Bội thực gameshow truyền hình

08:20 | 17/05/2012

2,895 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“SV 96” trở lại phiên bản mới 2012, mới đây nhà đài cũng cho biết chương trình “Những bông hoa nhỏ” chuẩn bị tái xuất trên kênh VTV6. Sự trở lại của các gameshow từng một thời làm mưa làm gió trên sóng truyền hình sẽ có số phận ra sao dường như đã được báo trước qua hiệu ứng của chương trình SV.

Bình mới rượu mới

Khoảng những 90 của thể kỷ trước, truyền hình là món ăn tinh thần hấp dẫn và chiếm vị trí độc tôn của khán giả Việt. Cùng với những chương trình ca nhạc tạp kỹ, trò chơi truyền hình trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng triệu khán giả. Thời điểm đó, hàng ngàn người mong chờ đến giờ chương trình lên sóng để những chương trình mang tính chất giải trí như “SV96” và “Trò chơi liên tỉnh”… Chính điều này đã khơi dậy mảnh đất màu mỡ trên sân chơi truyền hình Việt Nam. Không bao lâu sau khi kênh truyền hình được mở ra, tăng thời lượng phát sóng thì gameshow trở thành chương trình giải trí đắt giá nhất của các nhà sản xuất truyền hình. Hàng loạt các gameshow thuần Việt được ra đời cùng với sự nhập cư nhanh chóng của các phiên bản gameshow nước ngoài. Điều dễ dàng nhận thấy, sau khi gia nhập làng gameshow Việt, các gameshow ngoại dần chiếm lĩnh ưu thế và trở thành chương trình giải trí verdet. Chỉ tính riêng hai đài truyền hình lớn của cả nước là VTV và HTV đã có khoảng 50 gameshow.

Gameshow, xét về mặt tích cực không chỉ là trò chơi giải trí đơn thuần mà còn góp phần gợi mở tư duy, óc sáng tạo cho người chơi và khán giả. Hàng loạt những gameshow ra đời hướng đến nhiều đối tượng người xem. Gameshow trí tuệ như “Đường lên đỉnh Olympia”, “Rung chuông vàng”, “Làm giàu không khó”, “Đường đến thành công”, “Ai là triệu phú”, “Đấu trường 100”… đòi hỏi lượng kiến thức tổng hợp trong một quá trình rèn luyện của người chơi, người xem cũng thu thập cho mình được không ít thông tin hữu ích. Gameshow mang tính giáo dục cao như “Hành trình văn hóa”, “Ở nhà Chủ nhật”, “Vui khỏe có ích”… mang đến cho khán giả kho tàng kiến thức quý giá ngoài những phút giây thư giãn.

Khi truyền hình được thương mại hóa trở thành lĩnh vực kinh doanh hút các nhà sản xuất tư nhân vào cuộc thì gameshow trở thành một mặt hàng kinh doanh lợi nhuận gấp bội phim truyền hình. Từ đây các nhà đài chỉ ngồi mát bán giờ phát sóng cho nhà sản xuất và thu tiền từ quảng cáo. Giờ vàng dành cho phim truyền hình cũng trở nên nhạt nhòa trước các gameshow khủng.

Các chương trình truyền hình thực tế như “Việt Nam Idol”, “Next top Model”, “Song ca cùng thần tượng” và gần đây nhất và “Vietnam Got talent” thu hút đáng kể sự quan tâm của công chúng. Những gameshow chỉ mang tính chất giải trí đơn thuần như “Bước nhảy hoàn vũ”, “Hát với ngôi sao”, “Cặp đôi hoàn hảo”… cũng là đề tài bàn tán của hầu hết giới văn phòng, viên chức cho đến học sinh – sinh viên. Chưa kể đến một vài chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài đang rục rịch lên sóng khiến cho khán giả không khỏi lo sợ về sự bội thực gameshow.

Sự phát triển của gameshow được ví như “nấm mọc sau mưa” khiến cho truyền hình Việt Nam rơi vào tình trạng vừa thiếu vừa thừa. Thừa về số lượng nhưng lại thiếu những chương trình có chất lượng thực sự. Còn nhớ khi “Hành trình văn hóa” ra mắt người xem, khán giả hồ hởi mỗi tối thứ Năm ngồi trước màn hình theo dõi, vì chẳng cần đi xa chỉ cần xem “Hành trình văn hóa” như là được đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Nhưng hầu hết những gameshow này tồn tại được một thời gian đều rơi vào tình trạng cạn vốn rồi chìm dần. Những người làm truyền hình không biết cách đổi mới format chương trình khiến cho hàng loạt gameshow rơi vào tình trạng ế ẩm như “Đường lên đỉnh Olympia”, “Chiếc nón kỳ diệu”, “Theo dòng lịch sử”, “Trò chơi âm nhạc”… và cũng có một số phải dừng phát sóng như “Ở nhà Chủ nhật”, “Hành trình văn hóa”… nhường chỗ cho những sân chơi mới, phần đa trong số đó là các phiên bản của gameshow ngoại nhập.

Trong bối cảnh gameshow và truyền hình thực tế nở rộ, thực tế thu được món lời không nhỏ từ quảng cáo, nhà đài đã và đang muốn làm “sống” lại các gameshow cũ như SV phiên bản 2012, “Những bông hoa nhỏ”…

Sự thất bại được báo trước

Sự quay trở lại sau hơn 10 năm vắng bóng của một trong những phiên bản gameshow thuần Việt đầu tiên phải kể đến là “SV 96”. Sau thành công vang dội, sân chơi này đã trở lại trước đó trong phiên bản 2000 nhưng hầu như sự quan tâm của công chúng đã nhạt nhòa. Lần trở lại này, mặc dù được sự ưu ái và quan tâm của các cơ quan truyền thông cùng nhà đài nhưng tên tuổi của “SV 2012” khá im hơi lặng tiếng.

Trên diễn đàn mạng xã hội lớn nhất Việt Nam, facebook chỉ có duy nhất trang thông tin chính thức của nhà sản xuất được lập ra dành cho “SV 2012” nhưng số lượng fanspage của trang chỉ nhỉnh hơn mức 6.000, bằng với số sinh viên của một trường đại học quy mô trung bình tại Việt Nam.

Dạo một vòng qua các diễn đàn dành cho giới trẻ, như traitimvietnam.vn, sinhvien.com… người viết không thấy có chủ đề nào liên quan đến cuộc thi này. Ở các trường đại học, sinh viên cũng không mặn mà lắm với cuộc thi. Bạn Ngọc Quyên, sinh viên Trường đại học Kinh tế TP HCM cho biết: Em không nghe thông tin gì về sân chơi này, trong khi Trường Kinh tế cũng là một trong những trường có tên trong danh sách đội chơi. Sự hiện hữu của nó trôi qua gần nửa chặng đường, nhưng sự quan tâm của đối tượng mà chính nó hướng đến cũng không mấy tạo ấn tượng.

Sắp tới đây, series chương trình dành cho thiếu nhi “Những bông hoa nhỏ” gây được tiếng vang một thời cũng sẽ trở lại với các em nhỏ vào dịp 1/6 này. Nếu series này được lặp lại theo đúng phiên bản cũ thì số phận của nó chắc sẽ không sáng sủa. Sự ra đời của “Những bông hoa nhỏ” trong các thập niên trước, như là món quà tinh thần vô giá dành cho các em nhỏ. Người người, nhà nhà lấy thời gian chương trình bắt đầu để làm mốc sum họp gia đình hay việc học hành. Cho đến nay, sau một thời gian dài kêu gọi phát động, các cơ quan xuất bản, truyền thông cũng như giải trí đã đầu tư đáng kể các món ăn tinh thần dù chưa hấp dẫn nhưng khá đa dạng và phong phú cho các em. Vì vậy, nếu không có sáng tạo đột phá, chương trình vốn được yêu thích này khó lòng vượt được chương trình “Chúc bé ngủ ngon” đang được yêu thích .

Thế nên, hy vọng việc làm sống lại hay một số chương trình truyền hình không rơi vào lối mòn tư duy theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” của người làm truyền hình Việt bấy lâu.

Hà Xuân

Năng lượng Mới số 120, ra thứ Ba ngày 15/5/2012

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...