Gameshow truyền hình:

Cả thèm chóng chán

15:31 | 25/08/2012

1,416 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không thể phủ nhận, công cuộc xã hội hóa truyền hình với sự tham gia của đông đảo các tập đoàn, công ty tư nhân đã đem lại diện mạo mới cho sóng truyền hình. Nhờ sự hợp tác công tư này mà công chúng được biết đến hàng loạt chương trình nổi tiếng có bản quyền nước ngoài. Từ “Ai là triệu phú”, “Hãy chọn giá đúng”… đình đám một thời cho đến “Bước nhảy hoàn vũ”, “Vietnam Got Talent” và hiện tại là “The Voice” om sòm sau mỗi lần phát sóng hiện nay. Con đường phát triển gameshow nói riêng, các chương trình giải trí nói chung trên sóng truyền hình đã đi qua thời nấm mọc sau mưa để bước vào bên kia đỉnh dốc với sự… ê hề ngán ngẩm.

Mục tiêu giải trí

Khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ trước, sự xuất hiện của SV 96 đã làm dấy lên một cơn bão trên tivi. Cùng với chương trình này, khán giả Việt bắt đầu biết đến khái niệm gameshow. Sự ra đời của gameshow cũng gần như là một thước đo để định liệu sự mạnh yếu của một đài truyền hình. Bởi sản xuất được game, có nghĩa phải có nhiều tiền, có đủ thiết bị kỹ thuật, có kịch bản hay, có đạo diễn giỏi, có một ekíp chạy việc chuyên nghiệp…

Gameshow đã khiến khán giả yêu thích truyền hình hơn, tính tương tác cao hơn, theo đó, quảng cáo thu về cũng nhiều hơn. Điều quan trọng, tiền thưởng cũng ngày càng giá trị hơn.

Chương trình “The Voice”

Một trong những lý do để “Hãy chọn giá đúng” tạo nên cơn sốt một thời trong khán giả, đó là cơ hội kiếm tiền nhiều và… dễ. Chẳng cần tri thức cao siêu gì, cũng chẳng cần phải động não cực khổ, chỉ cần quen… đi chợ, là cũng đã có cơ hội ôm về nhà nào tivi, tủ lạnh mấy triệu bạc, thậm chí cả chiếc xe máy mấy chục triệu. Những năm 2000 có thể nói là thời của “Hãy chọn giá đúng”. Khán giả sục sôi kiếm vé vào trường quay tham dự chương trình. Doanh nghiệp đua nhau xin tài trợ. Và “Hãy chọn giá đúng” được xem là một trong những “quả đấm thép” của Đài Truyền hình Việt Nam, để khởi đầu cho một xu hướng mới. Phần lớn trong số đó là gameshow mua bản quyền và do tư nhân hợp tác sản xuất. Với giá trị giải thưởng hàng chục, hàng trăm triệu đồng dành cho người chiến thắng.

Dĩ nhiên, gameshow nói riêng và các chương trình mang tính giải trí nói chung là mảnh đất màu mỡ đầu tiên để các công ty tư nhân, các tập đoàn truyền thông thò bàn tay của mình vào nút điều khiển tivi. Và thật sự, cả bốn bên đều có lợi trong cái bắt tay “lịch sử” này của ngành truyền hình Việt Nam. Nhà đài, công ty truyền thông, doanh nghiệp (tài trợ, quảng cáo) và khán giả, ai cũng có được lợi ích trong đó.

Có một đối tượng khác cũng có lãi nhờ gameshow truyền hình. Đó là nghệ sĩ. Nghệ sĩ lấn sân làm MC, hành nghề chẳng kém gì nghề tay phải như Quyền Linh, Xuân Bắc. Nghệ sĩ tham gia làm khách mời, hay người chơi, vừa có cơ hội xuất hiện trước ống kính truyền hình vừa thể hiện tài năng, lên sóng trực tiếp hằng tuần thu hút mọi ánh nhìn của công luận. Không thể phủ nhận, các sân chơi này là một bệ phóng quá tốt để các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ lao thẳng lên đài vinh quang, một bước thành sao, một bước đẩy cát-xê lên giời. “Vietnam Idol”, “Sao Mai điểm hẹn” là những ví dụ. Chưa tính đến những “Bước nhảy hoàn vũ”, “Cặp đôi hoàn hảo”… đã khiến tên tuổi của một số người chơi dù không cần tài nhưng vẫn thành danh, rồi các các ngôi sao lĩnh vực khác cũng “ăn theo” mà nổi tiếng hơn hẳn…

Tung hô bằng mọi giá

Càng ngày, càng thấy gameshow (hiểu theo nghĩa rộng là chương trình giải trí) thực đã gắn với scandal như cái bóng. Cho dù là lộ liễu hay khôn khéo, thì hầu như trước, đang trong thời điểm phát sóng, thể nào cũng có chuyện ầm ĩ trên báo liên quan đến chương trình. Khi thì thí sinh lỡ mồm. Khi thì ban giám khảo hớ miệng. Người này lên báo thanh minh. Người kia phát ngôn đính chính. Khán giả comment. Cứ thế loạn xạ cả lên. Hệ quả là sức nóng của chương trình thông qua các spot quảng cáo càng lúc càng tăng cao. Và có lẽ, với ban tổ chức (bao gồm nhà đài, công ty truyền thông) thì vậy cũng được xem thành công rồi. Công nghệ PR của các công ty truyền thông cũng càng ngày càng đạt đến trình độ cao hơn, chuyên nghiệp hơn. Theo đó, tạo nên hiệu ứng xã hội rộng lớn, tạo nên cái “hố” thu hút dư luận hơn hẳn bất kỳ một ekíp sản xuất truyền hình chuyên nghiệp nào. Thời nay, hình như cái gọi là tay nghề truyền hình cũng không phải là vấn đề quá quan trọng. Format không viết được thì mua bản quyền. Cái cần là một công nghệ truyền thông để

lăng-xê nó bằng mọi giá, kể cả tạo dư luận xấu, kể cả chửi bới nhau, kể cả mua bán giải… tất tần tật đều được sử dụng, miễn sao dư luận sôi ùng ục lên, người khen kẻ chê, vậy là đủ! Nên bây giờ, cứ hễ có chương trình nào chuẩn bị lên sóng là y như rằng, khán giả chuẩn bị mắt tai để xem nghe scandal!

Dàn xếp thay dàn dựng?

Không thể phủ nhận “The Voice” đang nóng dần từng ngày trên các diễn đàn bởi cuộc chiến Lam – Hà + Hưng mà ngày nào cũng có bài tin cập nhật tình hình trên mạng. Hết Đàm Vĩnh Hưng từ mặt Thanh Lam, đến Hà Hồ vỗ mông con để trả đũa. Rồi ngay cả một nhạc sĩ đáng kính là cựu chồng của Diva cũng bị kéo vào cuộc… Rõ ràng, Thanh Lam là một ca sĩ có tài, một giọng hát có đẳng cấp. Việc chị lên tiếng nghi ngờ khả năng huấn luyện của ông hoàng và bà chúa showbiz hiện nay chẳng có gì đáng gọi là ầm ĩ. Thanh Lam cũng chỉ nói đôi câu nghe như lời nhận xét trung thực, thẳng thắn mà thôi nhưng Hưng + Hà, nhất là Hưng thì “đập” thần tượng của mình chan chát đầy phẫn nộ như thể lòng kiêu hãnh bị tổn thương, cùng cực bằng một thái độ khiến khán giả không thể không sinh nghi. Hay lại là một chiêu bài truyền thông của nhà tổ chức? Nếu là một người khác thì có lẽ kịch tính không cao như vậy. Lại là Thanh Lam thì mới đáng để bàn. Rõ ràng, hiệu ứng “chiến sự” Lam – Hưng + Hà đã đi theo một quỹ đạo đang dần trở nên quen thuộc với khán giả, đến mức, bây giờ, ngay cả những người đứng đắn nhất cũng buộc lòng nghi ngờ chính Thanh Lam. Liệu rằng, đó có phải là một cái bẫy truyền thông?

Một đạo diễn nổi tiếng từng tham gia nhiều gameshow với tư cách giám khảo từng nói: “Gameshow dàn xếp chứ không dàn dựng”. Chẳng biết nên hiểu đây là một lời tố cáo hay bào chữa, chỉ biết không phải những thứ mà chúng ta mắt thấy tai nghe đều đúng với sự thật. Rốt cuộc, sau khi một chương trình kết thúc, điều đọng lại trong khán giả không phải là chúng ta đã phát hiện ra tài năng nào, mà là quả bom scandal đã nhanh chóng được dập tắt như chưa từng xảy ra, tồn tại. Vậy, suy cho cùng, thì nhà đài đã có một sân chơi mang tính giải trí lành mạnh góp phần định hướng thẩm mỹ giáo dục cho khán giả, hay chỉ là khoản thu lớn từ số tiền quảng cáo được đổ về nhờ scandal? Thốt nhiên tôi lại nhớ đến câu chuyện một chú bé chăn cừu quen lừa dân làng có chó sói đến ăn thịt, mãi rồi tới lúc chó sói xuất hiện thì chẳng ai tin để mà ra cứu đàn cừu nữa. Kịch bản scandal của gameshow trên sóng truyền hình Việt hẳn sẽ có một kết cục như thế. Nếu tiếp tục con đường nổi bằng truyền thông như hiện tại.

Đến bao giờ thì chúng ta mới có một gameshow - chương trình giải trí hấp dẫn được xây dựng nên bởi chất lượng và vì chất lượng chứ không vì số quảng cáo thu về, nhờ scandal?

Thành Lê

(Năng lượng Mới số 149, ra thứ Sáu ngày 24/8/2012)

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...