Những nhà máy “xanh” tiên phong ở Việt Nam

06:00 | 20/08/2022

2,063 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những nhà máy “xanh” đầu tiên đã mở ra một xu hướng mới trong xây dựng các công trình công nghiệp theo hướng thân thiện và tiết kiệm năng lượng.
Những nhà máy “xanh” tiên phong ở Việt Nam
Nhà máy Cogate Palmolive Việt Nam

Năm 2010, Nhà máy Cogate Pamolive Việt Nam tọa lạc tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước III (Bình Dương) trở thành công trình đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế theo tiêu chuẩn công trình xanh LEED hạng Bạc của Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC).

Một năm sau, chứng chỉ LEED Bạc thứ hai được trao cho Trung tâm kho vận của công ty YCH Protrade Distripark. Lúc này, sự hiện diện của những công trình công nghiệp xanh đầu tiên tại Việt Nam đã đánh dấu bước chuyển quan trọng về nhận thức và xu hướng xanh hóa các xí nghiệp, nhà máy.

Những nhà máy “xanh” tiên phong ở Việt Nam
Nhà máy Deutsche Bekleidungswerke

Năm 2016, Nhà máy Deutsche Bekleidungswerke (DBW) tại Khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) trở thành nhà máy đầu tiên được công nhận chứng nhận LOTUS Bạch kim, là chứng nhận hạng cao nhất của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam - hệ thống tiêu chí công trình xanh đầu tiên được phát triển dành riêng cho thị trường xây dựng tại Việt Nam.

DBW là nhà máy của Royal Spirit Group, một tập đoàn toàn cầu về sản xuất thời trang và quản lý chuỗi cung ứng - với có tổng diện tích 18.000 m2 nằm trong KCN Long Hậu (Long An). Nhà máy DBW sử dụng năng lượng tái tạo (xăng sinh học và pin quang điện (165.1 kWp), tái chế 93% phát thải xây dựng với khu vực dành riêng để phân loại và tập kết sản phẩm tái chế, sử dụng mái xanh hơn 1.000 m2 để trồng các loại rau cung cấp cho nhà ăn.

Chương trình LEED và LOTUS đều được quốc tế công nhận là thuộc nhóm những chứng chỉ công trình xanh khắt khe nhất hiện nay về cả các tiêu chuẩn bền vững về môi trường cho các tòa nhà cũng như thực hành trách nhiệm xã hội. Và hiện đây là hai trong số các chương trình chứng nhận công trình xanh toàn diện và phổ biến nhất tại Việt Nam. Ngoài ra còn có các chứng nhận như EDGE (IFC Tổng công ty tài chính quốc tế - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới), BCA - GREEN MARK (Hội đồng công trình xanh Singapore).

Trong những năm tiếp theo, các nhà máy xây dựng mới và mở rộng lần lượt gia tăng số lượng đăng ký và xây dựng theo các tiêu chuẩn công trình xanh: Năm 2012-2013 có 6 công trình công nghiệp, năm 2014 là 10 công trình, năm 2015 là 12 công trình, năm 2016-2017 là 15 công trình.

Tổng cộng từ năm 2010 đến năm 2017, 45 công trình công nghiệp Việt Nam đã áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh. Các dự án có thể được thực hiện theo các tiêu chí chứng nhận xanh khác nhau song đều có mang lại lợi ích cả về môi trường, vận hành và sức khỏe cho người lao động.

Những công trình tiêu biểu có thể kể đến như Nhà máy kết cấu thép ATAD (đạt chứng nhận LEED Vàng), đây là nhà máy kết cấu thép đầu tiên tại châu Á đạt tiêu chuẩn này. Nhà máy đã giảm 15% mức tiêu thụ làm mát hàng năm với mái nhà làm bằng vật liệu phản xạ mặt trời, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước mưa biến thành nước sinh hoạt, tưới tiêu, hệ thống năng lượng mặt trời, gió được lắp đặt để tái tạo nguồn điện, giảm tối đa chi phí và và bảo vệ môi trường. Tại công trình, các yếu tố nhiệt độ, thông gió, ánh sáng đều được tính toán để mang đến môi trường làm việc thoải mái nhất cho công nhân viên.

Những nhà máy “xanh” tiên phong ở Việt Nam
Trụ sở văn phòng Nhà máy kết cấu thép ATAD

Hay Nhà máy Coca Cola Việt Nam (tại Thủ Đức, TP HCM) đạt chứng nhận LEED Bạc. Công trình này sử dụng hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí hiệu quả cao giúp giảm hút ẩm, hiệu quả hơn các hệ thống thông thường, hệ thống thiết bị hiệu quả nước cao hơn 35% so với một tòa nhà thông thường. Đồng thời nhà máy cũng sử dụng các vật liệu địa phương, tái chế và phát thải thấp.

Nhà máy Bel Greenfield Asean tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (Bình Dương) đạt chuẩn LOTUS Bạc. Nhà máy này có thể tiết kiệm 20% năng lượng, giảm 74% OTTV (chỉ số truyền nhiệt tổng), sử dụng 21% vật liệu có nguồn gốc tái chế, bền vững và tái tạo nhanh khi xây dựng công trình.

Những nhà máy “xanh” tiên phong ở Việt Nam
Nhà máy Đồng Phú Cường

Nhà máy Đồng Phú Cường tọa lạc tại Cụm Công nghiệp Phú Cường (Đồng Nai) nhận chứng nhận LOTUS Bạch kim năm 2017. Dự án bao gồm một nhà máy (trong đó có không gian văn phòng), một nhà kho và một căng-tin được triển khai với một loạt giải pháp xanh, tiêu biểu như: hệ thống đèn LED, pin năng lượng mặt trời, hệ thống thu nước mưa và xử lý nước thải, giám sát nồng độ CO2, chiếu sáng tự nhiên và tối ưu tầm nhìn ra không gian xung quanh công trình.

Có thể thấy, sự hiện diện các công trình công nghiệp xanh của các thương hiệu nổi tiếng thế giới đặt tại Việt Nam đã tạo nên xu hướng xây dựng công trình xanh trong lĩnh vực công nghiệp, làm tiền đề cho các chủ doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và nhanh chóng nhập cuộc… Và hiện nay, các công ty Việt Nam đã ngày càng nhận thức được tầm quan trọng khi quan tâm và sử dụng các chứng chỉ xanh cho các nhà máy của chính mình.

Trong xu thế chung của thế giới, xây dựng và thiết lập hệ thống nhà máy xanh được coi là một trong những bước chuyển mình quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, đầu tư cho một hệ thống nhà máy xanh trung bình cao hơn công trình thông thường cùng loại từ 5% đến 15%. Tuy nhiên, chi phí vận hành của nhà máy xanh sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường 20-30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Do đó trung bình sau 4-5 năm, tổng số tiền tiết kiệm từ chi phí vận hành có thể bù đắp vốn cho các chủ đầu tư nhà máy xanh.

Bởi vậy, việc đặt ra vấn đề thiết kế và xây dựng công trình công nghiệp tại Việt Nam theo các tiêu chuẩn xanh là rất quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng cũng như cho chính các chủ doanh nghiệp.

Tiết kiệm năng lượng - Xu thế tất yếu của các công trình tương laiTiết kiệm năng lượng - Xu thế tất yếu của các công trình tương lai
4 công trình xanh được đón chờ nhất năm nay4 công trình xanh được đón chờ nhất năm nay
Thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, hiệu quả năng lượngThúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, hiệu quả năng lượng

H.Thanh