Cần mạnh tay với hành vi bơm tạp chất vào tôm

08:16 | 12/08/2017

1,022 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng bơm tạp chất vào tôm đã xuất hiện ở nước ta từ lâu, dù cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý, nhưng phải thừa nhận rằng, chưa giải quyết được triệt để vấn nạn này.  

Bắt tận tay, day tận trán

Khoảng 4h30’ ngày 2-8-2017, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) bắt quả tang chủ cơ sở kinh doanh Lê Quang Long (nằm ngoài chợ đầu mối phía nam, đường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đang bơm tạp chất agar (thạch rau câu) còn nóng vào 8kg tôm nguyên liệu, hiện trường còn khoảng 10kg. Theo thông tin bước đầu, cơ sở kinh doanh của ông Long đã bơm tạp chất agar vào tôm 3-4 tháng qua. Tại chợ đầu mối phía nam, đoàn kiểm tra phát hiện chủ hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hải đang bán 12kg tôm bơm tạp chất. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong và tạm giữ tang vật để xem xét xử lý theo quy định.

can manh tay voi hanh vi bom tap chat vao tom
Luật sư Nguyễn Phú Thắng

Trước đó, ngày 10-6-2017, Cục Cảnh sát môi trường phối hợp với Công an tỉnh Bạc Liêu, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm ngư nghiệp tỉnh Bạc Liêu, bắt quả tang 2 hộ kinh doanh ở ấp Bình Hổ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long có hành vi tương tự. Khai nhận với cơ quan chức năng, 2 hộ kinh doanh này thừa nhận, cứ 100gr bột rau câu nấu lên sẽ bơm được 100kg tôm thành phẩm; mỗi ngày bơm được trên 200kg tôm thành phẩm.

Cũng theo ước tính của cán bộ kỹ thuật thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, mỗi con tôm sau khi bơm tạp chất tăng trọng lượng 10-15% so với trọng lượng của chính con tôm đó. Vì thế, cứ 10kg tôm sau khi bơm tạp chất được bán ra thị trường đồng nghĩa trong đó có 1kg tạp chất.

Cần xử lý đồng bộ

Đánh giá về việc các tiểu thương vì lợi ích trước mắt đã dùng tạp chất để tăng trọng lượng và kích thước của tôm và các loại hải sản khác, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Tạp chất để bơm vào tôm thường là agar hay còn gọi là rau câu. Loại bột này có thể ăn được nên không có hại tới sức khỏe con người. Tuy nhiên việc này là gian lận thương mại nhằm trục lợi cho cá nhân, cần phải lên án.

can manh tay voi hanh vi bom tap chat vao tom
Một cơ sở đang bơm tạp chất vào tôm bị bắt quả tang (ảnh: Dân Việt)

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Giám đốc Công ty Luật Intercode cho rằng: Hành vi bơm tạp chất vào tôm của chủ cơ sở kinh doanh Lê Quang Long chính là hình thức gian lận thương mại. Căn cứ vào Khoản 5, Điều 16 Nghị định 178/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong an toàn thực phẩm quy định các khung hình phạt từ cá nhân vi phạm tới tổ chức sơ chế, chế biến đưa tạp chất vào tôm và thủy sản thì mức xử phạt với cá nhân thấp nhất là 300.000 đồng; với tổ chức là 100 triệu đồng, cao nhất là 3,5 lần giá trị lô hàng.

6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn 4 tỉnh gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, cơ quan chức năng đã phát hiện 40 trường hợp bơm và vận chuyển tôm có tạp chất với số lượng gần 10 tấn.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự, những hành vi trên có thể bị xử phạt từ 1 đến 5 năm tù giam nếu như gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe hay tính mạng người tiêu dùng. Đặc biệt, theo Bộ luật Hình sự năm 2017 mở rộng hơn và có hiệu lực từ 1-1-2018 tới đây thì mức xử phạt cho hành vi này tăng lên từ 100 triệu đến 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các tiểu thương cũng như các cơ sở kinh doanh được hưởng siêu lợi nhuận từ việc tăng trọng lượng và tăng kích cỡ tôm, nên dù mức phạt hành chính hiện hành không thấp, thậm chí trước đây ở tỉnh Cà Mau từng có doanh nghiệp bị xử phạt 500 triệu đồng, nhưng vẫn không xử lý được triệt để tình trạng bơm tạp chất vào tôm.

Do đó cùng với việc xử phạt hành chính thật nặng, áp dụng các chế tài phạt bổ sung mới đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cho nhân dân về tác hại của hành vi trên. Ngoài ra, đoàn liên ngành của cấp tỉnh phải thường xuyên kiểm tra đột xuất và thành phần trong đoàn này phải chuyên nghiệp, không quan liêu, không để xảy ra tình trạng mua bán thông tin. Những địa phương nào làm tốt nên có nhưng hình thức khen thưởng cụ thể.

Cách phân biệt tôm bơm tạp chất

Tôm bơm tạp chất thường xòe đuôi, trong khi tôm sạch thường cúp đuôi xuống. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm bị bơm thường có mang cứng, thẳng đơ, phồng căng, trong khi mang tôm thường mềm, phẳng. Tôm bơm thường bị phù đầu, gai vểnh. Phần đầu và thân của tôm bị tiêm rất dễ bị tách rời nhau.

Ngoài ra, tôm bơm tạp chất khi nấu sẽ chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu và dưới mang.

Thiên Minh - Hương Ngân