Các chuyên gia nói gì về việc khôi phục các đường bay thường lệ quốc tế?

07:36 | 11/11/2021

130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc khôi phục các đường bay thường lệ là cần thiết, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hàng không và du lịch, bên cạnh đó các chuyến bay thường lệ sẽ giúp giảm chi phí cho người dân...

Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Tọa đàm trực tuyến “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn” do Báo Giao thông tổ chức ngày 10/11.

Các chuyên gia nói gì về việc khôi phục các đường bay thường lệ quốc tế?

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đề xuất nối lại bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh.

GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng nhận định, hiện đã là “thiên thời địa lợi”, các yếu tố khách quan và chủ quan đều phù hợp cho việc khôi phực đường bay quốc tế thường lệ. Khôi phục đường bay là cần thiết. Điều này ngoài thể hiện sự hồi phục của ngành hàng không, còn cho thấy vị thế của Việt Nam về kiểm soát dịch, sẵn sàng cho sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế.

Trưởng ban Kế hoạch và phát triển của Vietnam Airlines Nguyễn Quang Trung, cho biết, nếu chậm mở cửa thị trường quốc tế thì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hàng không, du lịch sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, khả năng phục hồi của thị trường cũng sẽ chậm hơn khi các nước trong khu vực mở cửa trước.

Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho biết, đối với những chuyến bay giải cứu, chúng ta đang chở khách một chiều, dẫn tới chi phí trên một đầu ghế/khách tăng gấp đôi. Thời gian tới mở lại chuyến bay thường lệ sẽ có khách 2 chiều, thì giá vé chắc chắn sẽ thấp hơn.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ, kế hoạch của Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về việc từng bước tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam trong đó có công dân Việt Nam. Nếu tháng 4/2022, chúng ta thông qua kế hoạch bay lại quốc tế mà không cần phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, chỉ cần yêu cầu y tế thì hành khách có thể mua vé bay về. Ông Trần Văn Phương Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bổ sung thêm, Cục đang tiếp tục xây dựng các chuyến bay hỗ trợ công dân về nước, thực tế đã xây dựng kế hoạch trong thời điểm ngắn hạn, phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước. Còn thời điểm tháng 4/2022 còn phải chờ ý kiến của Chính phủ về đề xuất của Bộ GTVT.

Phó cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho biết Bộ Ngoại giao ước tính nhu cầu của công dân về nước khoảng 200.000 người. Một số khách không thể chờ được các chuyến bay combo nên phải đi các chuyến bay du lịch và phải cách ly 7 ngày, sau đó mới được về.

Về chính sách cách ly, đại diện Vietnam Airlines đề xuất bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những thị trường được đánh giá kiểm soát tốt, tỷ lệ dân cư đã tiêm vắc xin cao, khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm Covid-19 âm tính trước và sau chuyến bay thì có thể cách ly hoặc cách ly một ngày.

Hãng hàng không mong muốn kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế sẽ mở rộng cho tất cả đối tượng khách có visa, hộ chiếu đầy đủ theo quy định, tức là không phân biệt khách hồi hương, khách chuyên gia, khách doanh nhân hay khách đến Việt Nam du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc xác định mở ra phải an toàn, an toàn đến đâu, mở ra đến đó, cứ thí điểm và triển khai dần. Cùng đó, Tổng cục Du lịch cũng đang triển khai các chương trình truyền thông để xúc tiến, quảng bá rộng rãi đến du khách, để từng bước mở cửa du lịch.

Trước đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ theo 3 giai đoạn. Yêu cầu chung đối với hành khách đến Việt Nam là phải có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2; thực hiện sàng lọc y tế tại sân bay đến theo quy định; phải cài đặt và khai báo y tế trên ứng dụng kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn.

Dự kiến từ quý I/2022, Bộ GTVT sẽ tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam. Đối tượng hành khách có thể là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài.

Các đường bay được khôi phục trong giai đoạn này gồm Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Đức, Nga, Pháp, Anh, Australia (là các nước đã có độ phủ vắc xin cao hơn Việt Nam) và các thị trường an toàn khác.

Bộ GTVT dự kiến tần suất bay là 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Dự kiến tổng lượng hành khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 12.000 người/tuần. Phép bay sẽ được cấp dựa theo năng lực tiếp nhận, cách ly của các địa phương.

Hành khách trong giai đoạn này phải tiêm đủ liều vắc xin (hoặc đã khỏi Covid-19) và phải cách ly tập trung 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ GTVT đề xuất 3 giai đoạn nối lại các chuyến bay quốc tếBộ GTVT đề xuất 3 giai đoạn nối lại các chuyến bay quốc tế
Những đường bay quốc tế nào được đề xuất khôi phục trong quý IV/2021?Những đường bay quốc tế nào được đề xuất khôi phục trong quý IV/2021?

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan