Cần thúc đẩy nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam

16:59 | 10/09/2024

43 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.

Ngày 10/9 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” nhằm cung cấp thông tin chính sách, cũng như các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước cho nỗ lực thúc đẩy dòng vốn xanh, tiến tới hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đồng hành cùng diễn đàn.

Cần thúc đẩy nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Toàn cảnh diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Đỗ Thị Phương Lan cho biết, Việt Nam cần nguồn lực lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ước tính, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD cho đến 2050, trong đó riêng nhu cầu tài chính đến 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD.

Bà Đỗ Thị Phương Lan cũng nêu rõ, các nguồn lực tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã được xác định trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022) bao gồm: Nguồn lực từ ngân sách nhà nước (như: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế); nguồn lực từ khu vực tư nhân (như: tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon…); nguồn lực từ hỗ trợ quốc tế (ODA, vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh); và nguồn cộng đồng xã hội khác (vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu).

Cần thúc đẩy nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ tại diễn đàn

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Hoàng Lân khẳng định, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu rất cao, đó là đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân. Xanh hóa nền kinh tế là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và huy động đủ các nguồn lực. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khối lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỷ USD để đáp ứng với yêu cầu tăng trưởng xanh, trong đó vai trò đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân là hết sức quan trọng.

Trước bối cảnh trên, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bắt nhịp sản xuất xanh. Hiện tại, một số doanh nghiệp đã thay đổi từ việc sử dụng nhiên liệu than trong sản xuất sang sử dụng chất đốt sinh thái như trấu, vỏ điều, viên nén mùn cưa...; hoàn thiện hệ thống điện mặt trời áp mái, xây dựng dây chuyền sản xuất đá thiêu kết theo tiêu chí nhà máy xanh, với số vốn đầu tư gấp 4 lần theo tiêu chuẩn cũ...

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Lân đánh giá, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ, ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy hoạt động tài chính xanh ở Việt Nam, ông Lê Hoàng Lân gợi ý 3 nhóm giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính đó là:

Thứ nhất, đối với nhóm tín dụng xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các tổ chức tín dụng để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Mặt khác, phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó mới thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh. Tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn, thẩm định, giám sát các khoản cấp tín dụng xanh.

Thứ hai, đối với nhóm trái phiếu xanh, cần tăng cường minh bạch công bố thông tin của các doanh phát hành trái phiếu xanh, các báo cáo về sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh cần được đánh giá một cách minh bạch, khách quan từ tổ chức có chuyên môn và được công khai để bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể theo dõi nguồn vốn của mình trong từng dự án xanh.

Thứ ba, xây dựng định hướng cho doanh nghiệp các danh mục dự án xanh ưu tiên, ưu đãi theo lộ trình từ nay đến 2050. Để huy động được nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức tín dụng tham gia vào tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam phải khuyến khích thúc đẩy môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chủ yếu gây phát thải như: năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn, doanh nghiệp có áp dụng quy trình tái chế trong quá trình sản xuất, bao gồm: nguyên liệu đầu vào, nhiên liệu trong sản xuất, sản phẩm đầu ra có khả năng tái chế tuần hoàn.

Về các chính sách cụ thể, TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, chính sách thu ngân sách phát huy hiệu quả, điều tiết hành vi theo hướng khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Chính sách động viên ngân sách nhà nước được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực cho đầu tư và tiêu dùng; qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Về chính sách chi ngân sách nhà nước, cơ quan nhà nước đã hoàn thiện các quy định ưu tiên chi đầu tư và chi thường xuyên cho mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng các chương trình, chiến lược và các kế hoạch hành động quốc gia liên quan tăng trưởng xanh; hoàn thiện các quy định về mua sắm công trong sử dụng các sản phẩm dán nhãn năng lượng, dán nhãn xanh bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường chứng khoán xanh từng bước được hình thành; Một số chính sách tài chính xanh khác (bảo hiểm xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon) cũng được ban hành.

Bàn về góc độ phát triển các công cụ tài chính xanh nhìn từ Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán đến năm 2030, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) Tô Trần Hòa cho biết, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu “phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững”.

Các công cụ này sẽ là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác, từ đó, giúp làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không tái tạo và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Cần thúc đẩy nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trao đổi tại diễn đàn

Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị một số nhóm giải pháp chính. Cụ thể, kiến nghị gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Chính phủ sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh” (Danh mục xanh/Green Taxonomy), trong đó nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh.

TS Cấn Văn Lực cũng kiến nghị có cơ chế, tiêu chí, phương thức đo lường/kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khác nhau để có định hướng chính sách điều tiết phù hợp. Ngoài ra cần có thêm hỗ trợ tài chính, như thuế, phí, lãi suất, cho các sản phẩm, dịch vụ “xanh”; nghiên cứu thành lập “Quỹ chuyển đổi xanh”, “Quỹ đầu tư mạo hiểm xanh”, “Quỹ tăng trưởng xanh”.

TS Cấn Văn Lực cũng đề xuất thành lập thị trường tín chỉ Carbon; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ban hành tiêu chí, chuẩn mực và huy động nguồn lực. Ngoài ra, cần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa, tăng cường giáo dục tài chính.

N.H

[P-Magazine] Petrovietnam phát triển kinh tế xanh bền vững hóa ngành năng lượng[P-Magazine] Petrovietnam phát triển kinh tế xanh bền vững hóa ngành năng lượng
Khu kinh tế xanh - bước đi táo bạo của Hải PhòngKhu kinh tế xanh - bước đi táo bạo của Hải Phòng
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Khơi thông tín dụng xanh,  cần chính sách mạnh mẽ từ chính phủTS. Nguyễn Trí Hiếu: Khơi thông tín dụng xanh, cần chính sách mạnh mẽ từ chính phủ
Phát triển logistics xanh: Cơ hội gia nhập thị trường và các chuỗi giá trị toàn cầuPhát triển logistics xanh: Cơ hội gia nhập thị trường và các chuỗi giá trị toàn cầu