Chuyện chưa kể về "linh hồn" của gã khổng lồ Huawei

07:17 | 06/03/2021

212 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhậm Chính Phi là một nhân vật huyền thoại trong giới kinh doanh Trung Quốc khi gầy dựng lên tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei.

Năm 2001, phần lớn người Mỹ chưa từng nghe hay biết cách phát âm từ “Huawei”. Hai thập kỷ sau đó, nước Mỹ đặt Huawei lên “bàn cờ thế” của cuộc thương chiến quyết liệt.

Gã khổng lồ được sáng nghiệp bởi Nhậm Chính Phi với số vốn vài nghìn USD, từng bước đạt được những thành tựu và trở thành tập đoàn có sức chi phối ngành công nghệ lẫn kinh tế toàn cầu.

Người nắm giữ mọi thời khắc quan trọng của Huawei

Đối với những nhân viên Huawei làm việc lâu năm, Nhậm Chính Phi chính là linh hồn của Huawei. “Ông ấy là lãnh đạo tinh thần, là biểu tượng của Huawei”, một nhân viên kề cận lâu năm của ông Nhậm nói với tờ SCMP.

Đối với những nhân viên Huawei làm việc lâu năm, Nhậm Chính Phi chính là linh hồn của Huawei.
Đối với những nhân viên Huawei làm việc lâu năm, Nhậm Chính Phi chính là linh hồn của Huawei.

Tập đoàn này trải qua không ít thăng trầm, tồn tại và phát triển một cách khôn ngoan, ứng biến khác biệt để trở thành một trong những cái tên có khả năng chi phối ngành công nghệ toàn cầu. Nhiều quyết sách, chiến lược đã được thực hiện trong 3 thập kỷ đổi mới và sáng tạo không ngừng, tạo nên sự phát triển thần tốc của Huawei.

Những giá trị cốt lõi được Nhậm Chính Phi chỉ ra gồm: Rời biên giới quốc gia để trở thành tập đoàn quốc tế, khách hàng là suối nguồn của thành công, cạnh tranh chân chính bằng chất lượng sản phẩm, tập trung R&D, văn hóa xem trọng nhân tài…

Năm 2001, ngành công nghệ thông tin toàn cầu đối mặt với “mùa đông” khắc nghiệt bởi sự kiện bong bóng “dotcom”. Làn sóng phá sản của loạt công ty công nghệ tạo nên cuộc suy thoái lịch sử của kinh tế Mỹ và thế giới. Trong bối cảnh đó, Huawei nổi lên và giành được nhiều hợp đồng viễn thông, khai thác thị trường châu Âu, Trung Á, Nam Mỹ và châu Phi. Tờ Financial Times bình luận về sự kiện này: “Huawei của Trung Quốc đang viết lại quy tắc của ngành viễn thông toàn cầu”.

Để có thể xuất hiện đúng lúc, chớp lấy thời cơ và đủ nguồn lực từng bước chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, Huawei được Nhậm Chính Phi sớm định hướng phải vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. “Chúng ta phải mở rộng cạnh tranh, tiến ra thị trường nước ngoài. Mở rộng thị trường nước ngoài sẽ mở rộng không gian tồn tại”, nhà sáng lập Huawei viết.

Ông Nhậm đặt Huawei cạnh những thương hiệu hàng đầu thế giới để học hỏi, sánh vai và cạnh tranh trực tiếp. Từ đó, mỗi nhân viên được xây dựng tinh thần kỷ luật, không ngừng cầu tiến, không hài lòng với hào quang quá khứ. “Mong các bạn sẽ quên đi những ảo tưởng về thành công chớp nhoáng, hãy học tập tâm lý vững vàng của người Nhật, tinh thần làm việc chuyên nghiệp của người Đức”, ông viết trong Thư gửi nhân viên mới, “chúng ta cần tạo ra một đội ngũ cán bộ nghiệp vụ giỏi, tư duy tốt, có năng lực hành động và quản lý. Cơ hội sẽ tìm đến những người lao động chân chính”.

Vào năm 2003, công ty Cisco tại Silicon Valley tố cáo Huawei đánh cắp mã nguồn phần mềm dành cho các bộ định tuyến và chuyển mạch mạng. Sự kiện này một lần nữa ghi dấu ấn Nhậm Chính Phi đã lèo lái Huawei vượt bão. “Đây là trận chiến không thể không đề cập đến trong quá trình quốc tế hóa của Huawei. Nhậm Chính Phi đã chỉ huy cuộc 'vây hãm' này suốt một năm dài”, tác giả Hy Văn viết trong cuốn Hành trình lập nghiệp của Nhậm Chính Phi.

“Chúng ta phải mở rộng cạnh tranh, tiến ra thị trường nước ngoài. Mở rộng thị trường nước ngoài sẽ mở rộng không gian tồn tại”, ông Nhậm Chính Phi viết trong thư gửi nhân viên. Ảnh: Bloomberg.
“Chúng ta phải mở rộng cạnh tranh, tiến ra thị trường nước ngoài. Mở rộng thị trường nước ngoài sẽ mở rộng không gian tồn tại”, ông Nhậm Chính Phi viết trong thư gửi nhân viên. Ảnh: Bloomberg.

Giữa cuộc chiến, ông Nhậm một mặt tìm luật sư hàng đầu, một mặt liên minh với 3Com - công ty đối thủ của Cisco tại Mỹ. Vào thời điểm quan trọng của vụ kiện, Huawei công bố thông tin liên minh quan trọng này. Kết quả, Cisco quyết định hòa giải với gã khổng lồ Trung Quốc, cho thấy cú “phản đòn” hiệu quả từ "nhà cầm quân" Trung Quốc.

Về mặt sản phẩm, ông Nhậm cũng sớm lên chiến lược, xác định lợi thế cạnh tranh một cách khôn ngoan. Theo tờ Washington Post, chiếc P20 Pro đăng bán trực tuyến tại Mỹ năm 2019 có giá 800 USD. Mẫu máy được người dùng xứ cờ hoa yêu thích vì chất lượng ảnh selfie, hiệu năng tốt và có mức giá dễ chịu.

Các mẫu smartphone của Huawei được định hướng có mức giá cạnh tranh so với đối thủ nhưng vẫn đảm bảo tích hợp nhiều tính năng, công nghệ mới và chất lượng ổn định. Với chiến lược nhắm đến tệp khách hàng thu nhập thấp, năm 2013, Huawei tạo được dấu ấn bước đầu tại Mỹ.

“Giá cả, chi phí, chất lượng là ba vấn đề lớn mà chúng ta không thể né tránh. Giảm chi phí không có nghĩa là chất lượng sản phẩm, dịch vụ giảm xuống. Mục tiêu của chúng ta là đặt ra sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn với chi phí thấp hơn, có được lợi thế cạnh tranh mạnh hơn. Đây chính là điều kiện tiên quyết cho sự sống còn và phát triển của chúng ta”, Nhậm Chính Phi viết trong lá thư gửi nhân viên.

Huawei chiếm 0,03% thị phần smartphone tại Mỹ - thị trường mà hãng vấp phải nhiều sự kiềm hãm. Tuy nhiên, trên thị trường toàn cầu, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới. Năm 2018, doanh thu của gã khổng lồ Trung Quốc đạt 105 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2017. Gần 50% trong số đó đến từ mảng điện tử tiêu dùng, bao gồm smartphone, còn lại là doanh thu từ thiết bị mạng 5G và dịch vụ điện toán đám mây. Kết quả kinh doanh này của một hãng công nghệ được cho là ấn tượng, thậm chí cao hơn doanh thu hãng sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ, đạt 101 tỷ USD trong năm tài khóa 2018.

Vừa qua, gã khổng lồ này công bố doanh thu 3 quý đầu năm tăng 9,9% so với cùng kỳ, tương đương 98,57 tỷ USD. Theo Reuters, lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ và ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh số smartphone, thiết bị viễn thông của hãng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vài tháng qua, nhu cầu tại Trung Quốc tăng vọt giúp hãng lần đầu trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.

Mong được lãng quên

Người sáng lập Huawei Technologies - ông Nhậm Chính Phi hy vọng rằng đến lúc nào đó ông được mọi người lãng quên.

“Tôi chỉ là một ông già. Vì sao mọi người phải nhớ đến tôi. Các bạn nên nghĩ nhiều hơn về tương lai và thế giới”, người đàn ông 75 tuổi này nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. “Mong muốn lớn nhất của tôi là ngồi uống cafe trong quán mà không ai để ý”.

Công nhân tại một nhà máy của Huawei ở Quảng Đông (Trung Quốc) hồi tháng 12-2019. Ảnh: REUTERS
Công nhân tại một nhà máy của Huawei ở Quảng Đông (Trung Quốc) hồi tháng 12-2019. Ảnh: REUTERS

Đó là một mong muốn đơn giản, nhưng dường như là một điều ngoài tầm với của vị giám đốc điều hành tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới, hiện bị cuốn vào trung tâm của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.

Một loạt các cuộc tấn công từ Hoa Kỳ vào Huawei trong năm qua đã khiến ông Nhậm phải bước ra khỏi bức màn để bảo vệ cho công ty mà mình đã gây dựng từ hơn 30 năm qua.

Khởi đầu bằng việc con gái lớn của ông – Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei – bị bắt giữ tại Canada vào tháng 12 năm 2018 theo lệnh của Mỹ. Bà Mạnh vẫn đang chịu sự quản thúc ở Canada. Một phiên điều trần sẽ quyết định liệu bà có bị dẫn độ về Mỹ hay không. Bà Mạnh bị bắt với cáo buộc thực hiện các phi vụ gian lận thương mại.

Vào tháng 5 năm ngoái, Hoa Kỳ đã thêm Huawei và 68 công ty, tổ chức khác vào danh sách đen thương mại. Phía Hoa Kỳ cáo buộc người khổng lồ viễn thông Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh quốc gia – điều mà Huawei đã nhiều lần phủ nhận. Chính quyền Trump cũng thúc giục các đồng minh châu Âu tẩy chay Huawei khi mua sắm các thiết bị di động thế hệ thứ 5 (5G).

Trước khi bà Mạnh bị bắt, ông Nhậm Chính Phi chưa bao giờ trả lời phỏng vấn trên truyền hình và hiếm khi nói chuyện với các nhà báo. Nhiều nhân viên của Huawei mà tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã nói chuyện, ngay cả những người làm việc tại trụ sở chính của Huawei ở Thẩm Quyến, cho biết họ chưa bao giờ được gặp mặt trực tiếp ông Nhậm.

Nhưng tầm ảnh hưởng cao của ông ấy đã được thể hiện rất rõ trên diễn đàn trực tuyến nội bộ của công ty – Cộng đồng Xinsheng. Ở đó, các bài đăng về ông Nhậm Chính Phi xuất hiện rất nhiều và được đặt ở vị trí trung tâm hoặc trước tiên. Chẳng hạn các clip ghi lại cuộc đối thoại của ông với các giám đốc điều hành của công ty về cải cách, hay bàn thảo nhiều chủ đề khác nhau.

Người sáng lập Huawei nổi tiếng là người thẳng tính. Một nhân viên lâu năm, người từ chối nêu tên, nhớ lại ông Nhậm Chính Phi đã mắng anh tại một cuộc triển lãm sau khi anh ta không trả lời thỏa đáng các câu hỏi của ông về các sản phẩm và đối tác.

Tại các cuộc phỏng vấn, ông Nhậm cũng nói thẳng những gì ông nghĩ. Nhiều người trong công ty đôi khi cảm thấy một số câu trả lời của ông không phải câu trả lời hay nhất xét trên phương diện ngoại giao công chúng, thậm chí có thể có một số tác động bất lợi.

Ví dụ, thói quen sử dụng các thuật ngữ quân đội của ông đã khiến người ta cho rằng ông có liên kết chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc, nhưng không nhân viên nào cố gắng ngăn cản ông.

“Ông Nhậm là một nhà lãnh đạo, một thủ lĩnh tinh thần của Huawei”, một nhân viên làm việc hơn 10 năm tại Huawei nói.

Nhưng đây lại là điều mà ông Nhậm Chính Phi không đồng tình. “Tôi không phải là nhà lãnh đạo tinh thần của Huawei. Tôi chỉ là một thủ lĩnh bù nhìn”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. Ông nói rằng tập đoàn được lãnh đạo bởi 3 chủ tịch luân phiên.

“Tôi chỉ đóng một vai trò tượng trưng, giống như bức tượng đất sét trong một ngôi đền. Nếu không có nó, ngôi đền sẽ trống rỗng, nhưng thật ra bức tượng không làm gì cả. Tôi không có tác động thực sự nào ở Huawei”, ông Nhậm Chính Phi nói.

Những đóng góp của ông Nhậm cho Huawei, theo ông, chủ yếu liên quan đến nghiên cứu khoa học và sự liên tục sản xuất.

Giải thích lý do vì sao trong quá khứ ông không nhận lời tham dự các buổi phỏng vấn để quảng bá cho Huawei, ông Nhậm nói rằng sự sống còn của công ty không nằm ở những buổi phỏng vấn, nó liên quan đến rất nhiều vấn đề. “Tôi đã chú trọng giải quyết các vấn đề nội bộ. Sự đóng góp của tôi là giúp công ty duy trì sức mạnh trong thời điểm khó khăn”.

Bạn ông Nhậm nói rằng ông ấy rất quan tâm đến người xung quanh. Ảnh: REUTERS
Bạn ông Nhậm nói rằng ông ấy rất quan tâm đến người xung quanh. Ảnh: REUTERS

Lớn lên tại một thị trấn miền núi thuộc một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc (Quý Châu), ông Nhậm đã quá quen với nghịch cảnh.

Là con trai của một giáo viên, ông đã sống sót sau nạn đói lớn của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 1958 đến 1961. Ông gia nhập Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) vào năm 1974 – thời điểm Trung Quốc tiến hành “cách mạng văn hóa”. Ông nói đây là “sự lựa chọn tốt nhất” trong thời kỳ khó khăn khi hàng triệu người bị tước đi quyền được học tập.

Bốn năm sau, ông Nhậm Chính Phi gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi được lựa chọn tham dự Hội nghị Khoa học Quốc gia nhờ sáng chế ra công cụ thử nghiệm thiết bị tiên tiến tại nhà máy sợi.

“Bây giờ nhìn lại, chúng tôi giống như những người lao động nhập cư”, ông Nhậm nói về việc làm tại nhà máy sợi. “Quân đội không có nhiều nhân viên kỹ thuật. Những người lính như tôi đã được cử tới làm việc ở nhà máy sợi”.

Sau khi xuất ngũ vào năm 1987, ông đã xây dựng đế chế Huawei với vốn khởi điểm 21.000 Nhân dân tệ. Trách nhiệm có từ thời quân ngũ đã được ông áp dụng cho việc xây dựng nền văn hóa Huawei.

Ý thức trách nhiệm này là lý do tại sao các kỹ sư của Huawei đã vội vã góp sức cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Vấn Xuyên thuộc tỉnh Tứ Xuyên vào năm 2008, hay trận động đất Tohoku ở Fukushima (Nhật Bản) vào năm 2011. Gần đây nhất, họ cũng giúp triển khai hạ tầng 5G cho các bệnh viện điều trị virus Corona ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc.

“Là một công ty truyền thông, chúng tôi có trách nhiệm tham gia mọi nỗ lực cứu trợ trên khắp thế giới”, ông Nhậm nói trong cuộc phỏng vấn với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. “Khi có trường hợp khẩn cấp, chúng tôi không còn là một công ty nữa mà trở thành một đội lính cứu hỏa. Đôi khi chúng tôi được trả tiền, đôi khi không”.

Ông Tian Tao, một cố vấn làm việc tại Hội đồng Tư vấn Quốc tế của Huawei, người đã làm bạn với ông Nhậm trong 20 năm, nói rằng ông Nhậm Chính Phi giống như anh chàng mơ mộng Don Quixote – người nỗ lực làm những điều không thể.

Vào thời điểm ông Nhậm thành lập Huawei, ông ở chung trong một căn phòng nhỏ rộng khoảng 10 mét vuông với bố mẹ và cháu trai. Không gian bị hạn chế đến mức họ phải nấu ăn ngoài ban công, ông tự thuật trong một bài báo năm 2001.

Thiếu vốn sở hữu và không được tiếp cận với các khoản vay từ các ngân hàng quốc doanh, công ty thậm chí không thể trả tiền lương cho nhân viên của mình. Thay vào đó, nhân viên đã được trả bằng cổ phiếu và lời hứa về cổ tức, mở đường cho chính sách cổ phần nhân viên độc đáo của Huawei ngày nay (mỗi nhân viên đều là cổ đông của công ty).

“Tuy nhiên, ngay cả khi gặp rất nhiều khó khăn, khi công ty chưa đầy 5 tuổi, ông Nhậm nói với nhân viên rằng Huawei sẽ là một trong ba công ty viễn thông lớn trên thế giới trong 20 năm”, ông Tian Tao kể lại.

Tham vọng này cuối cùng đã thành hiện thực, mặc dù ông Nhậm đã phải trả giá đắt.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp