Chủ đầu tư “om” tiền quỹ bảo trì
“Om” quỹ bảo trì chung cư
Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành một loạt kết luận thanh tra tại 15 chung cư trên địa bàn TP Hà Nội. Đáng chú ý, các kết luận chỉ ra những vi phạm, tồn tại trong lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu nhà chung cư.
Tham khảo các văn bản trên (15 kết luận thanh tra), PV nhận thấy Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện vi phạm và yêu cầu và các chủ đầu tư khắc phục các vi phạm bằng cách chuyển trả cho Ban quản trị nhà chung cư các khoản phí bảo trì đã thu.
Theo thống kê, số tiền 250 tỷ đồng tiền phí bảo trì đã được chuyển trả cho các Ban quản trị chung cư. Đồng thời có 7 chủ đầu tư bị xử phạt hành chính và phải tháo dỡ các phần lấn chiếm để trả lại cho cư dân.
![]() |
Cư dân căng băng rôn, đòi quỹ bảo trì ở Hà Nội không còn là câu chuyện mới. |
Theo một trong các kết luận thanh tra, tại dự án nhà chung cư Riverside Garden, 349 Vũ Tông Phan, chủ đầu tư dự án - liên danh Công ty CP Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty CP Tập đoàn VIDEC - dù đã thu đủ 24,2 tỉ đồng quỹ bảo trì của cư dân nhưng chỉ bàn giao cho Ban quản trị chung cư 11 tỉ đồng. Thanh tra Bộ Xây dựng đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư 275 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Tập đoàn VIDEC quyết toán, bàn giao nốt 13,2 tỉ đồng quỹ bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư.
Tại 4 tòa nhà CT1, CT2A, CT2B và CT3 - Gelexia Riverside, thuộc dự án xây dựng khu nhà ở quận Hoàng Mai, Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam và các tổ chức, cá nhân liên quan đã bàn giao thiếu quỹ bảo trì 4 tòa nhà chung cư. Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư dự án, yêu cầu Ban quản trị 4 tòa nhà CT1, CT2A, CT2B và CT3 - Gelexia Riverside phải lập hồ sơ quyết toán quỹ bảo trì chung cư, chuyển giao hết quỹ bảo trì theo quy định cho Ban quản trị các tòa nhà quản lý, sử dụng.
Tại các tòa nhà chung cư F, G, H, K, L thuộc tổ hợp chung cư cao tầng hỗn hợp nhà ở HH02, khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện dù đã bàn giao chung cư cho cư dân từ năm 2018 nhưng đến nay Công ty CP đầu tư và xây dựng Xuân Mai vẫn chưa bàn giao khoảng 35,1 tỉ đồng quỹ bảo trì. Thậm chí, tới khi cơ quan thanh tra vào cuộc, chủ đầu tư 5 tòa nhà mới tổ chức hội nghị nhà chung cư để lập ra ban quản trị.
Cần phải nhắc lại, trước thời điểm thanh tra, cư dân tại nhiều chung cư đã nhiều lần có đơn thư, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan chức năng, báo chí về việc chủ đầu tư có dấu hiệu “om” quỹ bảo trì chung cư.
Ngăn chặn “om” quỹ bảo trì
Ngày 26/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP (NĐ30) về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Đáng chú ý, một loạt nội dung mới trong Nghị định 30 sẽ chấm dứt tình trạng tranh chấp chung cư liên quan tới việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì.
Theo đó, Nghị định 30 không quy định người mua nhà nộp tiền quỹ bảo trì cho chủ đầu tư. Trước khi ký hợp đồng mua bán nhà, chủ đầu tư phải lập một tài khoản quỹ bảo trì chung cư tại tổ chức tín dụng địa phương, tiền quỹ bảo trì người dân đóng được chuyển thẳng vào tài khoản quỹ bảo trì.
Thứ hai, Nghị định 30 cũng quy định tổ chức tín dụng không được chuyển tiền quỹ bảo trì cho chủ đầu tư. Khi ban quản trị được thành lập và có văn bản yêu cầu thì tổ chức tín dụng phải chuyển quỹ bảo trì cho ban quản trị, không có ý kiến của chủ đầu tư cũng phải chuyển cùng với lãi suất.
Đồng thuận với quy định mới, nhiều cư dân cho rằng, đây sẽ là giải pháp hạn chế tận gốc các hành vi biểu tình, đấu tranh của cư dân, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho các chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Xuân Hinh
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025