Thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi):

Cần định lượng cụ thể hơn nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất

11:09 | 01/11/2022

552 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cần định lượng cụ thể hơn, có quy định hướng dẫn chi tiết, cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc bồi thường...

Sáng 1/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.

Cần định lượng cụ thể hơn nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình soạn thảo cần lưu ý bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa dự thảo Luật Đất đai và các dự thảo luật khác có liên quan, đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Theo đó, cần rà soát các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ trong dự thảo Luật để bảo đảm không trái các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tránh phát sinh tranh chấp; đồng thời, rà soát các quy định liên quan đến việc sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Về nội dung người sử dụng đất, có ý kiến cho rằng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất” (khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014). Tuy nhiên, Điều 6 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa quy định về người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài, dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân nước ngoài.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng không đề cập đến nội dung về công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cũng như không đặt ra vấn đề về tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này, trường hợp cần thiết cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Dự án Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định về tầm nhìn, căn cứ lập, mối quan hệ, vị trí của quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (chưa được quy định trong Luật Quy hoạch).

Đối với nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần rà soát một số vấn đề:

Bảo đảm sự thống nhất giữa chỉ tiêu các loại đất được xác định trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; Làm rõ nội hàm, đưa ra tiêu chí xác định 3 khu vực (khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển theo nhu cầu cấp quốc gia) ngay trong dự thảo Luật mà không giao Chính phủ quy định chi tiết; Quy định tiêu chí xác định “khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh”…

Về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc một số nội dung: Bổ sung nhấn mạnh việc công khai bộ bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong nội dung lấy ý kiến nhân dân; Bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm giải trình và công khai việc tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân; Quy định một tỷ lệ tán thành cụ thể của người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm điều kiện để trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; rà soát các trường hợp thu hồi đất theo quy định, tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 97), Ủy ban Kinh tế đề nghị định lượng cụ thể hơn, có quy định hướng dẫn chi tiết, cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Bên cạnh đó, đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với nguyên tắc bồi thường về đất theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người có đất thu hồi.

Về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát, bảo đảm phân biệt rõ giữa trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, xác định thứ tự ưu tiên áp dụng đấu giá hay đấu thầu trong trường hợp có dự án vừa đáp ứng điều kiện đấu giá và đấu thầu; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm phù hợp, khả thi.

Về giá đất, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên tắc định giá đất “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”; quy định rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất; đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm. Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng có thể áp dụng nhiều phương pháp định giá đất khác nhau nhưng phải chọn phương pháp có kết quả cao nhất, không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.

Giải pháp hàng đầu là hoàn thiện thể chếGiải pháp hàng đầu là hoàn thiện thể chế
Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tạiViệc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại
Quốc hội chất vấn về tiền lương, tổ chức, biên chế; bất động sản; phòng, chống tham nhũng...Quốc hội chất vấn về tiền lương, tổ chức, biên chế; bất động sản; phòng, chống tham nhũng...

P.V