Chiến trường Syria căng như dây đàn

17:29 | 15/02/2020

2,432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong nhiều ngày qua, quân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria được Nga hậu thuẫn đã và đang đụng độ nhau dữ dội tại tỉnh Idlib, đông bắc Syria, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là căn cứ cuối cùng của phe nổi dậy và quân thánh chiến chống chính quyền Damas nhưng được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ.
chien truong syria cang nhu day dan
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Ít nhất 5 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng ngày 10/2 khi pháo binh Syria đánh vào tiền đồn của họ ở phía tây bắc, theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người bị thương. Trong khi đó, phiến quân được hỗ trợ bởi pháo binh của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã tấn công các vị trí của chính phủ Syria. Các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng chính Syria là bên đầu tiên tấn công. Giao tranh giữa quân đội 2 nước, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, là phần mới nhất trong một chương mới đầy kịch tính của cuộc nội chiến ở Syria. Với tư cách trung gian, Nga đã ít nhiều kiềm chế được hai bên, sau khi Mỹ rút quân để lại khoảng trống quyền lực trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, mọi thứ sụp đổ vào tuần trước khi 8 người Thổ Nhĩ Kỳ bị giết trong các cuộc pháo kích của lực lượng Syria, dẫn đến một cuộc trả đũa lớn khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành không kích vào binh lính và căn cứ quân đội Syria. Các lực lượng trung thành với chính phủ Syria đang mở đợt tấn công nhằm chiếm lại thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở Syria.

Trước tình hình này, bất chấp mối quan hệ ngoại giao tương đối hữu hảo trong những năm gần đây giữa Moscow và Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/2 không giữ được bình tĩnh, đe dọa “tấn công chính quyền Damas khắp nơi” tại Syria cả trên không lẫn trên bộ, nếu thấy cần thiết trong trường hợp các vụ tấn công vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib tiếp diễn.

Tổng thống Erdogan còn cáo buộc Nga bắt tay với chế độ Damas “thảm sát” thường dân ở Idlib, cũng như tố cáo Nga không tôn trọng các cam kết. Bộ Ngoại giao Nga thông qua lời phát ngôn viên Maria Zakharova, ngay sau đó đã bác bỏ những cáo buộc đó, đồng thời cho rằng cả Moscow và Ankara đã có những “diễn giải khác biệt” về tình hình Idlib. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov thì tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ không làm gì để “vô hiệu hóa quân khủng bố ở Idlib”, dẫn đến tình trạng mà ông cho là không thể chấp nhận được. Bộ Quốc Phòng Nga quy trách nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng ở Idlib, tố cáo Ankara đã không thực hiện cam kết tách rời lực lượng ôn hòa chống chính quyền Damas với các nhóm khủng bố. Ngày 12/2, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói chuyện với ông Erdogan để xoa dịu tình hình ở Idlib và nói rằng điều quan trọng là thực thi đẩy đủ các thỏa thuận hiện nay giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara sợ các cuộc tấn công của Damas sẽ gây ra một làn sóng tỵ nạn mới, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận hơn 3,7 triệu người Syria. Thổ Nhĩ Kỳ nói nước này sẽ không nhận thêm người tị nạn nào từ Syria nữa. Các nhà quan sát quốc tế cảnh báo về một thảm họa nhân đạo lớn tại Syria. Các quan chức Liên Hợp Quốc cho biết có khoảng 700.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Idlib chỉ trong 2 tháng qua và bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, nỗi lo ngại về dòng người tị nạn sắp tràn sang biên giới ngày càng hiện hữu. "Đó hoàn toàn là một tình huống tồi tệ trong khu vực vào thời điểm này và không ai ở đây cảm thấy an toàn. Chúng tôi thực sự muốn toàn bộ thế giới hiểu rằng đây là một khủng hoảng trên quy mô vô cùng lớn", Mark Cutts - Phó điều phối nhân đạo khu vực tại Syria của Liên Hợp Quốc nhận định với kênh phát thanh của CBC vào tuần này. Trong số 17 triệu dân Syria, 5,5 triệu người vẫn đang sống tị nạn tại các nơi trong khu vực, hầu hết là ở Thổ Nhĩ Kỳ và 6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa để di tản đến các địa phương khác nhau tại Syria.

Sau khi rút quân vào tháng 10/2019, Mỹ không còn hiện diện quân sự đáng kể ở khu vực này. Một số lượng nhỏ binh lính Mỹ vẫn ở Syria song chỉ tập trung vào việc huấn luyện các nhóm người Kurd để chiến đấu chống lại IS và canh gác các mỏ dầu ở đông bắc Syria. Một số chuyên gia nhận định chính việc Mỹ rút quân vào năm ngoái đã mở ra cuộc xung đột hiện nay tại Syria.

Các nhà phân tích đánh giá cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng các chiến dịch quân sự tại đây và Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là nhân tố duy nhất đủ quyền lực và ảnh hưởng để ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện như vậy. "Việc Tổng thống Erdogan tấn công vào Syria hoàn toàn là vì những lý do cá nhân và không có cơ sở. Giờ đây, ông ta sẽ thấy dễ dàng hơn để bước vào thay vì bước ra khỏi cuộc xung đột này", cựu quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Michael Rubin, hiện là học giả tại Viện Doanh nhân Mỹ, người luôn theo sát tình hình khu vực nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ không muốn xung đột trực tiếp với Nga – nước hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad - ở Syria, bởi hai bên có quá nhiều lợi ích chung, trong đó có các đường ống dẫn nhiên liệu, một lò phản ứng hạt nhân đang được Nga xây dựng và sự “vắng bóng” của các đồng minh phương Tây sau nhiều tháng căng thẳng với NATO liên quan tới việc triển khai hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có lý do để can thiệp vào Syria, đó là nhằm trì hoãn một thảm họa nhân đạo ở Idlib. Làn sóng người Syria tị nạn đã khiến Tổng thống Erdogan phải trả cái giá chính trị trong các cuộc bầu cử nghị viện và thị trưởng, và Ankara không muốn tiếp tục phải trả giá thêm.

Tuy vậy, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Idlib cũng sẽ không thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria sau gần 9 năm rơi vào nội chiến. Những thông tin về điểm nóng Idlib đã khiến dư luận ít chú ý hơn tới nền kinh tế rệu rã ở các khu vực khác của Syria. Đồng bảng (pound) Syria đã bị mất giá từ mức 47 bảng/USD ở giai đoạn bắt đầu cuộc nội chiến năm 2011, xuống mức 1.200 bảng/USD hiện nay.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn còn tồn tại, chưa kể Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua thêm các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn nữa nhằm vào Syria, khiến tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Hàng trăm tỷ USD viện trợ tái thiết cũng chưa thể “chảy” vào Syria nếu không có ít nhất là sự tiến bộ về cải cách chính trị. Một ủy ban hiến pháp mà thành phần của nó đã mất tới nhiều năm đàm phán vẫn chưa đem lại những kết quả có ý nghĩa. Những yếu tố kể trên, cùng với việc thiếu nguồn tiền tái thiết, các biện pháp trừng phạt chặt chẽ từ bên ngoài dẫn tới bất ổn kinh tế trong nước sẽ khiến hòa bình lâu dài ở Syria vẫn còn là một chặng đường dài.

Ngoài ra, cả Israel và Mỹ cũng đều đang tiến hành các cuộc tấn công ở Syria. Ngày 13/2, lính Mỹ đọ súng với lực lượng ủng hộ chính phủ Syria khi tuần tra gần thành phố Qamishli và chỉ ngừng bắn khi binh sĩ Nga xuất hiện. "Lực lượng liên quân gặp chốt kiểm soát của nhóm dân quân thân chính phủ Syria khi tuần tra gần Qamishli, đông bắc Syria. Binh sĩ liên quân bị một số người chưa rõ danh tính tấn công bằng vũ khí cá nhân và nổ súng đáp trả để tự vệ", Myles Caggins, phát ngôn viên liên quân chống phiến quân IS do Mỹ dẫn đầu cho biết. Quân đội Mỹ cho biết đơn vị tuần tra trở về căn cứ an toàn sau khi tình hình hạ nhiệt, nhưng không cho biết thương vong của hai bên sau cuộc đấu súng.

chien truong syria cang nhu day danNga lên án các cuộc tấn công của Israel nhằm vào lãnh thổ Syria
chien truong syria cang nhu day danSyria giành lại thị trấn từng bị phiến quân dùng để hành quyết các binh sĩ SAA
chien truong syria cang nhu day dan60 tay súng bị tiêu diệt khi chuẩn bị tấn công quân đội Syria
chien truong syria cang nhu day danTrực thăng Syria bị phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bắn rơi?

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc