Tọa đàm "Quản trị tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng"

18:54 | 29/07/2022

520 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 29/7, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp cùng báo Đầu tư tổ chức tọa đàm "Quản trị tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng".
Tọa đàm
Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm có bà Kanni Wignaja, Trợ lý Tổng thư ký LHQ, Giám đốc UNDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; bà Caitlin, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; Thạc sĩ Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng cùng các diễn giả, đại diện các cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, tọa đàm tập trung vào vấn đề tài chính cho phát triển trong chuyển dịch năng lượng công bằng, với thảo luận chuyên sâu về bối cảnh rộng hơn của tài chính cho phát triển, vai trò của tài chính trong nước và quốc tế, bài học kinh nghiệm quốc tế và những đổi mới chính sách trong nước có thể hỗ trợ chuyển dịch năng lượng công bằng.

Tọa đàm sẽ là những thảo luận đầu tiên trong một loạt các cuộc tọa đàm và hội nghị mà UNDP Việt Nam dự định tổ chức trong thời gian tới. Tọa đàm sẽ làm rõ các lựa chọn chính sách có sẵn cho Chính phủ khi xây dựng giải pháp thúc đẩy hệ thống tài chính phát triển sâu sắc hơn.

Tọa đàm cũng giúp nâng cao nhận thức về vấn đề tài chính phát triển cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Các chuyên gia tham dự tọa đàm sẽ thảo luận về bối cảnh rộng lớn hơn của tài chính phát triển, vai trò của tài chính trong nước và quốc tế, các bài học kinh nghiệm từ quốc tế, các giải pháp đổi mới chính sách trong nước có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Tọa đàm
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại tọa đàm

Tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, ngừng đầu tư sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai điện sạch và loại bỏ điện than vào những năm 2040.

Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam, khi vừa thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, vừa đảm bảo đạt mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế.

Tọa đàm
Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Tại tọa đàm, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP, bà Kanni Wignaraja, đã có bài tham luận chính với nội dung: "Tài chính cho chuyển dịch sang năng lượng tái tạo của Việt Nam: Vượt lên trên những con số lớn".

Bên cạnh đó, các diễn giả tập trung phân tích các về đề về chính sách thu hút nguồn tài chính cho chuyển dịch năng lượng, vai trò các ngân hàng phát triển xanh trong việc thúc đẩy hành động vì khí hậu.

Tọa đàm
Bà Kanni Wignaraja trình bày tham luận tại tọa đàm

Tài chính được xem là yếu tố quan trọng trong việc đạt được chuyển đổi năng lượng công bằng. Trong đó, khả năng sinh lời và khả năng dự báo là những yếu tố then chốt trong tài chính. Nếu thiếu 2 yếu tố này sẽ hạn chế nguồn tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo.

Có những khó khăn khi thị trường vốn của Việt Nam còn quá nhỏ về quy mô và chưa đa dạng các công cụ tài chính. Vì vậy, để tài trợ cho nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở quy mô cần thiết đòi hỏi phải có cơ chế thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính.

Tọa đàm
Thạc sĩ Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng

Một số vấn đề về quản trị như thị trường minh bạch, cạnh tranh, thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, môi trường pháp lý, quy định về xây dựng, truyền tải và phân phối cho các nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng trong huy động tài chính... cũng được đề cập.

Kinh nghiệm các nước cho thấy phần lớn nguồn vốn cần thiết sẽ đến từ các nguồn trong nước. Các ngân hàng phát triển nội địa có thể cung cấp tài chính trong nước dài hạn trợ cho các dự án phức tạp và chậm tiến độ.

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong 3 thập kỷ tới khi giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng chuyển đổi từ điện than sang điện sử dụng năng lượng mặt trời, gió và các hệ thống tái tạo khác. Để năng lượng tái tạo cân bằng carbon, nhu cầu điện có thể tăng gấp 5 lần vào năm 2050.

Cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng, đồng thời thực hiện quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn tái tạo là thách thức lớn cần xử lý, trong đó có vấn đề tài chính. Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển để tiếp cận nguồn tài chính quốc tế, đặc biệt là nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa sản xuất được. Tuy nhiên để đảm bảo ổn định vĩ mô và không làm tăng nợ quốc gia vượt mức cho phép, rõ ràng rõ ràng phần lớn vốn cần thiết sẽ phải đến từ các nguồn trong nước.

Việt Nam đang nổi lên như là một trung tâm sản xuất mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có tốc độ đô thị hóa cao nên nhu cầu về năng lượng sẽ tăng nhanh trong ba thập kỷ tới. Trong bối cảnh Việt Nam vừa thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, vừa đảm bảo đất nước đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, quản trị và tài chính là giải pháp mang lại hiệu quả cho chuyển dịch năng lượng công bằng.

Minh Châu