Chính sách thuế không được bóp nghẹt sự phát triển của thương mại điện tử

21:37 | 12/05/2019

238 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Kinh tế số đang được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai và ngày càng phát triển so với kinh doanh truyền thống. Do vậy, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong hệ thống thuế chính sách cần đảm bảo tính công bằng và trung lập, không bóp nghẹt sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) và không tạo ra sự bất lợi đối với doanh nghiệp truyền thống.

Tại Việt Nam, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử (TMĐT).

Tuy không phải là loại hình kinh doanh quá mới, nhưng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, TMĐT đang ngày càng thay đổi mạnh mẽ tại các quốc gia trên thế giới và đặt các cơ quan quản lý trước sự lựa chọn thay đổi phương thức quản lý.

chinh sach thue khong duoc bop nghet su phat trien cua thuong mai dien tu
(Ảnh minh họa)

Dù đã có những nỗ lực không thể phủ nhận của cơ quan quản lý trong quản lý hoạt động hết sức mới mẻ và sôi động này, tuy nhiên do nhiều lý do, hoạt động kinh doanh TMĐT vẫn còn một số tồn tại.

Hiện nay, với tỷ lệ trên 90% là hóa đơn giấy, gần 10% là hóa đơn điện tử nhưng chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế nên công tác quản lý thuế gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong công tác quản lý kê khai.

Bên cạnh đó, khó khăn trong việc xác định được đúng bản chất giao dịch để đánh thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ cũng là một thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý.

Quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube…

Các doanh nghiệp và cá nhân trên đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số doanh nghiệp có doanh thu hàng năm hàng trăm tỷ đồng, các cá nhân có phát sinh thu nhập hàng năm hàng chục tỷ đồng và các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có một số doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế, số còn lại là các nhà thầu nước ngoài, cá nhân có phát sinh thu nhập nhưng vẫn chưa kê khai nộp thuế…

Những khó khăn này đặt cơ quan quản lý trước nhiều thách thức và việc tìm ra cơ chế quản lý để vừa tạo thuận lợi cho hoạt động TMĐT vừa không làm xói mòn, thất thu thuế là vấn đề không dễ để dung hòa.

Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, để khắc phục những khó khăn trong quản lý thuế với kinh doanh thương mại điện tử, về chính sách, ngành thuế đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của các Luật thuế (như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế xuất nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành) để đảm bảo bao quát được hết các đối tượng và các hình thức kinh doanh TMĐT phát sinh tại Việt Nam.

Dưới góc độ là chuyên gia cao cấp về thuế của WB, ông Jonathan Leigh Pemberton cho rằng, kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai và ngày càng phát triển so với kinh doanh truyền thống. Do vậy, trong hệ thống thuế chính sách cần đảm bảo tính công bằng và trung lập, không bóp nghẹt sự phát triển của TMĐT và không tạo ra sự bất lợi đối với doanh nghiệp truyền thống.

Về vấn đề này, ông Phạm Đạt - Giám đốc Công ty Fado (kinh doanh trên Amazon) đề nghị, cơ quan thuế phải làm thế nào để các doanh nghiệp có thể thuận lợi trong việc tuân thủ các chính sách vì nếu chính sách tốt mà việc tuân thủ khó khăn thì sẽ trở thành rào cản cho nền kinh tế số.

“Cơ quan thuế nên xem người nộp thuế là khách hàng của mình, để khách hàng đem tiền đóng góp vào ngân sách, thay vì doanh nghiệp hiện nay đang tìm cách trốn tránh việc nộp thuế vì chi phí tuân thủ cao và không biết làm cách nào để đóng thuế thì sẽ phát sinh kinh tế ngầm, khi đó không những thất thu thuế mà quan trọng là chúng ta không thống kê được giao dịch nên chính sách đưa ra không chính xác”, ông Đạt nói.

M.L

chinh sach thue khong duoc bop nghet su phat trien cua thuong mai dien tuCó đại gia “chống lưng”, Tiki lỗ cả nghìn tỷ đồng trong cuộc đua “đốt tiền”
chinh sach thue khong duoc bop nghet su phat trien cua thuong mai dien tuCam kết "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử"
chinh sach thue khong duoc bop nghet su phat trien cua thuong mai dien tuBộ Công Thương hợp tác với Amazon thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa