Chi phí đầu vào chèn ép DCM

11:31 | 14/03/2021

5,716 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Áp lực cạnh tranh thị trường phân bón dự báo sẽ gay gắt hơn, chi phí sản xuất tăng cao, khiến Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) phải giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Năm 2021, DCM dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt 7.839 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 197 tỷ đồng, cổ tức 5%. Như vậy, chỉ tiêu lợi nhuận của DCM trong năm nay thấp hơn tới 70,3% so với mức thực hiện trong năm ngoái.

Tổng nhu cầu phân bón của Việt Nam năm 2021 dự báo đạt 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Nguồn: FPTS
Tổng nhu cầu phân bón của Việt Nam năm 2021 dự báo đạt 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Nguồn: FPTS

Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh

Không riêng gì DCM mà các doanh nghiệp khác trong ngành phân bón đang hưởng lợi từ giá phân bón tăng cao trong thời gian gần đây. Giá phân urea đang được các nhà máy sản xuất và nhà nhập khẩu chào bán với giá 9.000 - 9.600 đồng/kg, tăng khoảng 2.100 đồng/kg so với tháng 11/2020 (tương ứng 2,1 triệu đồng/tấn). Giá phân urea đến tay nông dân đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Mặt hàng phân bón tăng giá mạnh nhất là DAP. Ở thị trường trong nước, giá DAP Trung Quốc (xanh) nhập khẩu đã tăng 5,1 triệu đồng/tấn, lên mức 15,5 triệu đồng/tấn; DAP Hàn Quốc tăng 2,7 triệu đồng/tấn, lên 15,5 triệu đồng/tấn.

Nhập khẩu phân bón các loại khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nguồn cung phân bón thế giới bị thắt chặt và tình trạng thiếu hụt container là nguyên nhân chính khiến giá phân bón DAP tăng cao. Hiện sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30 - 35% nhu cầu thị trường.

197 tỷ đồng là kế hoạch lãi ròng năm 2021 của DCM, giảm hơn 70% so với thực hiện năm 2019.

Theo Ban Lãnh đạo DCM, giá phân bón tăng cao từ cuối năm 2020 đến nay theo đà tăng của thế giới. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh gây áp lực lên giá bán. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phân bón cũng không được hưởng lợi nhiều do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.

Thách thức tăng trưởng

Theo Hiệp hội Phân bón thế giới, với tình hình thời tiết năm 2021 dự báo thuận lợi, cùng giá các loại nông sản đang ở mức cao, sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.

Tuy vậy, DCM nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất phân bón từ khí nói chung khó có thể cải thiện lợi nhuận theo đà tăng của giá bán cũng như nhu cầu tiêu thụ phân bón, bởi lẽ, giá khí đang tăng mạnh theo diễn giá của giá dầu thế giới. Đây sẽ là thách thức tăng trưởng rất lớn đối với DCM.

Theo SSI Research, trong năm 2020, giá urea giảm 15% nhưng vẫn thấp hơn mức giảm 33% của giá khí đã giúp các công ty sản xuất urea cải thiện lợi nhuận. Tuy nhiên trong năm 2021, giá bán bình quân phân urea sẽ tăng cùng với xu hướng tăng của giá khí, nhưng áp lực cạnh tranh trên thị trường phân bón cũng gay gắt hơn do nhập khẩu dự kiến tăng. Do đó, giá bán bình quân khó theo kịp đà tăng của nguyên liệu đầu vào. Đó cũng chính là lý do mà DCM đã phải điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Trước thực trạng này, các công ty phân bón đề xuất thay đổi quy định về thuế VAT với sản phẩm phân bón từ không chịu thuế sang chịu thuế VAT. Được biết quyết định này sẽ trông chờ vào sự chấp thuận của Bộ Tài chính và Quốc hội. Nếu phải chịu thuế VAT đầu vào, DCM nói riêng và các công ty sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, từ đó cải thiện biên lợi nhuận 2021.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp