Chuyển dịch năng lượng: Khác biệt lớn giữa các khu vực trên thế giới
Dự án điện gió ở Đan Mạch |
Chuyển dịch năng lượng là sự chuyển đổi dần từ trạng thái năng lượng sơ cấp có thể cạn kiệt sang dạng năng lượng sạch, liên tục, có thể tái sử dụng vô hạn, với tỉ lệ lớn hơn nhằm bảo đảm đủ điện và yêu cầu của biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đã sớm nhận ra đây là con đường phát triển tất yếu và có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Những nước đi đầu trong chuyển dịch năng lượng, có khả năng tự chủ cung cấp nguồn điện tái tạo có thể điểm tên là Phần Lan, Kenya, Mỹ, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, New Zealand…
Trong đó, dẫn đầu là Phần Lan. Lý do để quốc gia này đứng đầu xếp đầu danh sách tính theo Chỉ số Hiệu suất Môi trường (EPI) hằng năm (của Đại học Yale, Mỹ) là sản xuất được khoảng 35% năng lượng từ các nguồn tái tạo, đặc biệt là điện gió. Dự kiến đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng trên 50%. Trong khi đó, lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch năm 2020 đã giảm tới phân nửa so với hồi năm 2005.
Phần Lan có kế hoạch loại bỏ dần than đá vào năm 2030, đồng thời giảm bớt việc nhập khẩu các loại nhiên liệu hóa thạch khác như dầu mỏ, dầu diesel, dầu nhiên liệu và các loại chất đốt khác. Với kế hoạch tham vọng này, Phần Lan sẽ sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào than đá và sẽ là một thành tựu đáng ghi nhận kể từ sau Thỏa thuận chung Paris hồi cuối năm 2015.
Còn với Đan Mạch - quốc gia đã cam kết không sử dụng hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong phát điện vào năm 2050 - đang là nước đứng đầu thế giới về sản xuất năng lượng gió. Theo chính phủ Đan Mạch, sản lượng điện gió tại quốc gia này hiện nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ quốc gia phát triển nào khác trên thế giới.
Na Uy - quốc gia vốn có truyền thống dựa vào thủy điện để sản xuất phần lớn điện từ những năm 1800, hiện có 98% sản lượng điện toàn quốc được sản xuất bởi các nguồn năng lượng tái tạo, dẫn đầu vẫn là thủy điện. Ngoài ra, các nguồn năng lượng xanh khác, như năng lượng gió và địa nhiệt cũng được quốc gia này chú trọng gia tăng tỉ trọng trong cơ cấu nguồn điện, nhằm phục vụ nhu cầu điện ngày càng tăng trong nước, đồng thời xuất khẩu điện sạch sang các nước láng giềng.
Tại Thuỵ Điển, ngay từ năm 2015, năng lượng tái tạo đã đảm nhận thị phần 57% nhu cầu tiêu dùng trong nước với khoảng và dự kiến sẽ tăng tiếp 100% vào năm 2040. Gió, hạt nhân và thủy điện là những nguồn năng lượng tái tạo chính ở quốc gia này và là một phần đáng kể trong chuyển dịch năng lượng thành công của quốc gia này.
Năng lượng tái tạo ở Mỹ |
Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền vẫn duy trì nhiên liệu hóa thạch đồng thời có kế hoạch chuyển dùng năng lượng mặt trời và gió vì giá thành rẻ và thân thiện với môi trường. Với điện mặt trời, ngay từ năm 2014, Mỹ có tốc độ phát triển nhanh nhất, trung bình cứ 2,5 phút, lại có một mái nhà năng lượng mặt trời được hoàn thành. Về năng lượng gió, Texas là bang dẫn đầu. Nếu so sánh riêng bang này với các quốc gia trên thế giới, thì Texas sản xuất năng lượng gió lớn thứ 4 trên thế giới.
Trong những quốc gia tiên phong chuyển dịch năng lượng, nhiều nước có thế mạnh đặc biệt về năng lượng tái tạo. Như New Zealand, khi xác định nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2025, quốc gia này với ưu thế nằm ở những ngọn núi lửa đã có kế hoạch thay thế bằng 90% nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là địa nhiệt. Hay như Kenya nhờ có thung lũng Great Rift, đã tiếp cận được với nguồn nước nóng siêu nhiệt bởi macma trong lòng đất. Năng lượng địa nhiệt đã bùng nổ ở Kenya trong vòng 1 thập niên trở lại đây và hiện nay đủ để cung cấp cho một nửa dân trong nước.
Iceland - quốc gia xếp thứ 4 với danh hiệu quốc gia xanh, thân thiện nhất hành tinh - sử dụng 100% năng lượng từ các nguồn tái tạo, như thủy điện, khai thác lượng mưa dồi dào ở các vùng núi cao. Để làm ấm nhà cửa và nước, Iceland cũng khai thác cả nguồn địa nhiệt dồi dào từ những ngọn núi lửa bất tận.
Như vậy, trong công cuộc chuyển dịch năng lượng, hầu hết đối với các quốc gia đi đầu và có bước biến chuyển nhanh chóng là các quốc gia có đã khai thác triệt để thế mạnh về năng lượng tái tạo và tiềm lực tài chính. Kinh nghiệm của các nước này cũng cho thấy, quốc gia nào có thời gian triển khai chuyển dịch năng lượng sớm thì lợi ích mang lại sẽ lớn hơn.
Mặc dù chuyển dịch năng lượng được nhận định là con đường tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế bền vững song có sự khác biệt lớn giữa các khu vực trong xu hướng này nếu không muốn nói là có chiều hướng đối nghịch. Ngược lại với các khu vực, các quốc gia có bước chuyển dịch mạnh mẽ và hiệu quả, phần còn lại của thế giới vẫn đang loay hoay trong giải bài toán chuyển dịch năng lượng, thậm chí nhiều quốc gia hiện còn phải đối diện với nguy cơ thiếu điện.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu đã cao hơn nhiều so với trước đây vào thời điểm Thỏa thuận chung Paris được ký kết vào năm 2015. Theo đó tốc độ tăng trưởng đầu tư hàng năm vào năng lượng sạch trung bình trong 5 năm sau thỏa thuận khí hậu Paris chỉ hơn 2%. Năm 2020, tỉ lệ đã tăng lên 12%. Nhưng sự gia tăng tập trung ở các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc. Mức đầu tư năng lượng sạch cao nhất vào năm 2021 là Trung Quốc với 380 tỉ USD, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) với 260 tỉ USD và Hoa Kỳ với 215 tỉ USD.
Trong khi đó, đầu tư cho năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (trừ Trung Quốc) vẫn bị mắc kẹt ở mức năm 2015. Có một số điểm sáng như năng lượng tái tạo quy mô tiện ích ở Ấn Độ, năng lượng gió ở Brazil… Nhưng nhìn chung, tương đối yếu ở hầu hết các quốc gia đang phát triển.
Cũng theo IEA, cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giữa 1/5 thị phần năng lượng sạch toàn cầu và 2/3 dân số toàn cầu của các nền kinh tế đang phát triển. Cũng bởi, nếu đầu tư vào năng lượng sạch không nhanh chóng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, thế giới sẽ phải đối mặt với ranh giới chính trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững khác.
H.Thanh
-
TKV khẩn trương khắc phục, nhanh chóng ổn định sản xuất sau bão số 3
-
Cơ bản khôi phục cung cấp điện cho TP Hạ Long (Quảng Ninh) trong ngày 10/9
-
CIP khánh thành trang trại điện gió ngoài khơi thứ hai tại Châu Á
-
Tại sao giá điện LNG chưa hấp dẫn nhà đầu tư?
-
Tích hợp năng lượng tái tạo trong lĩnh vực dầu khí: Xu hướng và triển vọng tương lai (Kỳ I)