Cần có cơ chế, hướng dẫn về việc F0, F1 đi làm

14:55 | 12/03/2022

292 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Số ca F0, F1 tăng nhanh gây thiếu hụt lao động, chủng mới gây bệnh nhẹ hơn chiếm ưu thế… đang đặt ra yêu cầu cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh mới.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM với các địa phương ngày 9/3, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, đối với các trường hợp F0 có vấn đề về sức khỏe thì cần phải chăm sóc. Việc đảm bảo sức khỏe là mục tiêu trên hết và trước hết. Tuy nhiên, nếu F1 không có vấn đề về sức khỏe thì sẽ đi làm.

Cần có cơ chế, hướng dẫn về việc F0, F1 đi làm
Ảnh minh họa

Với F0 không có triệu chứng, không có vấn đề về sức khỏe và tự nguyện thì duy trì làm việc phù hợp. Nhiều cơ quan hiện có có 30-50 F0 mà cách ly 7-14 ngày thì rất bị động trong công việc. Vì thế cần tính toán để đảm bảo hoạt động các cơ quan, doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ Y tế đề xuất xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến...

Cũng liên quan tới vấn đề này, theo TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, cho phép các F0, F1 đi làm trong những điều kiện đặc biệt là chủ trương phù hợp.

Theo ông Minh, đã có những cơ sở sản xuất đã chủ động xây dựng các mô hình làm việc cho F0, F1 đi kèm với hệ thống theo dõi, chăm sóc sức khỏe kịp thời và chính sách hỗ trợ cho người lao động khoa học. Đây là điều bắt buộc các công ty, cơ sở sản xuất phải lên kế hoạch vì dịch bệnh sẽ không hoàn toàn biến mất trong một thời gian dài, việc duy trì hoạt động liên tục thế nào rất cần có kế hoạch.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người bệnh thì các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã đến thời điểm nên được tham gia nhiều hơn để gỡ nút thắt cho các cơ sở y tế Nhà nước và giúp người bệnh có nhiều lựa chọn phù hợp với điều kiện gia đình hơn.

Đối với doanh nghiệp điều này giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong bối cảnh các ca mắc không ngừng tăng nhanh. Do vậy, đề xuất F1 được đi làm trực tiếp của Bộ Y tế đã nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp.

Chia sẻ với báo chí, nhiều doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng, nhiều nơi quá nửa là F1, F0. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng lượng lớn lao động cũng không hiệu quả, chỉ tuyển được rải rác do thị trường lao động khan hiếm.

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp gỡ khó bằng cách tổ chức phương án cho F1 đi làm, F0 nghỉ ngắn ngày hơn để ổn định sản xuất. Điển hình như công ty Công ty TNHH Foster Bắc Ninh có 3.000 công nhân lao động thì có tới 50% là F0, F1 (trong đó F0 khoảng 40%, còn lại là F1). Hiện người lao động là F1 của công ty được đi làm bình thường. Còn đối với F0, sau 5 ngày điều trị, test nhanh âm tính, nếu hết triệu chứng sẽ đi làm bình thường. Để bảo đảm an toàn phòng chống dịch, công ty thực hiện sàng lọc mỗi ngày và thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang.

Đối với người lao động, chủ trương này sẽ giúp đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân, ổn định thu nhập. Anh Đoàn Anh Tuấn - công nhân tại một công ty điện tử khác nằm trong khu công nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) cho biết quy định một người F0, cả nhà cách ly khiến cho anh không thể đi làm, trong khi đó lại phát sinh thêm nhiều chi tiêu nên anh mong muốn có thể đi làm để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Ngày 10/3, tỉnh Long An đã tiên phong cho phép các F0 (không triệu chứng), F1 là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động được đến các cơ quan nhà nước làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trên tinh thần tự nguyện, và phải có sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cấp trên trực tiếp.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An cho biết chủ trương của tỉnh Long An dựa trên tinh thần Nghị quyết số 128 của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và báo cáo đề xuất "Công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19" của Bộ Y tế ngày 5/3.

Cùng với đó là thực tế nhu cầu từ nhiều doanh nghiệp, cơ quan nên lãnh đạo tỉnh Long An đã thực hiện chủ trương này để hướng việc tháo gỡ cho nhu cầu của chính các F0, F1 đang có việc cấp bách cần giải quyết.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Long An, hiện nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thường có người F0 và rất nhiều người F1. Cả người lao động F0 không có triệu chứng và đặc biệt là người F1 cùng với chủ doanh nghiệp của họ trên thực tế đều muốn công việc được tiếp tục trôi chảy. Nhưng nếu không có cơ chế thì họ sẽ không thể thực hiện được.

Ông Phúc nói thêm nhằm bảo đảm công tác phòng ngừa Covid-19 thì ngoài việc đảm bảo các quy định trước đây đã ban hành, khi cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp để F0, F1 đi làm phải bố trí đảm bảo an toàn phòng chống dịch và phù hợp với từng trường hợp.

Liên quan đến vấn đề này, theo TS. BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), F0 hiện có thể phân thành hai loại: Thứ nhất, những người không có triệu chứng nên được xếp là người nhiễm virus, không phải người bệnh. Họ hoàn toàn có đủ sức khỏe, sức lao động và tỉnh táo thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai, những người xét nghiệm dương tính và có triệu chứng lâm sàng gọi là người bệnh. Nếu có triệu chứng bệnh, F0 nên được cho ở nhà theo dõi sức khỏe và xem xét cho F0 không có triệu chứng làm việc trực tiếp trong điều kiện bất khả kháng không thể bố trí nhân sự của các đơn vị.

TS. BS Lê Quốc Hùng cho biết, để cho F0 và F1 đi làm, bản thân F0 và F1 phải có tinh thần tự nguyện, cảm thấy có đủ sức khỏe đảm bảo công việc. Khi đi làm phải có ý thức và tuân thủ nghiêm túc quy định phòng chống dịch.

Về phía cơ quan, tổ chức nên bố trí cho F0, F1 các công việc nhẹ nhàng, tránh lao động đòi hỏi sự tập trung, dễ gây tai nạn lao động như lái xe, lái tàu, vận hành máy móc. Bên cạnh đó, nên bố trí cho F0, F1 các công việc tránh tiếp xúc với khách hàng, người dân, nếu có điều kiện nên bố trí cho làm online hoặc khu vực cách ly với những nơi khác. Phòng làm việc có F0, F1 phải mở cửa thông thoáng, tất cả phải đeo khẩu trang 100% trong lúc làm việc, liên tục rửa tay khử khuẩn sau khi tiếp xúc.

Đơn vị, tổ chức phải thông báo chủ trương cho F0, F1 đi làm để các nhân viên khác hiểu rõ và phối hợp cùng có ý thức giữ khoảng cách, phòng lây lan dịch bệnh. Bản thân các nhân viên cũng sẽ là những người kiểm tra, giám sát, phản ánh kịp thời những trường hợp nguy cơ lây nhiễm cao để ngăn chặn.

Tuy nhiên, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cũng lưu ý, ở Việt Nam đang có 3-4 chủng virus lưu hành, do đó người đã mắc bệnh không nên chủ quan vì có thể nhiễm chủng virus khác và nếu tình trạng sức khỏe ở lần nhiễm trước chưa phục hồi hoặc gặp các di chứng hậu Covid-19, bệnh nhân có thể bị bệnh nặng hơn ở lần nhiễm sau.

Như vậy, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh thay đổi, doanh nghiệp gỡ khó bằng cách cho F0, F1 đi làm, cần sớm có cơ chế và hướng dẫn cụ thể về việc này, để giúp bảo vệ sức khỏe người lao động, đồng thời giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, phục hồi kinh tế.

Bí thư TP HCM: Quy tắc 5K đã xuất hiện một số điểm không sát với thực tếBí thư TP HCM: Quy tắc 5K đã xuất hiện một số điểm không sát với thực tế
Khủng hoảng nhân sự vì dịch, doanh nghiệp nói gì về đề xuất F0, F1 đi làm?Khủng hoảng nhân sự vì dịch, doanh nghiệp nói gì về đề xuất F0, F1 đi làm?

H.T (t/h)