Cần cam kết của doanh nghiệp về phát triển xanh nhưng phải bền vững, tuần hoàn
Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế và Kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” do Học viện Tài chính phối hợp với Trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing đã đặt vấn đề về tăng trưởng xanh, bền vững trong ngành điện.
Theo đó, TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng, nếu sử dụng pin năng lượng mặt trời sau khi hết vòng đời tấm pin, những tấm pin được thải ra ngoài thị trường là các rác thải cực kỳ nguy hại cho môi trường, vì thế cần cam kết của doanh nghiệp về phát triển xanh nhưng phải bền vững, tuần hoàn.
![]() |
Tăng trưởng xanh phải đặt trong mối quan hệ với tăng trưởng bền vững |
Mặt khác, TS. Nguyễn Văn Hiến cũng cho hay, việc khuyến khích sử dụng túi giấy thay vì túi ni lông vô tình sẽ khiến khai thác gỗ ngày một nhiều, phá rừng gia tăng và việc này về lâu về dài chưa hẳn đã là bền vững.
Như vậy, tăng trưởng xanh phải đặt trong mối quan hệ với tăng trưởng bền vững. Nếu chỉ xanh trong ngắn hạn mà bỏ qua dài hạn sẽ khiến đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn. Đối với vấn đề khuyến khích sử dụng túi giấy thay vì ni lông, doanh nghiệp phải ký cam kết truy xuất nguồn gốc gỗ sản xuất giấy, chỉ được phép khai thác sử dụng gỗ ở rừng trồng, không được sử dụng gỗ ở rừng tự nhiên, điều này nhiều nước đã áp dụng, trong đó Mỹ đã áp dụng và thành công.
Kinh doanh bền vững là một khía cạnh của phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà không làm tổn hại khả năng của các thế hệ tương lai. Cụ thể, đáp ứng các nhu cầu, trên cơ sở bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế ổn định, thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống; đặt con người là trung tâm của quá trình phát triển, với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững…
Toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền đổi mới sáng tạo đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút và lan tỏa tác động tới cách thức và con đường phát triển của mọi quốc gia. Sự chuyển động của thế giới đương đại kéo theo một loạt sự thay đổi cấu trúc chính trị, kinh tế, xã hội; cân bằng quyền lực toàn cầu chuyển dần từ đơn cực sang đa cực; sự bất bình đẳng và các thách thức sinh thái, trong đó có biến đổi khí hậu và dịch bệnh, đe dọa sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia, tạo ra nhiều cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho các nước…
Vì vậy, kinh doanh bền vững và phát triển bền vững ngày càng trở thành kim chỉ nam định hướng và chi phối mọi nỗ lực phát triển của mỗi nước và toàn thế giới hiện nay. Hơn nữa, đại dịch Covid 19 cũng đang và sẽ định hình lại và bổ sung một số nội hàm và tiêu chí mới về phát triển bền vững, gắn với yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trong mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn cầu.
Mặc dù Việt Nam đã tăng trưởng nhanh ngoạn mục trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng sự chuyển đổi sang nền kinh tế thịnh vượng và hiện đại mới chỉ bắt đầu. Với mức thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ của mức trung bình toàn cầu, Việt Nam đang cố gắng duy trì quỹ đạo tăng trưởng nhanh và đi theo con đường của các nền kinh tế Đông Á thành công khác đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia thu nhập trung bình cao trong nửa thập kỷ qua.
Tuy nhiên, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn. Do đó, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để tìm được mô hình tăng trưởng mới theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là yêu cầu cấp bách đang đặt ra.
Để vượt qua thách thức, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu trong quá trình phát triển, trong đó cần thay đổi tỷ lệ các nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng, ưu tiên cho động lực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nhảy vọt ở một số lĩnh vực. Việt Nam cũng cần ưu tiên cho động lực kinh tế tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm; phát triển kinh tế vùng và xây dựng liên kết vùng, tạo các cực tăng trưởng và phát triển bền vững…
Đức Minh
![]() |
![]() |
![]() |
-
Tin tức kinh tế ngày 29/4: Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 14%
-
Bộ Công Thương công bố Quy hoạch điện VIII điều chỉnh
-
Tiêu thụ vàng của Trung Quốc giảm gần 6% trong quý I/2025
-
Liên minh Trung Quốc - EU bù đắp khoảng trống của Mỹ trong cuộc chiến về khí hậu
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 29/4: Ấn Độ mua lượng kỷ lục dầu pha trộn ESPO của Nga