Chống chuyển giá vẫn khó!
Lỗ vẫn mở rộng sản xuất
Tại hội thảo phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước trong kiểm soát hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do Cục Thuế TP HCM tổ chức ngày 28-2, TS Nguyễn Văn Nghệ, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân đánh giá, DN FDI có đóng góp lớn vào thành tựu tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, góp phần giải quyết việc làm. Tuy nhiên, khu vực này cũng bộc lộ một số vấn đề, đặc biệt là tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, tác động không tốt đến môi trường đầu tư của nước ta.
Báo cáo thường niên DN Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, trong 3 loại hình DN hoạt động ở nước ta, khối FDI có tỷ lệ thua lỗ luôn cao nhất, có thời điểm lên đến 51% (năm 2008), trong 3 năm 2012-2014 xấp xỉ 48%. Một điều bất hợp lý là dù thua lỗ liên tục nhưng DN FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, trong khi DN FDI kêu lỗ thì hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề lại có lãi.
![]() |
Coca-Cola Việt Nam nhiều năm liền bị đặt nghi vấn chuyển giá |
Th.S Tạ Chu Uyên Nguyên, Phó trưởng phòng Quản lý DN, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM cho biết, theo thống kê gần đây nhất thì tình trạng kê khai lỗ kinh doanh của các DN FDI tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM tương đối lớn. Trong 3 năm 2013-2015 là khoảng 31,4%. Tỷ lệ DN FDI kê khai lỗ và có số lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ chiếm khoảng 15,8% trong tổng số các DN đang hoạt động.
Thực tế đó đặt ra câu hỏi, tình trạng lỗ này là lỗ thật hay là lỗ do chuyển giá để trốn thuế? Và kết quả thanh tra chuyển giá của cơ quan thuế đã làm rõ điều này. Năm 2014, ngành thuế cả nước đã tiến hành thanh kiểm tra ở 2.077 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết, kết quả đã giảm lỗ hơn 5.400 tỉ đồng. Năm 2015, kiểm tra 4.751 DN và đã giảm lỗ hơn 10.000 tỉ đồng. Riêng vụ Metro Cash và Carry chuyển giá sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam, ngành thuế đã truy thu hơn 507 tỉ đồng.
Khó truy thu thuế
Các nghi án chuyển giá của DN FDI rất nhiều, nhưng để có chứng cứ xác minh điều này là một vấn đề cực kỳ khó khăn, bởi cơ quan thuế chỉ đưa ra kết luận khi thu thập được thông tin đầy đủ và toàn diện về các hoạt động thật của DN cũng như của bên thứ ba (DN độc lập). Nhưng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trung bình một vụ thanh tra chống chuyển giá thường mất khoảng 1 năm do phải thu thập khá nhiều thông tin, dữ liệu chi tiết. Điều này còn khó khăn và kéo dài hơn đối với ngành thuế nước ta trong điều kiện còn thiếu cơ sở dữ liệu và ít kinh nghiệm về lĩnh vực này.
![]() |
Việc chuyển giá của Metro Việt Nam là một trong những vụ lớn được phanh phui trước dư luận |
Ông Thomas McClelland, chuyên gia thuế Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam cho rằng: “Khó khăn của cơ quan thuế tại Việt Nam trong thực hiện kiểm soát về chuyển giá bắt nguồn từ sự kém hiểu biết về hoạt động chuyển giá và sự thiếu dữ liệu trong những giao dịch chuyển giá của các DN FDI”.
Nghi án chuyển giá của Coca-Cola Việt Nam đã nhiều lần được đặt ra và cũng đã được cơ quan thuế vào cuộc thanh kiểm tra nhưng kết quả cuối cùng vẫn đi vào “ngõ cụt”.
Cụ thể, từ 2007-2010, tổng doanh thu của Coca-Cola Việt Nam tăng gấp 2,5 lần, một con số ấn tượng từ khoảng 1.000 tỉ đồng lên 2.500 tỉ đồng và liên tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước ta. Thế nhưng, chi phí của DN này theo báo cáo cũng tăng gấp 3 lần. Dẫn đến việc thua lỗ kéo dài trong hơn chục năm, thậm chí lỗ thâm vào vốn tự có, khiến Coca-Cola gần như chưa phải đóng bất kỳ đồng thuế thu nhập DN nào cho ngân sách Nhà nước. So sánh với Công ty Nước giải khát Chương Dương, dù chỉ còn thị phần ở 2 sản phẩm là soda chai và nước xá xị, doanh thu của công ty này năm 2011 là 422 tỉ đồng, lợi nhuận trên 30 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 7,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi đấu tranh với Coca-Cola Việt Nam ngành thuế đành “ngậm ngùi” vì không tìm ra được bằng chứng. Ông Phan Phùng Hưng, Phòng Thanh tra Giá chuyển nhượng, Cục Thuế TP HCM cho biết: Dù đã soi xét rất kỹ báo cáo tài chính của công ty nhưng việc chứng minh có chuyển giá hay không lại hết sức phức tạp do không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các DN khác cùng ngành nghề. Bởi Coca-Cola Việt Nam lấy lý do nguyên liệu do công ty mẹ độc quyền cung cấp nên không thể lấy chi phí nguyên phụ liệu của DN Việt Nam khác cùng ngành nghề đem ra so sánh.
Trước tình hình này, Cục Thuế TP HCM cho rằng, nếu một DN đầu tư vào Việt Nam mà lỗ mất vốn đầu tư ban đầu có còn cơ sở pháp lý để tồn tại ở Việt Nam hay không song vẫn chưa được trả lời. Vì vậy, đến nay chuyện có hay không vấn đề chuyển giá của Coca-Cola Việt Nam vẫn còn là một nghi vấn.
Theo ông Hưng, muốn chống được chuyển giá thì phải có biện pháp để tìm ra bằng chứng thì mới truy thu được. Để làm điều này đòi hỏi phải tiếp cận được với những số liệu mà công ty mẹ báo cáo với nước chủ nhà và lấy đó phân tích, đối chiếu với những số liệu của chi nhánh hoạt động ở Việt Nam để phát hiện ra những lỗ hổng như nâng giá đầu vào, dìm giá sản phẩm đầu ra, phân bổ những chi phí không phù hợp về quảng cáo, quản trị để tạo ra tình trạng thua lỗ nhiều năm. Nhưng khó ở chỗ là không có cơ quan nào để cung cấp những thông tin đó vì thông thường cơ quan thuế các nước cũng phải bảo vệ DN của họ. Do đó, việc thu thập thông tin để chứng minh các DN có liên kết đã là khó thì việc thu thập thông tin chứng minh DN FDI có hoạt động chuyển giá còn khó khăn hơn gấp bội.
Để tăng cường chống chuyển giá, thời gian gần đây các chính sách quản lý thuế liên quan đã có nhiều thay đổi tích cực cả về pháp lý lẫn thực tế ứng dụng. Mới đây, Tổng cục Thuế đã chính thức thành lập phòng thanh tra giá chuyển nhượng. Đồng thời, lực lượng thanh tra giá chuyển nhượng cũng được thành lập tại 4 cục thuế địa phương có nhiều rủi ro liên quan đến giá chuyển nhượng như: Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, dù có nhiều nỗ lực nhưng việc chống chuyển giá vẫn là một khâu rất yếu của ngành thuế bởi nhiều yếu tố. Như khuôn khổ pháp lý vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Sắp tới chỉ mới ban hành được nghị định về cách xử lý chuyển giá mà vẫn chưa có được cấp pháp lý cao nhất là Luật Chống chuyển giá; Cơ quan thuế từ cấp tổng cục đến cơ quan thuế cấp tỉnh, thành phố vẫn chưa được trao quyền điều tra; Hệ thống thông tin, dữ liệu về người, DN nộp thuế vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Để hoạt động chống chuyển giá hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu thông tin về DN FDI trong các cơ quan chức năng để có sự phối hợp đồng bộ; tăng mức phạt và xem xét công khai DN vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách để hình thành lực lượng cán bộ có kiến thức đủ tầm, có thể đấu tranh hiệu quả với các hình thức, phương thức chuyển giá rất tinh vi, phức tạp ở các DN.
Mai Phương
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng