Chuyển đổi năng lượng - Cơ hội bị bỏ lỡ

12:12 | 28/09/2021

263 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cơ hội tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng bị bỏ lỡ vì các kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 không giúp các ngành công nghiệp chuyển hướng sang năng lượng bền vững - đó là nhận xét của Công ty Cung cấp chứng chỉ năng lượng Na Uy (DNV) trong báo cáo mới nhất.
Chuyển đổi năng lượng - Cơ hội bị bỏ lỡ
Những người ủng hộ môi trường biểu tình trên đường Ellipse gần Nhà Trắng ở Washington

Chuyển đổi không như kỳ vọng

Năm 2020, lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu đã giảm 6% so với năm 2019 do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lượng phát thải CO2 đang tăng cùng với sự phục hồi kinh tế và sẽ tiếp tục tăng trong vòng 3 năm tới. Trong báo cáo Triển vọng chuyển đổi năng lượng 2021, DNV ước tính lượng khí thải CO2 vào năm 2030 sẽ chỉ thấp hơn 9% so với năm 2019.

Tiến trình giảm phát thải khí thải khí nhà kính còn rất xa so với mức được cho là cần thiết (giảm một nửa lượng phát thải vào năm 2030 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050) để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,50C vào năm 2100 so với nhiệt độ của thời kỳ tiền công nghiệp, phù hợp với tham vọng của Hiệp định khí hậu Paris. Gần 2 tháng trước khi diễn ra COP26, DNV ước tính “hành tinh này rất có thể sẽ đạt đến mức ấm lên 2,30C vào cuối thế kỷ này”, đồng thời nhận định: Tốc độ chuyển đổi năng lượng đã không được tăng tốc.

Hiệu quả năng lượng, “người hùng thầm lặng của quá trình chuyển đổi năng lượng”, nên là ưu tiên của các công ty và chính phủ, DNV nhấn mạnh. Chính nhờ hiệu quả sử dụng năng lượng mà thế giới sẽ hạn chế mức tăng trưởng tiêu thụ năng lượng, ngay cả khi dân số thế giới tăng 22% vào giữa thế kỷ XX (khoảng 9,4 tỉ dân vào năm 2050) và GDP thế giới tăng trưởng 111% trong thời kỳ này. Theo DNV, cường độ năng lượng toàn cầu, tức mức tiêu thụ năng lượng trên GDP, có thể giảm 2,4% mỗi năm từ nay đến năm 2050 (mức giảm trung bình trong 20 năm qua là 1,7% mỗi năm).

Mặc dù tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch dự kiến giảm mạnh (tiêu thụ than toàn cầu có thể giảm 62% vào năm 2050), nhưng theo dự báo của DNV, nhiên liệu hóa thạch vẫn có thể chiếm một nửa cơ cấu năng lượng toàn cầu vào năm 2050, so với gần 80% hiện nay. DNV cho rằng, việc đầu tư vào các công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2 là điều cần thiết để giảm thiểu ảnh hưởng của nhiên liệu hóa thạch.

Chuyển đổi năng lượng - Cơ hội bị bỏ lỡ
Một nhà máy điện than tại Ấn Độ

Cần lưu ý rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng được DNV nêu ra trong báo cáo của mình dựa trên quá trình điện khí hóa mạnh mẽ. Trong 30 năm tới, tỷ trọng của yếu tố này trong mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng sẽ tăng gấp đôi trên toàn cầu, từ 19% lên 38%. Sự phát triển đó đặc biệt được thúc đẩy bởi sự gia tăng của các loại xe điện. DNV ước tính 50% số xe ôtô được bán trên thế giới sẽ là xe điện vào năm 2032.

DNV dự kiến điện mặt trời và điện gió có thể chiếm tổng cộng 69% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2050 (13% đối với nhiên liệu hóa thạch), so với gần 8% hiện nay.

Hydro “xanh” được DNV coi là véc tơ năng lượng bổ sung để giảm phát thải khí nhà kính nhưng sẽ đến rất muộn và ở quy mô không đủ để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Đại dịch không thay đổi hỗn hợp điện

Nhóm think tank Ember ngày 25-9-2021 công bố dữ liệu mới nhất về sản lượng điện của 63 quốc gia, chiếm 87% sản lượng điện thế giới, trong nửa đầu năm 2021. Theo đó, tiêu thụ điện tích lũy của các quốc gia này trong nửa đầu năm 2021 đạt 11.557 TWh, cao hơn gần 5% so với nửa đầu năm 2019, nhưng đã giảm đáng kể so với nửa đầu năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 đạt đỉnh điểm (10.729 TWh).

Trong nửa cuối năm 2020, lượng khí thải CO2 liên quan đến ngành điện ở 63 quốc gia được phân tích đã trở lại mức trước đại dịch Covid-19 trong khi nhu cầu điện tăng trở lại. Lượng khí thải CO2 trong nửa đầu năm 2021 cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2020 và hơn 5% so với cùng kỳ năm 2019.

Sự gia tăng lượng phát thải CO2 không chỉ liên quan đến lượng tiêu thụ điện tăng mà còn do các ngành carbon thấp “không thể theo kịp”. Sản lượng điện mặt trời và điện gió của 63 nước tăng 332 TWh từ nửa đầu năm 2019 đến nửa đầu năm 2021 (+26% với điện gió và +46% với điện mặt trời) nhưng sản lượng của các nhà máy nhiệt điện than cũng tăng mạnh cùng thời điểm (+254 TWh, tức tăng 5,8%).

Trên thực tế, chưa có quốc gia nào đạt được sự phục hồi xanh thực sự của ngành điện, Ember nhận xét. Theo Ember, nhiều quốc gia - đặc biệt là ở châu Á - đã khởi xướng “sự phục hồi xám” đối với sản xuất điện, một phần dựa vào điện gió và điện mặt trời, nhưng cũng chủ yếu dựa vào than đá, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ... Từ nửa đầu năm 2019 đến nửa đầu năm 2021, mức tiêu thụ điện của Trung Quốc tăng 14% và hơn 2/3 mức tăng này đến từ các nhà máy điện than. Sản lượng của các nhà máy điện than của Trung Quốc đã tăng lên 337 TWh từ nửa đầu năm 2019 đến nửa đầu năm 2021 (cao hơn tổng sản lượng điện than của EU trong nửa đầu năm 2021). Hy vọng quá trình chuyển đổi của ngành điện Trung Quốc sẽ trở nên nhanh chóng do nước này đã đề ra tham vọng đạt được trung hòa carbon vào năm 2060.

Những phân tích đó cho thấy, hỗn hợp điện của thế giới vẫn chứa rất nhiều nguồn phát thải carbon. Trong 63 quốc gia được phân tích bởi Ember trong nửa đầu năm 2021, sản lượng điện than chiếm 40%, khí tự nhiên 18,7%, thủy điện 14,9%, hạt nhân 11,3%, điện mặt trời 7,6% và điện gió 4,3%.

Trong 63 quốc gia được phân tích bởi Ember trong nửa đầu năm 2021, sản lượng điện than chiếm 40%, khí tự nhiên 18,7%, thủy điện 14,9%, hạt nhân 11,3%, điện mặt trời 7,6% và điện gió 4,3%.

Vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nga trên thị trường dầu khí châu Á-Thái Bình Dương (Kỳ II)Vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nga trên thị trường dầu khí châu Á-Thái Bình Dương (Kỳ II)
Bản tin năng lượng xanh: Nói không với điện thanBản tin năng lượng xanh: Nói không với điện than
Vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nga trên thị trường dầu khí châu Á-Thái Bình Dương (Kỳ I)Vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nga trên thị trường dầu khí châu Á-Thái Bình Dương (Kỳ I)

S.Phương