Cải thiện môi trường kinh doanh: Giảm về số lượng thì vô nghĩa!

13:15 | 20/03/2019

222 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đề cập cụ thể hơn về những việc cần làm trong năm nay để cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basicon nhấn mạnh: “Tôi đề nghị phải giảm thật, giảm về thực chất chứ còn cứ giảm về số lượng thì vô nghĩa”.

Nghị quyết 02 sẽ tạo sự bứt phá

Khác với các năm trước, Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019 dự kiến sẽ được đánh số 02, ngay sau Nghị quyết 01 của Chính phủ, thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng “bứt phá đầu tiên là thể chế”.

cai thien moi truong kinh doanh giam ve so luong thi vo nghia
MTKD thời gian qua đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp

Về vấn đề này, ông Hoàng Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, MTKD tại Việt Nam trong những năm qua đã có những cải thiện. Liên tục trong các năm 2014-2018, mỗi năm Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện MTKD và điều này đã mang lại những chuyển biến rất tích cực. Năm 2019 có Nghị quyết 02 vẫn về vấn đề này nhưng cách tiếp cận tương đối khác so với các Nghị quyết 19 trước đây, đó là đặt các mục tiêu ở mức độ vừa phải và quyết tâm đạt được.

“Thay đổi căn bản nhất trong Nghị quyết 02 đó là giao quyền và trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai cải thiện MTKD một cách cụ thể. Đây là một điểm mới và tôi nghĩ sẽ là một trong những điểm bứt phá của năm nay”, ông Giang nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực cải thiện MTKD bằng thể chế từ Chính phủ thì một câu hỏi đặt ra là những nỗ lực cải thiện đó đã thực sự chạm tới cộng đồng doanh nghiệp hay chưa khi vẫn có rất nhiều ý kiến cho rằng dù các chính sách, nghị quyết là rất đúng và kịp thời nhưng khâu triển khai thì còn nhiều vấn đề.

“Về mặt vĩ mô tôi thấy ổn rồi nhưng khâu thực thi phía dưới thì chưa ổn”, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV nói. Và điều đáng mừng là cho dù vẫn “không dễ để sạch trơn ngay được” nhưng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, hay “trên rải thảm, dưới rải đinh” đã ít đi.

Cần thay đổi tư duy

Nhấn mạnh về những vấn đề cần thay đổi và phải thay đổi thế nào để công cuộc cải thiện MTKD đạt hiệu quả, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basicon chỉ rõ, cần kiên quyết xóa bỏ con dấu DN, xóa bỏ ít nhất 1/3 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và tiếp tục xóa bỏ ít nhất 1/2 các điều kiện kinh doanh. Luật sư Trương Thanh Đức cũng đề nghị phải "giảm thật, giảm về thực chất chứ còn cứ giảm về số lượng thì vô nghĩa”.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), MTKD trong thời gian qua đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, ông Hiếu cho rằng cần tiếp tục có những thay đổi về tư duy, theo hướng các cơ quan quản lý nhà nước dù nhìn lại thấy đã làm tốt rồi nhưng vẫn phải suy nghĩ để tìm ra cách thức làm sao làm tốt hơn trong tương lai.

“Những thay đổi tư duy dù nhỏ nhưng phải rất cụ thể và cần tư duy rằng, mình đã làm tốt nhưng nếu DN vẫn kêu khó khăn thì có nghĩa là việc cải cách cần tiếp tục làm tốt hơn”, ông Hiếu nói.

Có thể thấy rằng, sự thay đổi trên là kịp thời, Việt Nam không còn con đường nào khác là phải thay đổi. Năm nay đã nỗ lực cải cách thì sang năm phải gấp đôi, thậm chí là gấp ba, phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần so với trước đây thì mới có thể theo kịp thế giới. Chúng ta đang cải cách rất mạnh nhưng thế giới chuyển động nhanh hơn và đang có một cuộc cạnh tranh trong cuộc đua tới thịnh vượng của các quốc gia bằng việc cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc tham gia các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đã đồng thời mở ra những cơ hội và thách thức. Mặc dù MTKD của Việt Nam đã tăng nhiều bậc trong 5 năm qua nhưng vẫn xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Do đó, vẫn còn nhiều việc phải làm nếu chúng ta muốn thực sự đưa nền kinh tế bứt phá.

Minh Lê