Chuyện chưa biết về Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Tiếp theo và hết)

15:10 | 14/05/2019

1,138 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiều người vẫn cho rằng, để phục hồi sản xuất Nhà máy Xơ sợi (NMXS) Đình Vũ là điều không tưởng. Nhưng những người trong cuộc mới thấm thía rằng, không phải những điều kiện ngặt nghèo từ phía đối tác, nguồn vốn kinh doanh, kỹ thuật, mà khó nhất là... lòng người.    

“Tâm” và “trí” của người trong cuộc

Người viết bài này vẫn nhớ những ngày đầu tiên tuyển dụng nhân sự cho NMXS Đình Vũ, hàng trăm khuôn mặt trẻ trung và tự tin hăng hái ứng tuyển làm người dầu khí trên bán đảo Đình Vũ. Hơn 50 kỹ sư trúng tuyển đều là những sinh viên giỏi được đưa đi đào tạo dài hạn tại Trường Cao đẳng Dầu khí tại thành phố Vũng Tàu. Tại đây, các em được đào tạo chuyên sâu về các ngành nghề như cơ khí, tự động hóa, hóa dầu… theo chương trình của Tổng thầu EPC dự án. Đặc biệt, một nhóm chuyên viên có kinh nghiệm và trình độ cao trong ngành Dầu khí được tuyển chọn sang làm việc tại Hàn Quốc hơn 2 năm để chuyển giao công nghệ (Đội PMT). Đó là chưa kể đến gần 300 công nhân vận hành cũng được đào tạo nâng cao chuyên môn hơn 1 năm.

chuyen chua biet ve nha may xo soi dinh vu tiep theo va het
PVTEX ký kết hợp đồng mua bán sợi DTY năm 2018

Toàn bộ kỹ sư vận hành sau khi hoàn tất chương trình học tại Vũng Tàu được chia nhỏ thành từng tốp để đi đào tạo tại một số nhà máy sản xuất xơ sợi ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Còn các công nhân vận hành sau khi hoàn tất nâng cao tay nghề được điều về làm quen với thiết bị máy móc và dây chuyền sản xuất ngay trên công trường NMXS Đình Vũ.

Thiết tưởng với kế hoạch bài bản và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự thì việc vận hành NMXS Đình Vũ chắc chắn sẽ dễ dàng, nhưng thực tế cách rất xa những mong muốn của những người làm ra kế hoạch.

Hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân PVTEX vẫn vững một niềm tin rằng, vượt qua những khó khăn trước mắt, rồi đây NMXS Đình Vũ sẽ tiếp tục vận hành hiệu quả, khẳng định giá trị trong chuỗi giá trị của ngành dệt may Việt Nam.

Cần nói thêm, tại Việt Nam không có bất cứ một trường nào đào tạo nghề vận hành máy móc thiết bị sản xuất xơ sợi tổng hợp. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị tuyển dụng nhân sự, PVTEX đã liên hệ với Nhà máy Sợi Formosa Đồng Nai đề nghị hợp tác đào tạo nhân sự (có trả phí). Nhưng Formosa từ chối thẳng thừng với lý do nhà máy của họ có dây chuyền sản xuất theo công nghệ bản quyền. Thậm chí PVTEX đề nghị được tham quan nhà máy, họ cũng không đồng ý. Thực ra sự từ chối của Nhà máy Sợi Formosa cũng dễ hiểu bởi, chẳng ai lại đi dạy nghề, truyền kinh nghiệm cho một doanh nghiệp khác sẽ trở thành “đối thủ” cạnh tranh với mình trên thương trường.

Không thể hợp tác với Formosa, PVTEX đành phải tìm kiếm các đối tác khác ở nước ngoài với chi phí đào tạo cao hơn rất nhiều. Đặc biệt, các cơ sở ở nước ngoài không nhận dạy số lượng học viên lớn mà chỉ đồng ý dạy các nhóm nhỏ. PVTEX phải chia nhỏ đội ngũ kỹ sư vận hành để đi học, nhưng chỉ được học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ được phép “đứng nhìn” công nhân của họ làm việc. Ai nhanh tay nhanh mắt mới có thể học lỏm được đôi chút những thao tác phức tạp trên máy đánh xơ, kéo sợi.

Gian nan và khó khăn là thế, nhưng ngay từ ngày đầu tiên vận hành nhà máy, anh em kỹ sư, công nhân của PVTEX đã hăng hái bắt tay ngay vào việc. Nhiều người còn nhớ đêm đầu tiên vận hành toàn bộ nhà máy, dù hệ thống điều hòa, thông gió chạy hết tốc lực nhưng cả trăm con người mồ hôi nhễ nhại, không thiếu kỹ sư, công nhân bị bỏng nhẹ do hơi nước và dòng melt (hỗn hợp polyester) bị lỗi, bung ra từ lỗ tạo xơ… Ấy vậy nhưng mọi người vẫn thay phiên nhau “đánh vật” với máy đánh xơ, cắt sợi cả đêm không nghỉ một phút nào. Có nhiều khi anh em công nhân còn phải tăng ca gấp đôi do đường vào Đình Vũ bị tắc, xe chở công nhân không thể vào đổi ca... Những ngày đó, nhìn các kỹ sư, công nhân người nào người nấy phờ phạc vì phải làm liên tục đến 16 tiếng đồng hồ, không ai không khỏi thương cảm!...

Sở dĩ người viết bài này kể dài dòng một chút để bạn đọc có thể cảm nhận được về những gian nan của những ai từng làm việc tại nhà máy xơ sợi đầu tiên của Việt Nam. Nhưng cũng chính vì gian nan và nhiều kỷ niệm như thế mà ấn tượng và tình cảm của những con người trong “đại gia đình PVTEX” cực kỳ sâu sắc. Ngày nay, ai đến với PVTEX, chỉ cần hỏi bất cứ một ai thì anh em cũng có thể kể vanh vách về những kỹ sư nào đang công tác ở doanh nghiệp khác với mức lương hàng nghìn USD, nhưng khi được PVTEX gọi về là lại hào hứng quay lại làm việc dù biết trước rằng thu nhập sẽ giảm tới hơn nửa, gia đình sẽ khó khăn. Đó là chưa kể đến những “điều ong tiếng ve”, những lời đồn thổi ác ý luôn bủa vây hòng dập tắt ý chí của những người dầu khí thực thụ đang ngày đêm nỗ lực khôi phục lại sản xuất của NMXS Đình Vũ. Rồi những câu chuyện về những lãnh đạo chấp nhận giảm tới 50% lương, mất toàn bộ thưởng, rời xa cả gia đình khi phải điều chuyển đến hỗ trợ PVTEX vượt khó…

chuyen chua biet ve nha may xo soi dinh vu tiep theo va het
Kỹ sư PVTEX kiểm tra chất lượng cơ lý sợi DTY ngay tại nhà máy

Đến hôm nay, thời thế đã khác. Hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân PVTEX vẫn vững một niềm tin rằng, vượt qua những khó khăn trước mắt, rồi đây NMXS Đình Vũ sẽ tiếp tục vận hành hiệu quả, khẳng định giá trị trong chuỗi giá trị của ngành dệt may Việt Nam. Bất luận cái kết của số phận NMXS Đình Vũ thế nào, lòng người vẫn ở lại.

Những ai từng ra đi từ cái bán đảo đầy sình lầy sú vẹt Đình Vũ hoặc đến nay vẫn đang ở lại vật lộn từng ngày tìm lối thoát cho nhà máy đều có quyền tự hào về những năm tháng từng cống hiến và phấn đấu không ngừng cho một lĩnh vực quan trọng của ngành Dầu khí, ngành Dệt may Việt Nam.

Thay lời kết

Có thể thấy rằng, những điều chưa biết về nhà máy xơ sợi tổng hợp đầu tiên của Việt Nam không phải là những khuất tất, tiêu cực, mà trong đó chất chứa tình cảm sâu lắng, những vất vả, mồ hôi, nước mắt của những người dầu khí chân chính. Bất cứ một doanh nghiệp, một nhà máy sản xuất công nghiệp nào muốn trưởng thành, kinh doanh hiệu quả đều cần thời gian và kinh nghiệm, đặc biệt là sự nỗ lực, cống hiến của đội ngũ lãnh đạo, công nhân. Từ ý tưởng đến hiện thực là cả một quá trình đòi hỏi sự cảm thông và đồng lòng của nhiều người.

Chợt nhớ đến lời của chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan: “Doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn”. Câu nói này ẩn chứa hai ý nghĩa, về nghĩa đen ai cũng hiểu và dễ chứng minh bởi đã có hàng loạt thống kê về mức độ và sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong hàng chục năm qua. Nhưng điều sâu sắc nằm ở nghĩa bóng, đó là đất nước ta cần có một môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, các doanh nghiệp có đủ điều kiện thuận lợi để có động lực vượt lên, trưởng thành và lớn mạnh.

chuyen chua biet ve nha may xo soi dinh vu tiep theo va het Chuyện chưa biết về Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Kỳ II)
chuyen chua biet ve nha may xo soi dinh vu tiep theo va het Chuyện chưa biết về Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Thành Công