Cảnh báo tiền giả và hình thức giả danh lừa đảo qua điện thoại

19:03 | 12/12/2021

367 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Công an TP HCM và Tổng công ty Điện lực TP HCM vừa đưa ra cảnh báo về tiền giả và hình thức lừa đảo qua điện thoại.
Cảnh báo tiền giả và hình thức giả danh lừa đảo qua điện thoại
Một số dấu hiệu nhận diện mẫu tiền giả mới xuất hiện trên thị trường.

Công an TP HCM thông tin, thời gian gần đây, trên thị trường hiện mới xuất hiện một số loại tiền giả có mệnh giá lớn 500.000 đồng và 200.000 đồng. Đặc điểm để nhận dạng tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng là tiền này in vần seri: DA, FC, PK, YF. Đối với tiền giả polymer mệnh giá 200.000 đồng thường in vần seri: EP, HW, HZ, IA, IW, JP, NM, OG, QQ, TQ, UI, YU, YX, ZW. Ngoài ra, các đối tượng in tiền giả vẫn in tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng và thường vần seri là PL.

Theo Công an TP HCM, các loại tiền giả mới này không làm giả được hình bóng chìm hoặc có nhưng không nhìn thấy khi soi ngược nguồn sáng, chỉ nhìn thấy hình ảnh mờ nhạt trên hai mặt dưới ánh sáng thường. Tiền giả sẽ có hình định vị không khớp khít, mực đổi màu được in cùng với hình ảnh, hoa văn mặt trước, không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật, mảng ký tự siêu nhỏ là những dải mực nhòe; cửa sổ lớn và cửa sổ nhỏ được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy theo hình cửa sổ và phủ lớp nylon trên toàn bộ hai mặt tờ tiền; khi soi dưới đèn cực tím thì nền giấy phát quang, seri dọc và seri ngang không phát quang.

Cùng với đó, các đối tượng in tiền giả chưa làm giả được các yếu tố bảo an như: Nét in nổi, hình bóng chìm, dây bảo hiểm, cụm số mệnh giá dập nổi trong cửa sổ lớn, hình ảnh ẩn trong cửa sổ nhỏ, IRIODIN và mực không màu phát quang... Với tiền giả polymer mệnh giá 50.000 đồng không nhìn thấy chữ “NH” nổi rõ như tiền thật, có làm giả dây bảo hiểm nhưng mờ nhạt, không nhìn được các ký tự là các số 50.000 trên dây.

Riêng seri PK của mệnh giá 500.000 đồng có làm giả nét in nổi tại vị trí cụm số mệnh giá nhỏ ở góc trên, bên trái, mặt sau tờ tiền bằng cách dùng vật sắc nhọn làm thủng, biến dạng nền giấy từ mặt trước ra mặt sau; khi soi dưới đèn cực tím, nhìn thấy cụm số in làm giả dập nổi phát quang nhưng cường độ yếu.

Người dân khi phát hiện tiền giả, cần báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, xử lý kịp thời.

Cảnh báo tiền giả và hình thức giả danh lừa đảo qua điện thoại
Các số điện thoại định danh đúng của Tổng công ty Điện lực TP HCM.

Trong khi đó, theo Tổng công ty Điện lực TP HCM, thời gian gần đây, trên địa bàn TP HCM, có gần 3.000 khách hàng sử dụng điện liên tục nhận được các cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực thông báo nợ tiền điện, dọa cắt điện nếu không thanh toán ngay, yêu cầu bấm số 9 để được gặp nhân viên điện lực tư vấn. Khi gặp người tự xưng là nhân viên điện lực, sẽ bị yêu cầu đóng tiền điện qua tài khoản của cá nhân để không bị cắt điện.

Trong đó có không ít các cuộc gọi cho khách hàng ở TP HCM nhưng thông báo nợ tiền điện ở các tỉnh thành khác. Đây đều là các cuộc gọi giả danh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP HCM.

Các số điện thoại mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là số nước ngoài; không nói đúng tên đơn vị điện lực quản lý địa chỉ sử dụng điện của chính khách hàng; thông báo nợ tiền điện, đe dọa cắt điện và yêu cầu thanh toán ngay; chuyển cuộc gọi cho nhân viên tư vấn hoặc công an (cũng là giả danh)…

Dấu hiệu nhận biết các cuộc gọi này là: số điện thoại không phải là điện thoại định danh của Tổng công ty Điện lực TP HCM (không có chữ EVNHCMC khi hiện số cuộc gọi); điện thoại gọi đến có số nước ngoài; không nói đúng tên đơn vị điện lực quản lý địa chỉ sử dụng điện của chính khách hàng; thông báo khách hàng nợ tiền điện, nhiều trường hợp báo nợ tiền điện ở các tỉnh thành khác dù khách hàng chỉ ở TP HCM hoặc ngược lại cũng có những cuộc gọi cho người dân ở các tỉnh thành thông báo nợ tiền điện tại TP HCM; thông báo nợ tiền điện, đe dọa cắt điện và yêu cầu thanh toán ngay; chuyển cuộc gọi cho nhân viên tư vấn hoặc công an (cũng là giả danh)…

Tổng công ty Điện lực TP HCM đã nhiều lần lên tiếng trên các phương tiện truyền thông, cảnh báo đến khách hàng sử dụng điện cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Trường hợp gặp các cuộc gọi nghi ngờ giả danh điện lực, khách hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân. Đặc biệt, trong mọi trường hợp, ngành điện khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu của mình; tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc thực hiện các yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, khách hàng cần thông báo ngay cho Tổng công ty Điện lực TP HCM qua Tổng đài 1900.545454 hoặc cơ quan công an các địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực TP HCM cũng đã gửi văn bản đề nghị Công an thành phố vào cuộc, điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các nhà mạng Viettel và Mobifone đưa vào sử dụng hệ thống định danh cuộc gọi (Voice Brandname) khi liên lạc với khách hàng. Theo đó, khi gọi điện, sẽ hiện trên điện thoại khách hàng tên định danh EVNHCMC. Với các nhà mạng khác, sẽ hiện số 0282.2201.155. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể yêu cầu nhân viên của các công ty điện lực khu vực sử dụng ứng dụng danh thiếp điện tử (e-Namecard) để xác định chính xác nhân viên ngành điện thành phố. Để được hỗ trợ thêm thông tin, người dân có thể liên hệ tổng đài 1900545454 hoặc ứng dụng EVNHCMC hoặc email [email protected].

BHXH Việt Nam cảnh báo tin nhắn lừa đảo, nhận tiền hỗ trợ thất nghiệpBHXH Việt Nam cảnh báo tin nhắn lừa đảo, nhận tiền hỗ trợ thất nghiệp
Cảnh báo về một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biếnCảnh báo về một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến
Cảnh báo các tin nhắn lừa đảo thông báo nhận trợ cấp Covid-19Cảnh báo các tin nhắn lừa đảo thông báo nhận trợ cấp Covid-19

T.H

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan