Căn bếp nhỏ thời bao cấp có điều gì thú vị?

17:24 | 04/11/2020

588 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chương trình Quán Thanh xuân (VTV1) số tháng 11/2020 mang lại sự đồng cảm rất lớn cùng nỗi nhớ thương da diết về một thời khó khăn với những bữa cơm thiếu thốn đủ món. Bao thế hệ đã lớn khôn, trưởng thành từ những mâm cơm ấy, mâm cơm nuôi dưỡng chúng ta không chỉ mặt thể chất mà còn cả về tinh thần. “Thương mãi bữa cơm nhà” là buổi trò chuyện thân thương khiến ai nấy đều cảm thấy bồi hồi xúc động.

Chương trình Quán Thanh xuân (VTV1) số tháng 11/2020 mang lại sự đồng cảm rất lớn cùng nỗi nhớ thương da diết về một thời khó khăn với những bữa cơm thiếu thốn đủ món. Bao thế hệ đã lớn khôn, trưởng thành từ những mâm cơm ấy, mâm cơm nuôi dưỡng chúng ta không chỉ mặt thể chất mà còn cả về tinh thần. “Thương mãi bữa cơm nhà” là buổi trò chuyện thân thương khiến ai nấy đều cảm thấy bồi hồi xúc động.

Căn bếp nhỏ thời bao cấp có điều gì thú vị?

Nhắc đến thời bao cấp, ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay tới những chiếc tem phiếu, quầy hàng mậu dịch với khung cảnh chen lấn xô đẩy. Quán Thanh xuân đã tái hiện lại cảnh người dân xếp hàng nhớn nhác tại quầy mậu dịch, khuôn mặt tiu nghỉu khi nhận được ít lương thực, có người kiên nhẫn xếp hàng tới cuối cùng rồi nhận được tấm bảng “Hết hàng!” phũ phàng, hay như MC Diễm Quỳnh từng làm thân với cô mậu dịch viên nên được cấp cho chai nước mắm quý như vàng!

Cuộc trò chuyện trở nên gần gũi thân thương hơn khi NSƯT Công Lý, diễn viên Hồng Ánh kể về gian bếp nhà mình. Bếp được đặt rất gần với chuồng lợn, thời đó nhà có bếp dầu, dây mayso, gạc măng giê có liễn mỡ mà tụi trẻ thích ăn vụng… đều là điểm chung trong câu chuyện, đại diện cho đa phần cách sắp xếp bố cục vật dụng gian bếp của người thời xưa.

Căn bếp nhỏ thời bao cấp có điều gì thú vị?

Trải qua quãng thời gian tuổi thơ ở miền Tây sông nước, nhà báo Thiên Chương lại có kỷ niệm về gian bếp nấu sử dụng nguyên liệu là trấu. Anh cũng thường ra mé rừng kiếm cành cây về làm củi, nếu hôm nào gặp trời mưa thì củi bị ẩm, phải rất vất vả để nấu được bữa cơm ăn.

Đạo diễn - NSƯT Hữu Phần lại có những trải nghiệm về những chiếc tem phiếu của đoàn làm phim ngày ấy. Sở Lương thực đặt ra những mốc tiêu chuẩn cho đoàn làm phim như: Đạo diễn, Biên kịch thì được 17,5kg gạo, công nhân quay phim vất vả hơn được cấp 21,5kg kèm áo bảo hộ lao động và xà phòng rửa tay. Riêng diễn viên còn được thêm một khoản tiền bồi dưỡng thanh sắc được quy thành phiếu tem sữa, đường, thịt… để chăm sóc sắc đẹp, giọng nói.

Căn bếp nhỏ thời bao cấp có điều gì thú vị?
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Rồi những chiếc phiếu như Phiếu cung cấp thịt cơ động khi đi công tác là rất “quyền lực” bởi sở hữu chiếc phiếu này có thể đổi lấy thịt ở tất cả các miền trên Tổ quốc. Hay Phiếu bồi dưỡng người đẻ dành cho những sản phụ sẽ được nhận nước mắm loại 1, đường, sữa, thịt ưu tiên. Vậy mới thấy rằng đất nước ta khi đó còn nghèo nhưng Nhà nước vẫn có những chế độ quan tâm và hỗ trợ người dân, không để một ai bị thiệt thòi.

Nhà báo Tuyết Nhung ôn lại kỷ niệm về những nồi cơm độn sắn, mỳ sợi, khoai, bo bo. Thời đó các bà nội trợ nảy ra sáng kiến dùng nước vẩy vào bột mỳ, bột sau khi đóng cục sẽ dùng nấu cùng cơm. Cách này chưa ăn thua thì họ mách nhau nhào nhuyễn bột, cán bột và xắt nhỏ. Mãi sau này mới thay thế bằng mỳ sợi. Bo bo thì ăn vậy thôi nhưng khó tiêu… Diễn viên Hồng Ánh cũng đã nếm đủ các kiểu cơm độn, đi theo đó là kỷ niệm về những bữa ăn cùng gia đình, mẹ của nữ diễn viên luôn gạt hết phần khoai sắn lại, nhường cho chị bát cơm nóng hổi.

Thời ấy tiết kiệm là vậy, ai cũng đau đáu nghĩ xem chế biến món ăn thế nào cho tiết kiệm, có mấy ai dám nấu nướng phung phí. Mẹ của nhà báo Tuyết Nhung hay chế biến món trứng gà với bột mỳ, hay khi nhà có mấy con gà đẻ trứng thì để dành, để lâu quá trứng đâm ra hỏng. Nhà báo Thiên Chương chia sẻ thời sinh viên đi học xa nhà với chiến tích kho cá cực mặn để ăn dè trong một tuần! Khi ấy nhà nào có món gì ngon đa phần sẽ chia sẻ với hàng xóm xung quanh, không nhiều thì ít, tất cả đều rất đáng quý.

Quán Thanh xuân còn gửi tới khán giả một đoạn phóng sự nhỏ về những người con xa quê với nỗi nhớ bữa cơm quê nhà. Người mình thì thấy bơ, sữa, bánh mỳ là những thứ xa xỉ phẩm, nhưng với người xa xứ thì không đâu bằng mâm cơm đậm chất Việt Nam, có cà muối, canh cua rau đay, thịt rang cháy cạnh,… vậy là đủ! Thậm chí họ còn dành thời gian đi hàng trăm cây số để mua được nguyên liệu nấu ăn chỉ để làm nguôi ngoai đi nỗi nhớ quê nhà… Lại nhớ một câu thơ của nhà thơ Trần Tuấn Khải: “Anh đi anh nhớ quê nhà - Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.

Câu chuyện thời bao cấp xoay quanh căn bếp và mâm cơm nhà đọng lại trong mỗi người thật nhiều cảm xúc. Khi ấy sao khó khăn, thiếu thốn tới vậy nhưng sự nhường nhịn, sẻ chia giữa người với người lại ấm áp hơn bao giờ hết. Ngoài kia dù có bận rộn, đôi khi ta bỏ lỡ đi bữa cơm nhà nhưng hương vị và giá trị của bữa cơm gia đình thì không gì thay thế được. Cảm ơn Quán Thanh xuân đã gợi nhắc lại những giá trị bình dị nhưng quý giá, không chỉ để các thế hệ trước được ôn lại kỷ niệm mà còn khéo léo làm thức tỉnh những ai đang quá bận bịu với cuộc sống ngoài kia rằng, chúng ta vẫn cần cho chính bản thân những phút giây bình yên bên gia đình, chỉ đơn giản bằng những cuộc trò chuyện, bữa cơm ấm áp với món ăn giản dị, tự chế biến...

Kiều Mai