72,4 gigawatt (GW) vào năm 2020, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2019. Trong khi đó, năng lượng mặt trời theo sau không xa với 49,3 GW, tăng hơn 60% so với năm trước.

Đối diện với tiêu thụ năng lượng và lượng phát thải cao cũng thuộc vào hàng đầu thế giới, quốc gia này đã đặt ra những mục tiêu mạnh mẽ về chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải carbon. Tháng 9/2020, Trung Quốc đưa ra cam kết đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2060. Một năm sau, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đưa ra cam kết ngừng xây dựng các dự án than ở nước ngoài.

Từ năm 2019, Trung Quốc đã thực hiện Tiêu chuẩn danh mục tái tạo, yêu cầu các nhà khai thác lưới điện, các công ty điện lực và một số khách hàng lớn phải cung cấp một tỉ lệ phần trăm điện năng tối thiểu từ năng lượng tái tạo. Ngoài ra, một kế hoạch kinh doanh carbon quốc gia đã bắt đầu vào đầu năm 2021, sau đó là chương trình thí điểm kinh doanh điện xanh được triển khai trên 17 tỉnh. Mặc dù tác động ngắn hạn của các dự án này là nhỏ và vẫn còn lo ngại về độ chính xác của báo cáo, nhưng kinh doanh carbon và điện xanh sẽ là những công cụ dài hạn có giá trị để giảm phát thải và khuyến khích mở rộng quy mô năng lượng sạch.

Chuyển đổi năng lượng ở châu Á: Trung Quốc dẫn đầu dù không hoàn hảo
Than vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu của Trung Quốc với 49% công suất. Ảnh China News

Tuy nhiên, than vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu của Trung Quốc với 49% công suất, so với 24% của gió và mặt trời cộng lại. Để đạt được các mục tiêu giảm phát thải, Trung Quốc phải tuân thủ các kế hoạch quốc gia để bắt đầu giảm dần lượng than vào giữa thập niên này.

Và trong khi dự kiến tiếp tục tăng trưởng năng lượng tái tạo, những thay đổi trong bối cảnh đầu tư vẫn được đảm bảo bù cho việc loại bỏ các khoản trợ cấp dài hạn, điển hình là bỏ trợ cấp cho điện gió trong bờ từ năm 2021. Với các chính sách mới hứa hẹn, cũng như dự kiến ​​về nâng cấp lưới điện và triển khai lưu trữ năng lượng, năng lượng sạch tiếp tục được thúc đẩy phát triển.

Tháng 6/2022, Trung Quốc tiếp tục đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng điện gió và mặt trời vào năm 2025, theo đó 33% nguồn cung cấp cho lưới điện quốc gia sẽ đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2025, tăng từ 29% vào năm 2020. Như vậy vào năm 2025, sản lượng điện hàng năm từ năng lượng tái tạo sẽ đạt khoảng 3,3 nghìn tỉ kilowatt giờ, trong đó sản lượng điện gió và điện mặt trời sẽ tăng gấp đôi.

Chuyển đổi năng lượng ở châu Á: Trung Quốc dẫn đầu dù không hoàn hảo
Trong nửa đầu năm 2022, ngành điện mặt trời của Trung Quốc tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Smiler-solar

Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cũng cho thấy vốn đầu tư vào năng lượng mặt trời đã tăng gần gấp 3 lần trong 4 tháng đầu năm 2022, lên 29 tỉ NDT (4,3 tỉ USD), so với mức đầu tư từ tháng 1 đến tháng 4 của năm trước. Trong nửa đầu năm nay, ngành điện mặt trời của nước này công bố tăng trưởng mạnh với các mắt xích quan trọng của chuỗi công nghiệp ghi nhận tỉ lệ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái là hơn 45%.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), từ năm 2019 đến năm 2024, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chiếm hơn 35% việc mở rộng công suất điện gió và năng lượng mặt trời trên toàn cầu. Điện mặt trời nâng cao, công nghệ gió trên bờ, tích hợp hệ thống được cải thiện và tỉ lệ cắt giảm thấp hơn đã thúc đẩy và tạo ra sự thay đổi này.

Hiện nay, năng lượng tái tạo tại Trung Quốc phát triển mạnh và đầy hứa hẹn, song quốc gia này vẫn phụ thuộc vào việc cung cấp năng lượng cho tăng trưởng tức thời bằng các nhiên liệu hóa thạch như than và khí đốt. Đặc biệt trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao, Bắc Kinh đã phải đồng thời tăng cường sự phụ thuộc vào các nhà máy điện than trong những tháng gần đây để đảm bảo an ninh năng lượng.

Do đó, gã khổng lồ kinh tế không thể được coi là hình mẫu lý tưởng cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, điều này sẽ thay đổi nếu Trung Quốc tập trung và ưu tiên các nguồn năng lượng sạch và tái tạo để thúc đẩy tăng trưởng của mình. Và dù không hoàn hảo, những bước đi của quốc gia này có thể giúp các nước trong khu vực rút ra bài học để xanh hóa lưới điện của quốc gia mình.

10 quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo10 quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo
Chuyển dịch năng lượng: Khác biệt lớn giữa các khu vực trên thế giớiChuyển dịch năng lượng: Khác biệt lớn giữa các khu vực trên thế giới
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hiệu quảGiải pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hiệu quả

Thanh Sơn

  • vietinbank