Các quyết định của OPEC có ảnh hưởng tới thị trường dầu mỏ Mỹ?
Ảnh: OP |
Quyết định mới nhất của OPEC làm giảm bớt lo ngại về khả năng dư cung khi mùa thu đang đến gần và giúp đẩy lùi đà giảm của giá dầu. OPEC+ ban đầu dự định tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 10.
Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn, nhằm đưa 2,2 triệu thùng dầu trở lại thị trường trong năm tới. Ngay cả những thay đổi nhỏ về nguồn cung, như 200.000 thùng mỗi ngày, cũng có thể tác động đáng kể đến giá dầu toàn cầu, do nhu cầu toàn cầu hàng ngày là khoảng 100 triệu thùng.
Với sự gia tăng mạnh mẽ về sản lượng dầu ở Mỹ, một câu hỏi được đặt ra: tại sao Mỹ nên quan tâm đến các quyết định của OPEC?
Trên thực tế, Mỹ là nước khai thác dầu hàng đầu thế giới. Theo Đánh giá thống kê về năng lượng thế giới, vào năm 2023, Mỹ khai thác 15,6% lượng dầu của thế giới. Tuy nhiên, Nga và Ả Rập Xê-út lần lượt là nhà sản xuất số 2 và số 3 trên toàn cầu, đều là thành viên của OPEC+. Ngoài ra, nhiều nhà khai thác trong Top 10 toàn cầu đều là thành viên OPEC. Tính tổng, họ chiếm gần 50% sản lượng dầu toàn cầu vào năm 2023.
Hơn nữa, nhiều thành viên của OPEC bao gồm một công ty dầu mỏ quốc gia có sức mạnh thị trường lớn hơn nhiều so với bất kỳ hãng khai thác nào của Mỹ. Ví dụ, Saudi Aramco có thể tác động tới thị trường. ExxonMobil chỉ là một trong hàng nghìn công ty dầu mỏ của Mỹ, và dù có quy mô lớn đến đâu, các quyết định của họ đơn giản là không có tác động đáng kể đến thị trường.
Ngoài khai thác dầu, OPEC còn nắm giữ phần lớn trữ lượng dầu thô đã được xác minh trên thế giới. Các nước OPEC sở hữu 70% trữ lượng đã được chứng minh của thế giới và Nga có 6% khác. Mỹ kém xa với 4% trữ lượng đã được xác minh của thế giới.
Đây là lý do tại sao OPEC thường sử dụng "chiến lược lâu dài" trên thị trường dầu thô. Họ biết nếu họ có thể tồn tại lâu hơn sự bùng nổ dầu đá phiến, họ có thể một lần nữa ở vị trí dẫn đầu thị trường - như trước thời kỳ bùng nổ đá phiến.
Tóm lại, trong khi Mỹ có thể dẫn đầu về khai thác dầu, ảnh hưởng của OPEC đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn đáng kể do sức mạnh khai thác chung và trữ lượng khổng lồ của tổ chức này. Quyết định gần đây của OPEC+ về việc tạm dừng kế hoạch tăng sản lượng dầu nhấn mạnh khả năng của nhóm trong việc định hình nguồn cung và ổn định giá cả.
Chừng nào OPEC còn kiểm soát gần một nửa sản lượng dầu của thế giới và nắm giữ phần lớn trữ lượng đã được xác minh, thì các quyết định của tổ chức này sẽ tiếp tục tác động đến thị trường dầu mỏ trên toàn thế giới, kể cả ở Mỹ.
Hiểu được động lực này là chìa khóa để nhận ra lý do tại sao hành động của OPEC vẫn quan trọng, ngay cả trong kỷ nguyên độc lập về năng lượng của Mỹ.
Bình An
OP
-
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu dư 6.061 tỷ đồng
-
Giá dầu hôm nay (4/10): Dầu thô tiếp tục tăng giá
-
Kế hoạch năng lượng sạch của tân Tổng thống Mexico bị coi là "viển vông"
-
Cơ chế giá trần sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cải thiện lợi nhuận
-
Dự báo tiêu thụ xăng dầu đến 2030 tiếp tục tăng dù xe điện đang trở nên phổ biến