Chuyển đổi năng lượng tại Châu Âu

Cái giá không hề rẻ

09:40 | 13/03/2019

235 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tòa án Kiểm toán châu Âu ước tính chi phí cho quá trình chuyển đổi năng lượng trên khắp châu Âu trong giai đoạn 2021-2030 là 1.120 tỉ euro/năm.

Theo 2 Tổ chức Ademe và OFCE, để đạt được các mục tiêu giảm thải khí CO2 ở Pháp, ngoài gói tài chính cố định cho lĩnh vực năng lượng từ khối nhà nước và tư nhân trị giá 20 tỉ euro/năm, chính phủ cần phải bổ sung thêm các khoản đầu tư khác từ 43-62 tỉ euro/năm.

cai gia khong he re

Để so sánh, các báo cáo cho biết, Pháp đầu tư khoảng 400 tỉ euro/năm vào ngành công nghiệp và GDP của Pháp ước tính vào khoảng 2.300 tỉ euro. Cựu Phó chủ tịch World Bank (WB) Nicholas Stern đề xuất, khoảng 2% GDP nên được sử dụng để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng. Theo đó, tổng số tiền đầu tư vào năng lượng sạch mà Pháp phải bỏ ra khoảng 46 tỉ euro/năm. Nói cách khác, Paris cần khoảng 50-60 tỉ euro/năm để hiện thực hóa giấc mơ chuyển đổi năng lượng.

Theo các chuyên gia, những phương án tài chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu dù rất đa dạng nhưng chỉ đang dừng lại ở thị trường tài chính chứ chưa tập trung nguồn lực vào thị trường năng lượng tái tạo. Chỉ có khoảng 2% GDP từ việc miễn thuế cho các dự án năng lượng tái tạo của khối nhà nước và tư nhân sẽ được các quốc gia châu Âu sử dụng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng trong 3 thập niên tới.

Chính sách hạ thuế thu nhập doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu tài chính (giảm từ 45% năm 1985 xuống còn 20% hiện nay). Đề xuất nâng thuế suất hiện hành thêm 5% sẽ mang lại 100 tỉ euro cho châu Âu và được dùng cho mục đích tái đầu tư vào nghiên cứu chuyển đổi năng lượng. Do quy tắc tính thâm hụt ngân sách giới hạn ở mức 3% GDP, khoản tiền trên sẽ không được các chính phủ duyệt chi nếu họ nhìn nhận chúng như một khoản chi phí thay vì một khoản đầu tư. Vì thế, các nhà nghiên cứu năng lượng phải thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) sửa đổi cách tính thâm hụt này.

Việc tăng dần thuế CO2 sẽ tạo điều kiện để các chính phủ thu về một nguồn tiền khổng lồ nhằm tái đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng. Pháp đã thu về 10 tỉ euro từ thuế CO2 vào năm 2018. Tại Thụy Điển, thuế carbon đã tồn tại từ năm 1996 và số tiền mà Stockholm thu được cao gấp 4 lần so với Paris. Ngoài ra, Pháp cũng đang lên kế hoạch đánh thuế dầu hỏa (ước tính thu về 3 tỉ euro/năm).

Tuy nhiên, mọi biện pháp tăng thuế đơn lẻ của từng chính phủ sẽ không bao giờ đủ khả năng cung cấp nguồn lực tài chính dài hạn cho giấc mơ chuyển đổi năng lượng. Vì thế, EU cần phải đưa ra một cơ chế thống nhất cho tất cả quốc gia thành viên. Các chuyên gia cảnh báo, EU không nên đưa ra những quyết định vội vàng gây ảnh hưởng xấu đến tiến trình chuyển đổi năng lượng mà cần phải nghiên cứu những biện pháp phù hợp với từng quốc gia thành viên.

Một ví dụ về quyết định như vậy là việc loại bỏ lò sưởi dầu ở Pháp. Người dân Pháp thường giữ ấm bằng máy sưởi dầu do chi phí rẻ hơn nhiều so với sử dụng điện năng và gỗ. Để lắp đặt máy bơm nhiệt hay lò sưởi đốt củi, các gia đình ở Pháp có thể phải chi trả hơn 10.000 euro. Sự thay đổi không cần thiết này sẽ chỉ dẫn đến việc thay đổi thói quen sử dụng từ dầu sang điện. Để đạt được các mục tiêu tiêu thụ và phát thải đã đề ra, Paris cần phải loại bỏ sai lầm này và xem xét những biện pháp khả thi hơn.

Chiến lược “khuyến khích” cải tạo nhà ở đã khiến một số quốc gia châu Âu không đạt được các mục tiêu đặt ra trong Luật Chuyển đổi năng lượng cho tăng trưởng xanh. Chẳng hạn, mỗi năm nước Đức chỉ cải tạo được khoảng 3% kế hoạch đề ra. Vì thế, một chính sách bắt buộc cải tạo là cần thiết trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng hiện nay.

Chính phủ cần nghiên cứu các phương án tài chính để bảo đảm chi phí cho việc cải tạo mái ấm của từng hộ gia đình. Có ý kiến cho rằng, tất cả các gói hỗ trợ cải tạo nhà ở không hiệu quả hiện tại nên được thu hồi và được nhà nước chuyển đổi thành một dạng cho vay không lãi suất trong 25-30 năm. Khoản vay này sẽ chỉ được cấp nếu việc cải tạo hoàn tất và hiệu quả. Chính sách này sẽ giúp người dân tiết kiệm được nhiều tiền từ việc cắt giảm chi phí sử dụng năng lượng. Qua đó, họ sẽ chủ động hơn trong các khoản thu chi trong gia đình (khi khoản nợ phải trả cho nhà nước hằng năm sẽ thấp hơn số tiền tiết kiệm được từ giảm sử dụng năng lượng).

Chương trình win-win này sẽ giúp cho 650.000 căn nhà được cải tạo hoàn chỉnh mỗi năm mà không gây hao tốn quá nhiều ngân sách nhà nước như hiện tại. Tốc độ hoàn thành có thể nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào quy mô triển khai (toàn bộ căn hộ trong một chung cư hay từng căn nhà đơn lẻ). Gói cho vay này sẽ hướng đến mọi đối tượng từ cá nhân, chủ nhà cho thuê cho đến cả những người có hoàn cảnh bấp bênh.

Về giao thông, ý tưởng về một chiếc xe sạch hơn bị đánh giá là không giải quyết được vấn đề trọng tâm. Điều này sẽ chỉ chuyển đổi tiêu thụ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang điện trong bối cảnh sản lượng điện năng ngày càng cung không đủ cầu. Do đó, tốt hơn hết là phải tìm cách giảm nhu cầu di chuyển thông qua 3 giải pháp đơn giản, hiệu quả, rẻ tiền: Sử dụng xe đạp; khuyến khích đi chung xe và phổ biến hóa mô hình làm việc từ xa (Telework).

Với giải pháp đi chung xe nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy phương tiện lưu thông (như Grab đã triển khai GrabShare tại nhiều quốc gia châu Á), các chính phủ cần thay đổi nhận thức để đưa ra chính sách ủng hộ phương thức di chuyển tiến bộ này.

Telework cùng với sự phát triển không gian làm việc cũng sẽ hạn chế việc đi lại tốn kém và gây ô nhiễm. Hiện nay, châu Âu đang có đến 20% nhân viên làm việc theo kiểu này. Họ có thể làm việc tại nhà một mình hoặc làm cùng người khác tại các văn phòng dùng chung. Những tòa nhà văn phòng nhỏ với đầy đủ trang thiết bị được kỳ vọng sẽ giúp giảm gần 1 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm ở châu Âu, giúp mỗi nhân viên tiết kiệm được hơn 100 euro/tháng do chi phí thuê rẻ và có thêm 350 giờ nghỉ mỗi năm.

3 giải pháp trên sẽ chỉ xảy ra khi chính phủ xem xét tài trợ khoản tiền 5,7 tỉ euro dưới dạng cho vay lãi suất 0%.

Về vận tải, có một biện pháp rất đơn giản cần được áp dụng ngay lập tức: Bắt buộc đóng gói sản phẩm đúng với kích thước, đặc biệt đối với hàng nông sản, nhằm giải quyết thực trạng những chiếc xe tải chở hàng mà một nửa tải trọng trống rỗng.

Một biện pháp đáng chú ý là “vận tải kép” như Thụy Sĩ đã áp dụng thành công trong 20 năm qua. Hình thức vận tải thông minh này hoạt động dựa trên nguyên lý đưa xe tải hoặc container lên các toa tàu hỏa để di chuyển đến đầu mối mua. Sau đó, xe chở hàng có nhiệm vụ tiếp tục vận chuyển hàng hóa đến từng đại lý.

Ở khía cạnh khác, xe điện và xe hybrid không nên được xem như một giải pháp vạn năng. Chính phủ không nên từ bỏ việc sử dụng khí sinh học và động cơ nhiệt vì toàn bộ cơ sở hạ tầng phân phối và tiêu thụ của chúng đã có sẵn từ lâu. Tiềm năng sản xuất khí sinh học của Pháp là rất đáng kể và đây là nguồn nhiên liệu lý tưởng cho vận chuyển đường dài. Chính phủ Pháp cần ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu và xây dựng các khu công nghiệp liên quan đến nguồn năng lượng sạch này.

Việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo là một vấn đề rất cấp thiết hiện nay. Các nghiên cứu chuyên sâu chỉ ra rằng, năng lượng tái tạo có thể cung cấp 100% sản lượng điện năng vào năm 2050 với chi phí thấp hơn tất cả các phương thức sản xuất điện ít hoặc không tạo ra khí nhà kính khác.

Pháp đã thu về 10 tỉ euro từ thuế CO2 vào năm 2018. Tại Thụy Điển, thuế carbon đã tồn tại từ năm 1996 và số tiền mà Stockholm thu được cao gấp 4 lần so với Paris.

S.Phương