Các giải pháp trong việc phát triển công trình xanh

21:25 | 18/10/2023

154 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 18/10, Viện Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo "Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng" nhằm đưa ra các giải pháp để có thể giúp các chủ đầu tư vừa giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành, lại vừa đạt được công trình bền vững hiệu quả.

Theo đánh giá của Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay, chi phí là một trong những khía cạnh đặc biệt quan trọng trong việc phát triển, quản lý các dự án công trình hiệu quả năng lượng. Đồng thời, đây cũng là một trong các rào cản lớn đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản muốn xây dựng và vận hành công trình bền vững tại Việt Nam.

Các giải pháp trong việc phát triển công trình xanh
PGS. TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết, trong những năm gần đây, các cơ chế, chính sách về công trình xanh đã được ban hành khá đầy đủ. Gần đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiết kiệm hiệu quả năng lượng toà nhà… Chính vì vậy, số lượng công trình xanh tại Việt Nam qua mỗi năm đã ghi nhận chiều hướng tăng. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam có khoảng hơn 200 công trình xanh, sang năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 300 công trình xanh.

Tuy nhiên, PGS. TS Lê Trung Thành cho rằng, vẫn còn không ít doanh nghiệp phân vân việc đầu tư phát triển các công trình xanh do lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực am hiểu để phát triển. Vì vậy, để công trình xanh tại Việt Nam được đẩy mạnh về số lượng, cũng như đảm bảo về chất lượng, việc tìm ra các giải pháp khắc phục các lo ngại trên là rất quan trọng.

Các giải pháp trong việc phát triển công trình xanh
Ông Trần Thành Vũ - Giám đốc Công ty TNHH EDEEC; Chủ tịch Hiệp hội mô phỏng Việt Nam chia sẻ về “Giải pháp tổng thể nhằm giảm chi phí đầu tư cho công trình xan, công trình hiệu quả năng lượng”.

Theo ông Trần Thành Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Edeec, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường. Điều này cho thấy, chi phí đầu tư đang là một trong những yếu tố gây cản trở đến việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay.

“Việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các Chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, lựa chọn phương án tài chính hợp lý và đặc biệt là biết sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách, tiến tới thực hiện Net Zero Energy”, ông Trần Thành Vũ bày tỏ.

Đưa ra giải pháp tổng thể trong việc hoá giải các lo ngại về phát triển công trình xanh tại Việt Nam, các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng, Chủ đầu tư nên nắm rõ việc sử dụng các vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng cùng với đó là hướng tới thực hiện Net Zero nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, chi phí vận hành.

Các giải pháp trong việc phát triển công trình xanh
Ông Tạ Đắc Quý - Trung tâm Kiểm định Vật liệu xây dựng - Viện Vật liệu xây dựng trình bày tham luận “Vật liệu cách nhiệt - Xu hướng sử dụng cho công trình xanh an toàn, bền vững; Thiết bị và phương pháp xác định các chỉ tiêu liên quan”.

Chia sẻ về vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, ông Tạ Đắc Quý - chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng cho hay, tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động trong những năm gần đây khiến nhiều ngành nghề đang có xu hướng tìm đến sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, trong đó có ngành vật liệu xây dựng. Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng vật liệu cách nhiệt - vật liệu xanh đang ngày càng được quan tâm và sử dụng rộng rãi vì những lợi ích mà vật liệu này mang lại.

Theo đó, có 5 lợi ích rõ rệt từ việc sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, bao gồm: Trang bị vật liệu cách nhiệt để không gian trở nên mát mẻ, thoáng đãng là điều hết sức cần thiết giúp duy trì sức khỏe tốt và tâm lý thoải mái; Việc trang bị vật liệu cách nhiệt giúp ngăn cản tác động của tia UV vào trong không gian của công trình xây dựng giúp bảo vệ da cũng như sức khỏe con người; Vật liệu cách nhiệt có tác dụng ngăn cản tối đa nhiệt lượng ảnh hưởng vào trong nhà từ đó giúp tiết kiệm 20 - 30% điện năng tiêu thụ mỗi tháng từ các thiết bị làm mát như quạt máy, điều hòa;

Ngoài khả năng chống nóng tốt, các loại vật liệu cách nhiệt hiện nay khá đa dạng mẫu mã giúp giữ được tính thẩm mỹ của công trình, phù hợp với nhiều vị trí khác nhau trong công trình xây dựng; và vật liệu cách nhiệt đảm bảo được các yếu tố không hút nước hoặc cản nước nên giữ được sự bền đẹp cho công trình xây dựng. Đồng thời, vật liệu này có tuổi thọ cao và có thể tái chế, không phát thải các khí độc hại ra môi trường.

Các giải pháp trong việc phát triển công trình xanh
Toàn cảnh hội thảo.

Ông Tạ Đắc Quý cho hay, với những lợi ít nói trên, có thể thấy, việc sử dụng các vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng là yêu cầu cần thiết trong phát triển các công trình xanh. Điều này sẽ giúp chất lượng các công trình xanh đảm bảo, đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng và đặc biệt là tiết kiệm được chi phí đầu tư, vận hành.

Các giải pháp trong việc phát triển công trình xanh
Bà Nguyễn Bích Ngọc - Giám đốc Sen Vàng Group chia sẻ về “Chiến lược Xanh - Phát triển bền vững cho các doanh nghiệp bất động sản”.

Ở góc độ là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu công trình xanh, bà Nguyễn Bích Ngọc - Giám đốc Sen Vàng Group cho rằng, chỉ có cây xanh thì không phải là công trình xanh mà công trình xanh là phải xanh từ vật liệu, xanh từ không gian sống, xanh từ năng lượng, vận hành…. Vì vậy, cần phân biệt rõ chứng chỉ xanh và công trình xanh. Bởi chứng chỉ xanh không phải là tất cả.

Theo bà Nguyễn Bích Ngọc, thông thường các công trình xanh hiện nay chỉ góp mặt ở khâu thiết kế. Tuy nhiên, để là một công trình xanh đúng nghĩa, Chủ đầu tư cần xây dựng chiến lược xanh bền vững, thể hiện rõ từ khâu đầu cho đến khâu cuối trong quy trình phát triển dự án của mình. Cụ thể là từ khâu tìm kiếm đất, phát triển sản phẩm, triển khai sản xuất, triển khai bán hàng, vận hành quản lý sau bán hàng cho đến khâu cuối cùng là quản lý sản phẩm khi đi vào sử dụng.

N.H

Tiết kiệm năng lượng - Xu thế tất yếu của các công trình tương laiTiết kiệm năng lượng - Xu thế tất yếu của các công trình tương lai
Những nhà máy “xanh” tiên phong ở Việt NamNhững nhà máy “xanh” tiên phong ở Việt Nam
Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26
Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023: Thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựngTuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023: Thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng