Cần tuân thủ chặt chẽ các quy định khi đầu tư điện mặt trời

22:36 | 09/07/2021

828 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời gian gần đây, báo chí có phản ánh về việc nhiều hộ dân tại thành phố Đà Nẵng chịu nhiều thiệt thòi khi đầu tư kinh doanh điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) vừa không bán được, vừa phải thanh toán tiền phát sinh trên lưới điện. Nguyên nhân này do đâu?

Không vội vàng đầu tư ĐMTMN khi chưa có cơ chế mới

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) kể từ ngày 1.1.2021. Lý do là bởi Quyết định số 13 ngày 6.4.2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực sau ngày 31.12.2020 và đến nay vẫn đang chờ quyết định mới của Thủ tướng và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, gần đây nhiều hộ dân dùng điện mặt trời mái nhà tại Đà Nẵng lại phản ánh tình trạng khi sử dụng thì điện mặt trời nhảy bao nhiêu số, thì điện lưới tăng bấy nhiêu trên đồng hồ. Điều này có nghĩa là điện mặt trời, họ không những không bán được mà cũng không dùng được.

Cần hiểu rõ các quy định khi đầu tư điện mặt trời mái nhà
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà

Lý giải điều này, ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cho biết: Tình trạng này xảy ra đối với những khách hàng không thông báo với Điện lực nhưng tự lắp điện năng lượng mặt trời, đấu nối hoà vào lưới Điện lực bằng công tơ một chiều.

Điều này dẫn đến, khi công suất điện mặt trời sinh ra lớn hơn công suất tiêu thụ của khách hàng thì sẽ có điện phát ngược lên lưới Điện lực, có khả năng gây quá tải lưới điện trong khu vực và mất an toàn vận hành lưới điện; đồng thời làm cho công tơ điện ghi nhận sản lượng điện phát ngược theo chiều xuôi, do công tơ đo đếm điện hiện hữu của khách hàng là loại công tơ một chiều xuôi.

PC Đà Nẵng khuyến nghị khách hàng sử dụng điện không tự ý lắp đặt điện mặt trời nối lưới cho đến khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương và EVN, cơ sở để đơn vị Điện lực lắp đặt công tơ 2 chiều, ghi nhận sản lượng điện phát ngược lên lưới điện". Cũng theo ông An, trường hợp khách hàng vẫn có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời để sử dụng trong giai đoạn hiện nay, khách hàng vui lòng liên hệ Điện lực khu vực để được tư vấn lắp đặt công suất phù hợp, tránh gây quá tải lưới điện khu vực, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Chuyên gia năng lượng Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện đã chỉ ra một số nguyên nhân, thứ nhất, sau thời điểm 31/12/2020 theo quy định của Chính phủ, EVN tạm thời ngừng mua điện mặt trời mái nhà của các dự án chưa hoàn thành là đúng quy định. Câu chuyện "chịu thiệt thòi" có thể hiểu, vào thời điểm đầu năm 2021, do điện mặt trời mái nhà vẫn đang phát triển nóng, có thể vì lợi nhuận bán thiết bị nên các nhà cung cấp thiết bị điện mặt trời đã không tư vấn sâu sát cho người dân trong việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà, đã cùng người dân lắp đặt và tự ý đấu nối vào hệ thống điện quốc gia mà không làm việc với các cơ quan chức năng quản lý điện lực để được hỗ trợ và đấu nối theo quy định. Vì lý do này, có thể dẫn đến tình trạng một số hộ gia đình phải trả thêm tiền điện khi điện mặt trời dùng không hết và bị đẩy lên lưới điện quốc gia.

Chuyên gia Lã Hồng Kỳ cũng chỉ ra thông tin báo chí dẫn lời 1 số người chưa hiểu đúng bản chất vấn đề. Việc người dân phải trả thêm tiền điện khi có một lượng điện sinh ra không dùng hết phải đẩy lên lưới cũng không có gì là bất thường. "Do công tơ một chiều (mua điện) của hộ đầu tư điện mặt trời thuộc loại cũ, có chức năng chống trộm điện nên khi điện mặt trời phát ngược lên lưới công tơ vẫn tiếp tục quay thuận chiều và cộng dồn vào số điện đã tiêu thụ. Vì vậy, nếu người dân tự ý đấu hệ thống điện mặt trời vào lưới điện quốc gia thì việc phải trả thêm tiền điện là điều đương nhiên", ông Kỳ lý giải.

Một điều nữa, việc tư vấn cho người dân về lắp điện mặt trời chưa đầy đủ và chính xác: Cần giải thích cho người dân liên hệ với đơn vị chức năng quản lý điện lực để được hỗ trợ đấu nối, lúc này đơn vị điện lực sẽ thí nghiệm (kiểm tra) các hệ thống theo quy trình, thay thế công tơ 1 chiều phù hợp (công tơ điện tử), hoặc công tơ 2 chiều để ghi nhận chỉ số đã phát lên lưới, sau này EVN có thể sẽ trả tiền khi có quy định mới của Chính phủ.

Có thể thấy, việc người dân đầu tư ĐMTMN trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể từ EVN vào thời điểm hiện tại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí việc tự ý lắp đặt còn dẫn đến hậu quả khó lường về an toàn lưới điện, vi phạm pháp luật. "Việc tự ý đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia là vi phạm quy định pháp luật, có thể gây mất an toàn cho cho lưới điện và nhân viên sửa chữa nếu chức năng tự động cách ly của Inverter không đạt", chuyên gia Lã Hồng Kỳ khuyến cáo.

Sẽ kiểm soát lại mức giá theo cơ chế mới

Hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng xong Dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) để thay thế cho cơ chế tại Quyết định 13 đã hết hiệu lực từ 31/12/2020

Theo đó, dù vẫn duy trì giá cố định nhưng mức dự kiến giảm chỉ còn 5,2-5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg giá mua ĐMTAP là 8,38 UScent/kWh). Mục đích để phát triển đúng hướng, tức khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng, thay vì tình trạng nhà nhà "ào ào" lắp điện áp mái để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới.

Mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng to giá sẽ càng thấp nhằm khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp, thay vì tất cả các loại hình điện áp mái đều có một mức giá như trước đây. Hiện tại, xây dựng dự thảo về cơ chế giá điện mặt trời áp mái, hiện đã cơ bản hoàn thiện sau nhiều lần lấy ý kiến để tới đây trình Thủ tướng phê duyệt.

Ngoài ra, để tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, đồng thời hạn chế những vấn đề bất cập nêu trên, Bộ Công Thương đang nghiên cứu dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tới, theo hướng: Tiếp tục áp dụng cơ chế giá cố định (giá FIT) cho điện mặt trời mái nhà; Giá mua điện phụ thuộc vào công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà; Quy định tỷ lệ tự dùng điện của người sản xuất/bên bán điện; Quy định lắp đặt hệ thống mini-SCADA để vận hành, điều độ từ xa.

M.C