Cần ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách

09:39 | 24/04/2019

278 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại. Hay nói cách khác là cần ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách.

Kinh tế vĩ mô vẫn phải đối mặt với không ít thách thức

Sau những kết quả kinh tế - xã hội khá ấn tượng trong năm 2018, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm 2019, hướng tới hoàn thành mục tiêu kế hoạch cho cả giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, để hiện thực hóa kỳ vọng ấy, đặt trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng có nhiều biến động khó lường, dư địa cho chính sách kinh tế vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn nhiều, Việt Nam được đánh giá sẽ đối mặt không ít khó khăn, thách thức.

Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý I/2019 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu rõ, tăng trưởng GDP đạt 6,79%, thấp hơn so cùng kỳ năm 2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009-2017. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá, Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vĩ mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào cuộc sống.

can on dinh kinh te vi mo de lam nen cho cai cach
Diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý II đến quý IV/2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài

“Ngay cả với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay các hướng dẫn và sửa đổi luật còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều. Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện” - báo cáo cho hay.

Cùng với đó, theo nhận định chung, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý II đến quý IV/2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài, bao gồm rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ gia tăng; căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt. Cùng với đó, nhu cầu phê chuẩn sớm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể giảm bớt; hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP. Ngoài ra, thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị.

Có thể thấy, trong suốt thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, phần nào cho thấy sự sát sao, sốt sắng và quyết tâm của Chính phủ trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tập trung cải cách môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn tiếp tục diễn ra, nhiều giải pháp từ trên chuyển xuống nhưng sự nhận thức của cơ sở còn chậm và thực hiện chưa đầy đủ.

Chưa thấy sự bứt phá rõ rệt trong cải cách

Trước những tồn tại trên, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM nêu quan điểm, cần ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, Việt Nam cần phải tiếp tục xây dựng những kịch bản mới nhằm ứng phó với những diễn biến, thay đổi mới. Đồng thời, theo ông Dương, cần ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019.

Bên cạnh đó, cần chủ động trao đổi, hợp tác với các đối tác nhằm thực thi hiệu quả CPTPP, vận động phê chuẩn EVFTA, và nhanh chóng hoàn thành cơ bản đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đồng thời, ban hành Luật sửa một số luật để thực thi CPTPP và tiếp tục rà soát nội dung cam kết trong các FTA và điều ước quốc tế mà Việt Nam đang đàm phán, đã hoàn tất đàm phán và đã ký kết để có những điều chỉnh về quy định pháp luật phù hợp.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, khi xây dựng Nghị quyết 02, Chính phủ đã thảo luận nhiều để bổ sung 2 từ “bứt phá” vào phương châm của năm 2019, nhưng đến nay tháng 4 rồi vẫn chưa có tiến triển gì. Cái mà Chính phủ muốn nhìn thấy đó là đà cải cách môi trường kinh doanh được tiếp nối từ 2018.

“Cái mà chúng ta kỳ vọng nhưng cũng đang cản trở doanh nghiệp đó là giấy phép con, giấy phép cháu. Kết quả cải cách vẫn dừng ở tháng 11/2018, từ đó trở đi chúng ta không nhìn thấy cải cách rõ nét. Đến nay tính bứt phá mà chúng ta hy vọng là chưa đạt được, chúng ta chưa nỗ lực một cách tối đa để đạt mục tiêu”, TS Cung nói.

Cùng quan điểm này, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, đã cải cách thì phải triệt để, phải quyết tâm đi theo con đường cải cách trong đó phải đề cao khu vực tư nhân, phải phát triển tối đa kinh tế tư nhân để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, nâng cao cạnh tranh. Nếu không cạnh tranh được thì sẽ tụt hậu rất nhanh. Phải cải cách quyết liệt để tạo ra môi trường kinh doanh mới, để tạo ra các nhân tố mới, các sản phẩm mới cho đất nước.

Lê Minh

can on dinh kinh te vi mo de lam nen cho cai cachKinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức
can on dinh kinh te vi mo de lam nen cho cai cachTăng trưởng GDP 2019 có thể vượt kế hoạch Quốc hội thông qua
can on dinh kinh te vi mo de lam nen cho cai cachBài 4: Cải cách thể chế kinh tế thị trường Việt Nam như thế nào?