Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thay đổi sự hiện diện của doanh nghiệp Trung Quốc ở Nga như thế nào?

20:13 | 24/05/2023

560 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đó là chủ đề của Tạp chí Carnegie nổi tiếng với những phân tích độc lập của tác giả Vita Spivak về các vấn đề lớn toàn cầu đặt ra. PetroTimes.vn xin phép được giới thiệu với bạn đọc.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thay đổi sự hiện diện của doanh nghiệp Trung Quốc ở Nga như thế nào?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc sang Liên bang Nga. Ảnh: TASS.

Theo Carnegie, trong khi hàng ngàn công ty đa quốc gia rời khỏi Nga kể từ tháng 2/2022 để phản đối chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine của thì hầu hết các công ty Trung Quốc làm việc tại Nga vẫn giữ im lặng về cuộc chiến, một số thậm chí còn tăng cường sự hiện diện của họ, mặc cho các biện pháp trừng phạt được Ủy ban châu Âu nhắm vào một số công ty Trung Quốc.

Cách thức hoạt động kinh doanh của Trung Quốc là bất cứ khi nào có thể, các công ty Trung Quốc đang tận dụng những lợi ích ngắn hạn của thị trường Nga, đồng thời cố gắng tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Tận dụng lợi thế của sự cạnh tranh giảm, một số phân khúc nhất định của thị trường tiêu dùng Nga đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt trong tỷ trọng hàng hóa Trung Quốc năm 2022.

Điều đó thể hiện rõ nét ở thị trường ô tô. Thị trường ô tô Nga bị thống trị bởi các thương hiệu Trung Quốc kể từ năm ngoái, khi chỉ có 14 trong số 60 thương hiệu ô tô còn tồn tại trên thị trường Nga, trong đó 11 thương hiệu Trung Quốc và 3 thương hiệu địa phương.

Vào năm 2022, các mẫu xe Trung Quốc chiếm 20% doanh số bán ô tô mới ở Nga, tăng mạnh so với mức khoảng 6% vào năm 2021. Theo một số ước tính, thị phần bán ô tô Trung Quốc trên thị trường Nga có thể đạt 40%.

Năm 2023, mặc dù giá mặt hàng này đang tăng đối với người tiêu dùng Nga, nhưng ít nhất 2 thương hiệu ô tô mới của Trung Quốc là Hongqi - một thương hiệu ô tô hạng sang ban đầu chỉ được sản xuất cho danh nghĩa Trung Quốc - và Omoda - một công ty con của thương hiệu ô tô Chery được tạo riêng cho thị trường Nga - vẫn sẽ đến Nga trong năm nay.

Trước đó, cuối năm 2022, các nhà bán lẻ lớn của Nga báo cáo rằng các nhà sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc hiện dẫn đầu phân khúc máy giặt, tủ lạnh, máy tính xách tay cá nhân và điện thoại thông minh. Các báo cáo này phù hợp với dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc, cho thấy xuất khẩu máy giặt tăng 35,5% và xuất khẩu tủ lạnh sang Nga tăng 6,4% vào năm 2022 so với năm trước.

Một số công ty Trung Quốc đang tiếp tục kế hoạch nội địa hóa ở Nga. Haier, nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu, đã xác nhận ý định hoàn thành việc xây dựng nhà máy thứ tư đang bị trì hoãn ở Nga. Trong khi đó, nhà máy sản xuất tủ lạnh Haier hiện có ở Nga dường như đã đáp ứng được nhu cầu, vì thương hiệu này chiếm hơn 20% thị trường tủ lạnh ở Nga vào năm ngoái.

Sau khi Apple và Samsung rút khỏi thị trường Nga, điện thoại thông minh Trung Quốc đã trở thành thế lực thống trị doanh số bán hàng, chiếm 70% thị trường vào năm 2022. Theo dữ liệu từ các nhà bán lẻ lớn nhất, những người dẫn đầu là Xiaomi, Realme và Tecno - mặc dù không phải Huawei, một trong những nhà sản xuất công nghệ lớn nhất của Trung Quốc.

Giống như các công ty Trung Quốc khác, Huawei đã giữ im lặng về cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, một số báo cáo cho thấy công ty đã nhanh chóng rời khỏi thị trường Nga từ tháng 3/2022, ngay sau khi lệnh trừng phạt đầu tiên được áp dụng đối với Moscow. Không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về vấn đề này, Huawei chỉ đơn giản là ngừng thực hiện các hợp đồng cung cấp với Nga.

Vào tháng 5/2022, Bộ Phát triển Kỹ thuật số của Nga bày tỏ lo ngại rằng Huawei - một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất cho Nga, với thị phần khoảng 30% - đã ngừng liên lạc với các khách hàng của mình ở Nga. Vào mùa hè 2022, truyền thông Nga đưa tin rằng Huawei đã bắt đầu đóng cửa các cửa hàng bán lẻ của mình ở Nga, cả ngoại tuyến và trực tuyến. Một số nhà điều hành trung tâm đã đệ đơn kiện gã khổng lồ Trung Quốc, cáo buộc vi phạm hợp đồng cho thuê. Huawei cho biết họ đã đóng cửa các cửa hàng do thiếu sản phẩm, nhưng không đưa ra bất kỳ lời giải thích chính thức nào về việc ngừng cung cấp cho Nga.

Sự khác biệt chính giữa Huawei và các thương hiệu công nghệ Trung Quốc khác đang tiếp tục kinh doanh tại Nga là Huawei từ lâu đã phải chịu các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại trên thị trường toàn cầu. Vào năm 2019, Washington đã cấm Huawei mua linh kiện và công nghệ tại Hoa Kỳ, điều này đã hạn chế khả năng tiếp cận của công ty đối với chất bán dẫn.

Đáng lưu ý là hãng sản xuất máy bay không người lái DJI của Trung Quốc, tuyên bố đình chỉ hoạt động tại Nga. Máy bay không người lái (UAV) của hãng này đã bị Hoa Kỳ cấm xuất khẩu và cấm đầu tư kể từ năm 2020, sau đó vào tháng 3/2022, bị quốc tế giám sát khi Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov nói rằng các sản phẩm của DJI đang được quân đội Nga sử dụng ở Ukraine.

Các doanh nghiệp tài chính toàn cầu của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức tương tự. UnionPay, một hệ thống thanh toán của Trung Quốc được coi là cứu cánh cho nhiều người Nga sau khi Visa và MasterCard ra đi vào tháng 3/2022, đã hạn chế tiếp xúc với các ngân hàng bị trừng phạt ở Nga. Hai ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc - ICBC và Ngân hàng Trung Quốc đã ngừng hoạt động hoàn toàn ở Nga và Belarus vào đầu năm 2022, trong khi hai tổ chức phát triển do Trung Quốc lãnh đạo, gồm Ngân hàng Phát triển Mới và Ngân hàng Phát triển Cơ sở Hạ tầng Châu Á, cũng hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với nguồn tài chính của họ vào năm 2022.

Các biện pháp trừng phạt cũng đang ngăn cản một số công ty Trung Quốc tiếp tục hợp tác ở Nga. Tháng 9/2022, Tập đoàn Weichai, nhà sản xuất động cơ diesel thuộc sở hữu nhà nước, đã ngừng cung cấp cho đối tác sản xuất xe tải Kamaz của Nga, vốn đã bị Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt vào tháng 6/2022. Reuters đưa tin rằng việc hạn chế nguồn cung diễn ra sau một cảnh báo về các biện pháp trừng phạt thứ cấp do chính phủ Trung Quốc ban hành đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước làm việc với Nga. Cũng trong tháng 9/2022, liên doanh của hai công ty, Kamaz Weichai LLC, được đổi tên thành Volzhskiye Industrial Engines LLC, loại trừ bất kỳ đề cập nào đến sự tham gia của Trung Quốc.

Rủi ro trừng phạt dường như cũng đã ngăn cản số lượng nhà đầu tư Trung Quốc vốn đã hạn chế ở Nga, ngay cả các công ty nhà nước đã dẫn đầu trước đây. Vào năm 2022, Nga không nhận được khoản đầu tư lớn nào từ Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh đã tăng cường tài trợ cho các dự án Vành đai và con đường ở các quốc gia khác.

Tháng 3/2022, Sinopec, một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng của Nga, đã đóng băng các cuộc đàm phán về khoản đầu tư 500 triệu đô la theo kế hoạch vào một nhà máy hóa dầu ở Nga. Một lần nữa, Reuters đưa tin rằng quyết định của Sinopec được thúc đẩy bởi các hướng dẫn của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty nhà nước về những rủi ro khi hợp tác với Nga. Đối tác của Sinopec trong dự án theo kế hoạch là Sibur, có cổ đông Gennady Timchenko, đã bị Hoa Kỳ trừng phạt từ năm 2014 và đã được thêm vào danh sách trừng phạt của EU và Vương quốc Anh vào năm 2022.

Với áp lực từ việc gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga và căng thẳng của chính Bắc Kinh với phương Tây ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ càng khó tiếp tục hoạt động dưới tầm ngắm của các biện pháp trừng phạt. Xu hướng một số công ty nổi tiếng của Trung Quốc hạn chế tiếp xúc với Nga dường như đang lan sang các doanh nghiệp nhà nước, vốn được coi là ít bị tổn thương trước các rủi ro trừng phạt và sẵn sàng đầu tư vào Nga hơn.

Có vẻ nhà nước Trung Quốc đã có những hướng dẫn điều chỉnh. Trước năm 2022, các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc thống trị trong quan hệ hợp tác với Nga thì ngày nay, các công ty tư nhân và các nhà sản xuất khu vực với mức độ tiếp xúc quốc tế hạn chế dường như đang dẫn đầu. Kết quả là trong quý đầu tiên của năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng 67,2% một cách đáng kinh ngạc.

Elena thực hiện