Cần linh hoạt thiết kế bài giảng trong dạy trực tuyến ở tiểu học

15:19 | 12/09/2021

196 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đặc biệt lưu ý các nhà trường và giáo viên về các kịch bản dạy học hay việc thiết kế bài giảng, tổ chức lớp học linh hoạt, không để học sinh quá tải về kiến thức và thời gian, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và sự phát triển tự nhiên của trẻ.

Ngày 12/9, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hướng dẫn một số nghiệp vụ sư phạm cơ bản trong dạy học trực tuyến ở tiểu học”.

Cần linh hoạt thiết kế bài giảng trong dạy trực tuyến ở tiểu học
PGS.TS Nguyễn Chí Thành chia sẻ tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Chí Thành đã trao đổi về các phương án dạy học trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh Covid-19, nhà trường và giáo viên cần đồng hành cùng phụ huynh và học sinh ra sao để việc dạy - học có hiệu quả cũng như các kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm tương ứng với từng phương án dạy học.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, trong bối cảnh hiện nay, tuỳ từng điều kiện cụ thể ở các địa phương, nhà trường; giáo viên có thể sử dụng một trong 4 phương án dạy học: Dạy học trực tuyến qua Zoom, Google Meeting, Teams… hoặc LMS; dạy học qua truyền hình; dạy học qua sóng radio; và gửi phiếu, tài liệu in tới cha mẹ học sinh thông qua email, bưu điện kết hợp với các phương thức trực tuyến khác.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành nhìn nhận, dịch Covid-19 đã tạo ra động lực mới cho đội ngũ giáo viên khi việc dạy - học phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Theo đó, giáo viên bắt buộc phải số hoá bài giảng. Trước đây, khi dạy trên lớp học truyền thống, giáo viên đã có giáo án và kịch bản dạy học. Nay, cần hệ thống lại những nội dung đó để phù hợp với các phương thức dạy học nêu trên. Mỗi phương án, đều cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để hoạt động giáo dục, dạy học đạt hiệu quả cao nhất.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra, nhà trường và giáo viên cần chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất cũng như có phương án đồng hành cùng phụ huynh và học sinh. Khi triển khai giảng dạy trực tuyến, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch kết hợp hài hòa giữa các môn học, không để học sinh quá tải về kiến thức và thời gian học tập, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, sự phát triển tự nhiên của học sinh. Thêm vào đó, việc quản lý chất lượng hệ thống bài giảng trực tuyến hay các hình thức đánh giá giờ dạy của giáo viên cũng cần linh hoạt và có chính sách phù hợp.

Bên cạnh khả năng sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng, giáo viên cần nắm vững kiến thức sư phạm như kỹ năng xây dựng bài giảng, tổ chức các nhiệm vụ học tập một cách đa dạng thông qua video clip, thẻ flashcard, trò chơi… Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tăng cường tổ chức các hoạt động trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau, giữa học sinh với giáo viên; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.

Đối với phương án dạy học trên truyền hình, giáo viên cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị bộ tài liệu hướng dẫn, câu hỏi bài tập để hướng dẫn học sinh học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo nội dung bài học trên truyền hình.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, các phương án dạy học từ xa đều đòi hỏi nhà trường và giáo viên có sự đồng hành với phụ huynh và học sinh nhằm theo dõi và kịp thời đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học, đồng thời có sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp để chất lượng giáo dục đạt hiệu quả tối đa.

Cần linh hoạt thiết kế bài giảng trong dạy trực tuyến ở tiểu học
Tọa đàm “Hướng dẫn một số nghiệp vụ sư phạm cơ bản trong dạy học trực tuyến ở tiểu học”

Cũng tại buổi tọa đàm, đặt vấn đề, làm sao để tổ chức các hoạt động dạy - học trực tuyến hiệu quả, TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ về kỹ năng duy trì và tăng hiệu quả tương tác thích ứng với các phương pháp dạy học trực tuyến, gợi ý các bước thiết kế dạy học trực tuyến cũng như cách thức tổ chức các hoạt động tương tác ngoài giờ giúp giáo viên thiết kế bài giảng và tổ chức hoạt động phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học, từ đó đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo.

Bằng cách đó, kho học liệu sẽ được cập nhật liên tục và hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong quá trình dạy học. Ngoài ra, nhà trường cần tổ chức tập huấn cho giáo viên, để bất kỳ thầy cô nào cũng có thể ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, trước mắt là dạy học trực tuyến.

Thông qua phần chia sẻ của mình, TS Tôn Quang Cường đã gửi gắm thông điệp tới các nhà trường và giáo viên bậc tiểu học: “Dạy học tiểu học, nhất là cho học sinh lớp 1, lớp 2 cần phải lấy sự hứng thú và tham gia của học sinh làm cái gốc! Ở lứa tuổi này, mỗi bài học nên là một trò chơi; kiến thức, kĩ năng cần hình thành chính là luật chơi; giáo viên, cha mẹ học sinh chính là bạn cùng chơi; và công nghệ phải là đồ chơi!”.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các chuyên gia đã tương tác, giải đáp những băn khoăn của giáo viên trong việc xây dựng bài giảng trực tuyến, phương pháp thu hút sự tập trung của học sinh trong giờ học hay cách thức tổ chức hoạt động thực hiện nhiệm vụ học tập.

Phú Văn

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về bảo đảm điều kiện dạy và học phù hợp với tình hình dịch COVID-19Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về bảo đảm điều kiện dạy và học phù hợp với tình hình dịch COVID-19
Công bố nguồn tài nguyên số hỗ trợ dạy học trực tuyếnCông bố nguồn tài nguyên số hỗ trợ dạy học trực tuyến
Tổ chức dạy học an toàn, đảm bảo chất lượng GD&ĐT ứng phó với dịch Covid-19Tổ chức dạy học an toàn, đảm bảo chất lượng GD&ĐT ứng phó với dịch Covid-19
Hỗ trợ thiết bị cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn học trực tuyếnHỗ trợ thiết bị cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến