Chính phủ điện tử: Làm sao để người dân, doanh nghiệp sử dụng được mới quan trọng

09:04 | 27/04/2019

260 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, các cơ quan đang chú trọng và đo lường Chính phủ điện tử từ bên ngoài, như mức độ đầu tư, phần mềm cho ứng dụng công nghệ, là chính, trong khi làm sao để người dân, doanh nghiệp sử dụng được mới quan trọng.

Theo kết quả đánh giá và xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 do Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và IPS (Hội Truyền thông số Việt Nam) phối hợp thực hiện, chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí top đầu, Bộ Công Thương vươn lên vị trí thứ 2, được coi là có tiến bộ vượt bậc so với vị trí thứ 17 của năm 2017. Đứng thứ 3 trong danh sách này là Bộ Thông tin và Truyền thông.

chinh phu dien tu lam sao de nguoi dan doanh nghiep su dung duoc moi quan trong
Người dân làm thủ tục qua hệ thống điện tử

Trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục dẫn đầu, vị trí thứ 2 và 3 của 2 năm gần đây được hoán đổi giữa Thông tấn xã Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.

Đối với các tỉnh, thành phố, Đà Nẵng và Huế tiếp tục chia nhau hai vị trí đầu của bảng xếp hạng dù điểm số xếp hạng đều đồng thời tăng. Cụ thể, năm 2018, vị trí số 1 thuộc về Đà Nẵng, vị trí thứ 2 là của Thừa Thiên Huế, ngược với năm 2017.

Đánh giá về những kết quả trên, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS cho biết, năm 2017 số lượng dịch vụ công trực tuyến cấp 3, cấp 4 khá nhiều nhưng số lượng các hồ sơ có giao dịch khá hạn chế. Năm 2018, tình hình chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ giao dịch đúng hạn cũng khá cao, đạt trên 90%. Số lượng thủ tục hành chính được đưa qua hệ thống thông tin một cửa cũng tăng lên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 6 kênh kết nối chính để thực hiện thủ tục văn bản, như vậy vẫn còn khá rườm rà, phức tạp cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, các cơ quan đang chú trọng và đo lường Chính phủ điện tử từ bên ngoài, như mức độ đầu tư, phần mềm cho ứng dụng công nghệ, là chính, trong khi làm sao để người dân, doanh nghiệp sử dụng được mới quan trọng. Địa phương có đầu tư công nghệ thông tin, có website nhưng lại không tương tác được với người dân, người dân không sử dụng dịch vụ trực tuyến thì coi như thất bại.

Chính phủ điện tử thực hiện 2 chức năng chính là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và thực hiện chức năng tương tác, trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân, trong đó, cung cấp thông tin về các hoạt động của chính quyền và kênh giao tiếp trực tuyến giữa chính quyền và người dân. Như vậy, 2 yêu cầu chính đối với Chính phủ điện tử là dịch vụ công trực tuyến phải đạt hiệu quả, và chất lượng; giúp giảm chi phí, giảm thời gian giao dịch.

Và điều quan trọng nhất mà Chính phủ điện tử hướng đến là giảm cơ hội tham nhũng, vòi vĩnh (của cán bộ thực hiện giao dịch hành chính); nâng cao tính minh bạch. Đồng thời, việc cung cấp thông tin cho người dân đạt hiệu quả; tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước.

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã có sự phát triển về công nghệ thông tin, nhưng không có nhiều sự đột phá. Một trong những bất cập lớn nhất khi xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam hiện nay là người dân thiếu thông tin về Chính phủ điện tử và hành chính công.

Người dân sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… nhưng chưa thực sự cảm thấy tin tưởng khi chia sẻ những thông tin cá nhân với các cơ quan hành chính do lo ngại về sự bảo mật thông tin. Vì thế, để xây dựng Chính phủ điện tử thành công, điều quan trọng nhất là xây dựng lòng tin của người dân đối với Chính phủ và sử dụng các sản phẩm của Chính phủ điện tử. Muốn vậy thì các cơ quan hành chính công phải bảo đảm cung cấp thông tin minh bạch, cán bộ công quyền cởi mở hơn và sẵn sàng cùng tham gia, giúp đỡ người dân khi sử dụng các dịch vụ này.

chinh phu dien tu lam sao de nguoi dan doanh nghiep su dung duoc moi quan trongĐẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo
chinh phu dien tu lam sao de nguoi dan doanh nghiep su dung duoc moi quan trong95% các hồ sơ xuất nhập khẩu được xử lý qua cấp phép điện tử
chinh phu dien tu lam sao de nguoi dan doanh nghiep su dung duoc moi quan trongBộ Công Thương tăng tốc triển khai chính phủ điện tử

Lê Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc